142 người chết thảm, Indonesia “soi” đội bay C-130

Sự kiện: Tin tức Indonesia

Nhiều chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 hoạt động trong quân đội Indonesia đã có tuổi thọ ngót nghét 50 năm.

Ngày 1.7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và các tướng lĩnh nước này “xem xét lại một cách căn bản việc quản lý vũ khí quân sự” sau thảm họa rơi máy bay vận tải quân sự C-130 khiến nhiều quân nhân và dân thường thiệt mạng.

Theo cảnh sát Indonesia, đến trưa nay, họ đã xác định được tổng cộng có 142 người chết trong vụ chiếc máy bay C-130 được mệnh danh là “lực sĩ bầu trời” này đâm xuống khu dân cư ở thành phố Medan.

142 người chết thảm, Indonesia “soi” đội bay C-130 - 1
Chiếc C-130 đâm xuống khu dân cư và bốc cháy vài phút sau khi cất cánh

Trước thảm kịch kinh hoàng này, Tổng thống Widodo tuyên bố rằng chương trình mua sắm vũ khí của quân đội Indonesia phải thay đổi, và “chúng ta không thể đơn giản là cứ mua vũ khí, mà cần phải nghĩ tới việc hiện đại hóa hệ thống vũ khí”.

Không quân Indonesia cũng tuyên bố hộ sẽ đánh giá lại toàn bộ đội máy bay Hercules có trong biên chế của mình, trong đó phần lớn là những chiếc máy bay đã cũ kỹ, phục vụ trong hàng chục năm trời.

Tư lệnh Không quân Agus Supriatna tuyên bố thảm kịch ở Medan là một động lực để rà soát, đánh giá lại toàn bộ các hệ thống bay hiện đang được quân đội Indonesia sử dụng.

Tuy nhiên, ông Agus cho biết các điều tra viên vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn, dù chiếc C-130 này có thể có một số vấn đề về kỹ thuật.

142 người chết thảm, Indonesia “soi” đội bay C-130 - 2
Các phi công C-130 của Indonesia vẫn thường cho cả dân thường lên máy bay. Ảnh minh họa

“Lực sĩ” C-130 được hãng sản xuất vũ khí Lockheed Martin của Mỹ cho bay thử lần đầu tiên vào năm 1954, và sau khi thử nghiệm thành công, họ đã sản xuất hơn 2.000 chiếc để bán cho quân đội của nhiều nước trên thế giới.

Indonesia đã nhận được 10 chiếc C-130 của chính phủ Mỹ để đổi lấy viên phi công Allan Pope, một nhân viên hoạt động của CIA, người đã bị an ninh Indonesia bắt giữ vì giúp đỡ phong trào nổi dậy Permesta ở Sulawesi vào năm 1958.

Đến năm 1975, Indonesia nhận thêm 3 chiếc C-130 B. Vài năm sau, quân đội nước này nhận thêm 3 chiếc C-130 H, 7 chiếc C-130 HS (thân dài) và 1 chiếc C-130 MP (tuần tra biển) theo chương trình nâng cao sức mạnh Không quân.

142 người chết thảm, Indonesia “soi” đội bay C-130 - 3
Đội bay C-130 của Indonesia phần lớn đã cũ kỹ, lạc hậu

Ngoài ra, Không quân Indonesia hiện nay vẫn đang sử dụng 2 chiếc KC-130 (phiên bản máy bay tiếp dầu trên không của C-130) để thực hiện các hoạt động tiếp dầu của mình.

Mặc dù máy bay vận tải quân sự chỉ được sử dụng cho các hoạt động của quân đội, nhưng từ lâu các binh sĩ Indonesia vẫn thường cho người nhà đi theo trong các chuyến bay từ hòn đảo này sang hòn đảo khác, thậm chí thu tiền của hành khách dân sự để cho họ “quá giang”.

Mặc dù quân đội Indonesia đã từng tuyên bố sẽ ngăn chặn tình trạng này, nhưng có vẻ như sau một thời gian tình hình “đâu lại vào đó”, khi chiếc máy bay C-130 gặp nạn trên được xác định là chở theo nhiều hành khách dân sự từ thành phố Medan để tới một hòn đảo nhỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Tin tức Indonesia Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN