Anh nông dân bật điện bằng… sóng điện thoại

Mai Văn Quân ở Đắk Lắk, Nguyễn Thái Toản ở Đắk Nông là những nông dân thông minh, sáng tạo như “kỹ sư thứ thiệt”. Họ chế thành công xe đa năng hữu ích và điều khiển nguồn điện bằng sóng mobile.

Chiếc xe máy đa năng

Căn nhà lá xập xệ của anh Mai Văn Quân (27 tuổi, ở buôn Noh, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) chiều về luôn có đông thanh niên tụ tập. Họ đưa cả xe công nông, xe máy cày đến cho Quân sửa chữa, độ chế. Nhà Quân thành “gara” lúc nào không hay, ngổn ngang máy hàn, máy bơm, bình điện, phụ tùng sửa xe…

Từ xe máy cũ nát, Quân chế thành chiếc xe ba bánh chạy bon bon trên nhiều địa hình phức tạp, chở hàng nông sản. Đặc biệt, khi gắn thêm động cơ, lồng sắt, chiếc xe trở thành cỗ máy bóc tách vỏ mì (sắn) nhanh, chỉ trong vòng 30 phút đã hoạt động hiệu quả bằng hai người làm trong một ngày.

Anh nông dân bật điện bằng… sóng điện thoại - 1

Anh Mai Văn Quân bên máy chế bóc vỏ mì

Quân cho biết: “Chiếc máy bóc tách vỏ mì được hình thành từ ý tưởng hết sức đơn giản. Hôm thu hoạch mì, bỏ vào bao lăn từ trên đồi xuống, đến khi mở bao, thấy nhiều vỏ bong ra nên mình nghĩ ra cách bỏ củ mì vào lồng sắt quay. Không đủ tiền mua máy nổ, mình đến cơ sở thu mua phế liệu mua lại các phụ tùng về độ chế”.

Sản phẩm đầu tay của Quân là lồng sắt quay bằng tay nặng khoảng 45kg, cho 1,5 tạ mì vào quay trong vòng 10 phút là xong. Để tăng công suất, Quân nghĩ ra cách gắn lồng quay với động cơ và tăng kích thước của lồng dài 1,6m, đường kính 1m, nặng gần 200kg.

Lồng sắt quay nhờ cơ chế hoạt động của động cơ xe máy, liên kết các bánh răng kéo trục chính lồng quay tròn, củ mì được nhào trộn, tách vỏ. Mỗi lần quay có thể bóc tách 700 kg củ mì tươi/lồng/30 phút. Một lít xăng quay được bốn lồng. Hộ nào trong buôn có nhu cầu, Quân đánh xe đi bóc vỏ mì với 50 nghìn đồng/lồng quay.

“Chiếc xe của mình có hai động cơ, một cái giúp di chuyển như xe máy, cái còn lại chỉ hoạt động khi bóc tách vỏ mì. Thêm vào đó, xe còn gắn với máy bơm để phun thuốc trừ sâu. Qua thực tế và nhiều lần thất bại, mình mới có thành công”, Quân chia sẻ.

Bật – tắt nguồn điện bằng sóng mobile

Mới hết lớp 6, chưa từng học cơ khí điện tử nhưng Nguyễn Thái Toản, 26 tuổi, ở thôn Tân Lập (xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) đã biến ý tưởng nghe như xa vời thành hiện thực: chỉ cần nhá máy điện thoại, lập tức nguồn điện tự động bật, tắt.

Một mình tưới tiêu cho vườn xoài rộng, cách xa trạm bơm 500m nên mỗi ngày Toản phải đi lại nhiều lần bật – tắt cầu dao điện, vừa vất vả, lại tốn thời gian. Ý tưởng điều khiển dòng điện từ xa dần được Toản hiện thực hóa từ sản phẩm đồ chơi của em trai vứt ở xó nhà.

Bước đầu thử nghiệm, Toản dùng bộ điều khiển từ xa, hộp số của xe ôtô kết nối với công tắc điện đạt hiệu quả như ý. Qua sử dụng, Toản phát hiện nhược điểm: sóng ngắn, thời gian khởi động lâu, dễ gây cháy và bị trùng sóng nên anh nung nấu ý định làm bộ công tắc “đứng ở đâu cũng làm được” thông qua sóng điện thoại.

Anh nông dân bật điện bằng… sóng điện thoại - 2

Anh Nguyễn Thái Toản và sản phẩm bật - tắt nguồn điện bằng sóng mobile

Toản nhờ bạn thiết kế bộ cảm biến tiếp nhận ánh sáng của điện thoại đặt trong hộp cầu dao điện. Nguyên tắc hoạt động, khi có cuộc gọi đến, đèn điện thoại sáng lên, bộ cảm biến ánh sáng sẽ hoạt động, tạo ra dòng điện cho hộp số. Hộp số tác động lên cần quay làm đóng bộ mạch cầu dao điện và máy bơm hoạt động.

Nếu nhận cuộc gọi tiếp theo, cầu dao sẽ tự động ngắt. Thấy hiệu quả, nhiều chủ vườn cà phê tìm đến Toản “đặt hàng”. Toản cười bảo “chờ sản phẩm hoàn thiện đã”.

Toản cho biết, anh làm ra bộ nguồn đóng – mở dòng điện bằng sóng điện thoại này hoàn toàn từ tiền tiết kiệm tiêu vặt hàng ngày. Nhà có 8 anh em, kinh tế khó khăn nên Toản phải nghỉ học sớm, phụ cha mẹ nuôi các em. Vụ xoài năm 2012, gia đình Toản thu hoạch 100 tấn, bán được 650 triệu đồng.

Ông Hoàng Công Thắng Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil biết chuyện, đã hứa với Toản sẽ hỗ trợ kinh phí nếu Toản hoàn thiện được sản phẩm, đưa ra thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Kiến (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN