Arập Xê-út bỏ tiền mua bom hạt nhân từ Pakistan?
Cuộc chạy đua hạt nhân ở Trung Đông đang trở nên vô cùng căng thẳng sau khi có thông tin Arập Xê-út bỏ tiền mua bom hạt nhân của Pakistan.
Ngày 6/7, một nguồn tin từ NATO cho hay Arập Xê-út đã rót tiền giúp Pakistan phát triển chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lại việc Islamabad cung cấp bom nguyên tử cho nước này bất cứ lúc nào.
Các chuyên gia phân tích cho rằng từ lâu Arập Xê-út đã muốn sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình để đối chọi với tham vọng hạt nhân của Iran. Việc hiện thực hóa nhu cầu này bằng cách cấp tiền cho Pakistan có thể biến Arập Xê-út trở thành một quốc gia hạt nhân trước cả người láng giềng Iran.
Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân Shaheen của Pakistan
Ông Amos Yadlin, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Israel cho hay: “Arập Xê-út đã trả tiền cho quả bom hạt nhân, và họ sẽ tới Pakistan để mang thứ mà họ cần về nước.”
Arập Xê-út cũng không hề giấu giếm tham vọng của mình khi công khai khẳng định với Mỹ từ năm 2009 rằng họ cũng sẽ tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân nếu “Iran vượt quá giới hạn”, và nước này cũng đã có công nghệ tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân từ cuối thập niên 1980.
Tháng 5/2012, cựu quan chức ngoại giao Mỹ Dennis Ross lần đầu tiên xác nhận rằng vua Abdullah của Arập Xê-út đã ngầm cảnh báo rằng nếu Iran có vũ khí hạt nhân, Arập Xê-út cũng sẽ tìm cách làm như vậy.
Tuy nhiên Iran không phải là mục tiêu duy nhất của Arập Xê-út khi các nguồn tin tình báo năm ngoái đã xác nhận rằng nước này cũng có các bệ phóng tên lửa nhắm vào Israel.
Hiện một số nguồn tin, trong đó có Viện Khoa học và An ninh Quốc tế ở Mỹ cho rằng Tehran có thể sẽ có đủ urani làm giàu để chế tạo vũ khí hạt nhân đầu tiên trong vài tuần tới, tuy nhiên họ không thể khẳng định được Iran sẽ mất bao lâu để biến số urani đó thành một quả bom hạt nhân đích thực.
Trong khi đó, Mỹ lại cho rằng Iran phải mất ít nhất 1 năm nữa mới có thể chế tạo được bom hạt nhân. Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Nhà Trắng đã hối thúc Thượng viện Mỹ hoãn thi hành các lệnh cấm vận mới nhằm tạo cơ hội để đàm phán với Iran.
Sau khi Tổng thống Iran Hassan Rohani lên nắm quyền, quan hệ giữa Iran và Mỹ đã được cải thiện đáng kể. Chính sự nồng ấm bất thường trong quan hệ giữa 2 quốc gia này đã khiến Arập Xê-út lo lắng, thúc đẩy họ hiện thực hóa tham vọng sở hữu bom hạt nhân của mình.
Các chuyên gia phân tích lo ngại rằng với thông tin Arập Xê-út bỏ tiền để mua bom hạt nhân của Pakistan, cuộc chạy đua hạt nhân ở khu vực Trung Đông sẽ trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết, đe dọa đến hòa bình và ổn định tại khu vực này.