Ấn Độ trao tiền trợ cấp trực tiếp cho dân

Từ tháng 1/2013, Ấn Độ sẽ phát tiền trợ cấp trực tiếp thay vì hàng hóa cho dân nghèo nhằm ngăn chặn tham nhũng, cắt giảm các loại “cửa” trung gian khiến hàng trợ giá khi đến tay người dân đã bị cắt xén!

Báo Wall Street Journal cho biết chính phủ sẽ chuyển trực tiếp 40.000 rupees (720 USD) mỗi năm cho mỗi hộ gia đình nghèo. Số tiền mặt này sẽ thay cho số tiền mà chính phủ hiện dùng trợ giá các mặt hàng thiết yếu cho họ như nhiên liệu, phân bón, thực phẩm. Do đó, các hàng hóa này sẽ không có giá trợ cấp nữa.

Trước đây, đã có rất nhiều ý kiến phàn nàn chỉ một phần nhỏ hàng trợ giá đến được tay người nghèo. Do nạn tham nhũng ở tất cả các cấp, thủ tục hành chính rườm rà, kém hiệu quả, gây lãng phí khiến hàng trợ giá khi đến được với dân đã bị bốc hơi, cắt xén qua đủ các loại “cửa” trung gian.

Ảnh hưởng tới 720 triệu dân

Chương trình đổi hàng thành tiền này sẽ ảnh hưởng tới ít nhất 720 triệu người nghèo nhất ở Ấn Độ. Các khoản chi cho các chương trình phúc lợi xã hội như hỗ trợ giá phân bón, đảm bảo có công ăn việc làm cho dân vùng nông thôn sẽ hầu như không đổi, vẫn ở mức 4.000 tỉ rupees (71,9 tỉ USD)/năm.

Ban đầu chỉ có các chương trình trợ cấp hoặc phúc lợi liên quan tới 29 chương trình xã hội như học bổng hoặc y tế sẽ thay đổi. Tiếp đó chính phủ sẽ mở rộng ra các chương trình trợ cấp lương thực, phân bón, khí đốt. Trong một số trường hợp như khí đốt, tiền hỗ trợ chỉ dành cho nhà nào có dùng khí đốt nấu ăn.

Ấn Độ trao tiền trợ cấp trực tiếp cho dân - 1

Kế hoạch trao tiền trực tiếp cho người nghèo sẽ ảnh hưởng tới 720 triệu dân Ấn Độ, tương đương dân số của châu Âu - Ảnh: WSJ 

Bằng cách này, chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh đang tìm cách đưa chương trình xã hội đến được với mục tiêu cụ thể. Việc Ấn Độ có thể thực hiện chuyển tiền trực tiếp là nhờ sự tiến bộ của công nghệ và hệ thống ngân hàng hiện đại hơn so với trước đây, giúp cắt giảm các loại “cửa” để số tiền đến với dân nhiều nhất.

Tới tháng 4/2013, dự kiến chương trình mở rộng ra 18 bang và mở rộng ra toàn quốc vào cuối năm.

Dân tự quyết định làm gì với tiền hỗ trợ

Một số nhà kinh tế nhận định đưa tiền cho người nghèo thay vì hỗ trợ các dịch vụ giúp hạn chế tham nhũng, do không còn cơ hội cho các cơ quan chính phủ, doanh nhân can thiệp vào dòng tiền và bòn rút từ các dự án kết nối hỗ trợ nữa. Nếu tiền đến trực tiếp, dân có thể quyết định dùng như thế nào theo cách tốt nhất cho họ, thay vì chính phủ tự quyết định dân phải mua gì, dùng gì, cần gì.

Các nhà phân tích nhìn nhận nếu chương trình thành công thì tiền đến tay dân tốt hơn, nhu cầu hàng hóa sẽ nhiều hơn, giúp sản xuất phát triển hơn cũng là giúp nền kinh tế tăng trưởng. Các quan chức chính phủ nhận định việc đưa tiền trực tiếp cho dân sẽ không dẫn tới tình trạng có quá nhiều tiền lưu thông trong nền kinh tế và gây lạm phát. Văn phòng thủ tướng cho biết hỗ trợ tiền trực tiếp như vậy sẽ không tạo nên gánh nặng lớn hơn cho ngân sách nhà nước, vì vốn dĩ nhà nước cũng phải chi hỗ trợ các chương trình lương thực, phân bón, giáo dục hay nhiên liệu rồi.

Một số quốc gia đã đưa chương trình chuyển tiền có điều kiện cho người nghèo. Một trong những chương trình thành công nhất là Bolsa Família của Brazil, giúp giảm đáng kể tỉ lệ hộ nghèo ở nước này vào những năm 2000. Nhiều nước khác đã áp dụng chương trình tương tự như Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, Mexico, Indonesia và Nam Phi.

Sở dĩ chương trình hỗ trợ tiền có thể thực hiện được chính là nhờ hệ thống nhận dạng điện tử bằng số Aadhaar, một dự án cấp chứng minh thư khổng lồ mà Ấn Độ đang thực hiện. Nó giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ như ngân hàng và nhận hỗ trợ nhanh chóng hơn. Hộ gia đình có thẻ Aadhaar mà đủ điều kiện nhận hỗ trợ sẽ nhận tiền trực tiếp qua tài khoản ngân hàng.

Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn để thực hiện thành công chương trình này vì không phải người dân nào cũng có thẻ Aadhaar. Khoảng 300 triệu dân trong tổng số 1,2 tỉ dân vẫn chưa có giấy tờ nhân thân chính thức, do vậy họ không thể mở được tài khoản hay có việc làm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạnh Nguyên (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN