Bệnh viện làm 6 giờ/ngày

Sự kiện: Tin ngắn Thời sự

Mới 16 giờ, bệnh viện đã nghỉ khám bệnh, không làm thủ tục ra viện.

Ngày 5-10, ông Lâm Quang Chứng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết sẽ kiểm tra phản ánh của người dân về việc cán bộ Bệnh viện Da liễu (phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang) chỉ làm việc 6 giờ/ngày.

Vì làm trong môi trường lây lan…

Từ phản ánh của một số bạn đọc, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Da liễu lúc chưa đến 11 giờ ngày 5-10. Vừa dắt xe vào, người giữ xe chặn lại nói: “Đi khám bệnh à? Chiều đến, bây giờ người ta không làm nữa đâu, gửi xe chi mất công”.

Trước cổng Bệnh viện Da liễu ghi giờ khám bệnh sáng từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ, chiều từ 13 giờ 30 phút đến 16 giờ. Qua ghi nhận thực tế, mỗi ngày, khoảng 11 giờ và 16 giờ, bệnh viện đã đánh kẻng báo hiệu hết giờ làm. Ngay sau đó, nhiều cán bộ của bệnh viện ra về, bộ phận hành chính cũng đóng cửa.

Bệnh viện làm 6 giờ/ngày - 1

11 giờ ngày 5-10, Bệnh viện Da liễu đánh kẻng, nhiều cán bộ đã ra về

Anh L., một bệnh nhân quê ở Phú Yên, cho biết ngày 3-10, chưa đến 16 giờ, anh cùng người nhà vào làm thủ tục ra viện nhưng cán bộ ở đây cho biết đã hết giờ làm, yêu cầu sáng mai làm thủ tục. “Tôi thực sự bất ngờ vì còn sớm như vậy mà bệnh viện đã đóng cửa, nghỉ làm. Nhà xa, đành phải ở lại một đêm để chờ ngày mai làm thủ tục. Trước đó, khi vào khám bệnh, tôi đến lúc 10 giờ 45 phút cũng không được khám” - anh L. cho biết.

Chiều 5-10, khi chúng tôi đăng ký làm việc với bệnh viện, Phòng Tổ chức - Hành chính có 3 người làm việc, sau đó 1 người lên xe máy đi ra cổng. Đến khoảng 15 giờ 30 phút, chỉ còn ông Nguyễn Văn Dung (trưởng phòng) ở lại tiếp chúng tôi. Ông Dung thừa nhận ông cũng từng giải thích với những bệnh nhân đến khám gần hết giờ quy định là chỉ tiếp nhận những ca cấp cứu, còn lại bác sĩ phòng khám đã tắt máy móc, thiết bị. “Có người đến khám không theo lịch hẹn nên rất khó nói việc này đúng hay sai (!?)” - ông Dung nói.

Về việc bệnh viện chỉ khám bệnh 6 giờ/ngày, ông Dung lý giải bệnh viện thuộc cơ sở làm việc trong môi trường lây nhiễm cao, tiếp xúc bệnh nhân lở loét như bệnh phong, da liễu… Do đó, áp dụng theo Bộ Luật Lao động được phép rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày từ 1-2 giờ. “Bác sĩ làm việc 6 giờ/ngày nhưng người làm hành chính nếu không có bác sĩ ký thì sao ra viện được? Hành chính theo công việc mà làm, bác sĩ như đầu tàu, có bác sĩ thì mới khám bệnh được. Cái đó cũng rõ ràng rồi nên tất cả anh em ở đây đều làm việc 6 giờ hết vì nằm trong môi trường lây lan” - ông Dung nói.

Cần bảo đảm thời gian phục vụ

Theo danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Y tế ban hành, được làm việc 6 giờ/ngày chỉ có những người trực tiếp khám, điều trị, phục vụ bệnh nhân da liễu, hộ lý, người trực tiếp rửa, hấp, sấy, tiêu hủy các dụng cụ y tế, bệnh phẩm, chai lọ đựng thuốc, giặt giũ quần áo bệnh nhân mới được quy định ngành nghề nặng nhọc, độc hại vì thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân lở loét, nguy cơ lây nhiễm cao, công việc thủ công nặng nhọc, tiếp xúc với các hóa chất, chất thải của bệnh nhân và vi sinh vật gây bệnh. Không có quy định nào cho thấy những người làm việc hành chính trong các cơ sở da liễu được hưởng các chế độ về độc hại, nặng nhọc.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều phòng khám tại TP Nha Trang của các bác sĩ Bệnh viện Da liễu như bác sĩ C. (đường Đinh Tiên Hoàng), bác sĩ H. (đường 2-4), bác sĩ K. (đường 2-4) mở cửa khám bệnh từ 16 giờ 30 phút.

Về phía lãnh đạo Sở Y tế, ông Lâm Quang Chứng cho biết nhiều bệnh viện mang tính đặc thù thì được rút ngắn thời gian làm việc theo Bộ Luật Lao động nhưng chỉ áp dụng với y, bác sĩ. Với cán bộ hành chính tại Bệnh viện Da liễu chỉ làm 6 giờ/ngày, sở sẽ ghi nhận, cho kiểm tra lại. “Cần có cách tổ chức để làm thế nào bảo đảm công tác phục vụ bệnh nhân” - ông Chứng nhấn mạnh.

Chưa có chế tài xử lý cụ thể

Ông Ngô Truyện, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa, cho biết cán bộ, công chức, viên chức đều phải tuân thủ luật pháp, ngày làm 8 giờ, trừ một số trường hợp quy định riêng, nếu làm ít hơn là vi phạm quy định. Tuy vậy, từ trước đến nay, chưa thực hiện việc kiểm tra, xử lý tình trạng “đi muộn về sớm”, “ăn cắp giờ công”. “Thực tế chưa có chế tài cụ thể như đi muộn bao nhiêu phút thì phạt như thế nào. Do đó, các quy định chỉ yêu cầu thủ trưởng đơn vị nhắc nhở nếu phát hiện nhân viên vi phạm thì kiểm điểm, khiển trách, cắt thi đua” - ông Truyện nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KỲ NAM (Người lao động)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN