Bão Hagupit giật cấp 11 hướng vào Khánh Hòa-Bình Thuận
Tối ngày 11.12, bão Hagupit vào tới đất liền, khu vực trọng tâm bão đổ bộ từ phía Bắc tỉnh Bình Thuận đến Khánh Hòa. Khi đổ bộ, bão ở cấp 6 hoặc 7, giật cấp 8,9.
19h tối ngày 10.12, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các địa phương để chuẩn bị phương án đối phó với bão Hagupit.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, khoảng 11h sáng ngày 9.12 bão Hagupit đã vào tới Biển Đông, Việt Nam. Trước khi đi vào Biển Đông, bão chỉ ở cấp 7. Nhưng khi vào tới Biển Đông, bão đã mạnh lên cấp 8. Bão Hagupit càng đi sâu vào đất liền càng có xu hướng mạnh lên.
Hướng đi của bão Hagupit
Đến 19 ngày 10.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,6 độ vĩ Bắc, cường độ bão đang ở cấp 10, giật cấp 11, 12. Bão đang di chuyển theo hướng Tây, sau đó sẽ lệch hơn về phía Nam khu vực các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận.
“Các dự báo trước của chúng tôi nhận định khi bão Hagupit đi vào Biển Đông sẽ yếu đi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện lại có sự thay đổi, bão đã mạnh lên cấp 10. Các trung tâm dự báo lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông đều có chung nhận định là bão đang ở cấp 9, 10 và sẽ mạnh lên”, ông Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, đến sáng ngày 11.12, bão sẽ đạt cường độ mạnh nhất là ở cấp 10 và kéo dài khoảng 12 tiếng trước khi suy yếu. Khi bão đổ bộ sẽ có hai khả năng xảy ra.
Khả năng 1: Khi bão cách bờ biển Khánh Hòa, Bình Thuận khoảng 50-100km thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, với sức gió chỉ còn cấp 6,7. Vùng đổ bổ nhiều khả năng là ở Ninh Thuận. Khu vực vùng biển phía Nam tỉnh Bình Định, Khánh Hòa có thể có gió giật mạnh.
Khả năng 2: Khi vào đến bờ, bão Hagupit có thể thành vùng áp thấp nhiệt đới, với cấp 6, 7 và trôi dọc xuống vùng biển Bình Thuận đến Bến Tre. Vùng Nam Bộ có giông lốc, gió giật mạnh.
Từ trưa mai (11.12) đến hết ngày 13.13, từ Huế đến Ninh Thuận có mưa lớn diện rộng, tổng lượng mưa khoảng 100 đến 200mm/đợt. Trọng tâm mưa ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Ở Tây Nguyên có mưa từ 50- 70mm. Nam Bộ có mưa từ 30-60mm.
Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, bão đã mạnh lên cấp 9, do vậy, tất cả tàu thuyền đi vào vùng tâm bão có thể bị nhấn chìm. Các địa phương phải kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi khi bão vào.
19h tối ngày 10.12, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các địa phương để chuẩn bị phương án đối phó với bão Hagupit.
Đối với các địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng của bão phải tiếp tục theo dõi diễn biến cơn bão, thông tin cho nhân dân biết để phòng tránh. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng phải tăng thời lượng thông báo dày thêm để nhân dân biết (khoảng 1h/ lần).
Một số địa phương ven biển, phải hướng dẫn nhân dân sắp xếp tàu thuyền khi vào bờ, tránh thiệt hại ở bờ. Đối với nhà cửa, vùng ven biển có nhiều nhà mái tôn, phải chằng chéo, lấy bao cát đè lên.
Đến chiều ngày 11.12, những vùng nguy hiểm, phải đưa ngay người già, trẻ em sơ tán vào nơi an toàn. Các địa phương bố trí sẵn lực lượng túc trực ở nơi xung yếu, để hỗ trợ khi cần thiết.
Theo báo cáo Bộ đội biên phòng các tỉnh, tính đến 16h ngày 10.12, biên phòng các tỉnh từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã phối hợp với các địa phương kiểm đếm được 41.000 phương tiện, tàu bè bè biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Trong đó, khu vực quần đảo Hoàng Sa có 9 tàu/89 lao động; khu vực giữa Biển Đông còn 1 tàu BDD96972/7 lao động đang vào bờ.