13 nạn nhân bị bỏng sau vụ cháy bar Luxury

13 người nhập viện vì bỏng sau vụ cháy đêm 23, rạng sáng 24/9 tại bar Luxury (153 Yên Phụ, Tây Hồ) chủ yếu là thanh niên Hà Nội, người trẻ nhất mới 19 tuổi.

Trong số những bệnh nhân này, có 2 người bị bỏng nhẹ đã xin ra viện, 1 người phải chuyển sang BV Mắt, 1 người điều trị tại khoa Tăng cường ngoại do bị chấn thương, 9 người còn lại điều trị ở khoa Bỏng – BV Xanh Pôn.

Theo BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), 13 bệnh nhân này được chuyển đến bệnh viện khoảng 12h đêm qua trong tình trạng bị bỏng, đau rát, đau đầu, người mệt mỏi, một số người mặt mũi đen kịt vì khói.

13 nạn nhân bị bỏng sau vụ cháy bar Luxury - 1

Một số nạn nhân vụ cháy bar Luxury đang điều trị tại BV Xanh pôn.

Các bệnh nhân bị bỏng khá nặng, bỏng hô hấp chủ yếu ngoài da ở mặt, ngực, tay và bị nhiễm độc khí, điều trị phức tạp, nguy cơ tử vong có thể xảy ra.

“Các bệnh nhân này đã được điều trị tích cực và phải theo dõi tiếp 1 tuần nữa mới xác định được tình trạng có ổn định hay không”, BS Thống cho biết.

Đến sáng nay (24/9), các nạn nhân đã qua cơn nguy kịch, chưa ai bị suy hô hấp nhưng có biểu hiện nôn, ho, khạc đờm nhiều.

13 nạn nhân bị bỏng sau vụ cháy bar Luxury - 2

BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) trao đổi với phóng viên chiều 24/9.

Được biết, trong số 13 nạn nhân, người trẻ nhất 19 tuổi, cao nhất 40 tuổi, còn lại trung bình từ 24-30 tuổi, chủ yếu ở Hà Nội, có 6 người là nam giới.

Trước đó, khoảng 23h đêm 23/9, sau một tiếng nổ lớn, lửa bùng lên ở tầng trên bar Luxury (153 Yên Phụ, Tây Hồ). Đám cháy đã thiêu rụi quán bar bất chấp nỗ lực cứu chữa của lực lượng chức năng. 

Theo bác sĩ Thống, bỏng hô hấp hít khí nóng, hít khói tại bệnh viện 1 năm cũng có khoảng 3 vụ.

Bỏng đường hô hấp là loại bỏng đặc biệt do tác nhân gây tổn thương đường hô hấp hoặc nạn nhân hít thở khí nóng và các sản phẩm hóa học tạo ra từ các chất bị cháy. Tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt trong 24-48 giờ sau bỏng đường hô hấp có thể tử vong trên 50%.

Tổn thương do bỏng đường hô hấp thường để lại những hậu quả rất nặng nề: nếu nhiệt độ khí nóng ở miệng là 350-5000C thì nhiệt độ ở thanh quản sẽ là 150-3500C, ở phần trên của khí quản là 80-1000C, ở chỗ phân đôi của khí quản là 65-950C; nhiệt độ máu ở tâm thất trái tới 440C, gây tổn thương cơ quan hô hấp như bỏng nặng, phù nề, bít tắc đường hô hấp, khí phế thũng, xẹp phân thùy phổi...

Các tai nạn chết người do bỏng đường hô hấp và ngộ độc khí CO thường xảy ra do bất cẩn khi hàn xì ở nhà xưởng hầm lò, nổ máy xe hơi và xe máy trong phòng kín; đốt bếp than, bếp gas khi ngủ ở phòng kín...                                                                                    

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN