Vũ khí hạt nhân: Cuộc đua "không có hồi kết" giữa Mỹ – Nga – Trung?

Hôm 30/1, tờ PLA Daily nhận định Trung Quốc hiện có đủ số vũ khí hạt nhân để ngăn chặn việc bị các cường quốc hạt nhân khác “bắt nạt” nhưng vẫn cần mở rộng kho hạt nhân nhằm đối phó với việc Mỹ thay đổi chiến lược.

“Nhằm tăng cường thế cân bằng chiến lược của Trung Quốc trong khu vực cũng như duy trì vị thế của Trung Quốc là một cường quốc đồng thời bảo vệ an ninh quốc gia, Trung Quốc cần nhanh chóng phát triển năng lực phòng thủ hạt nhân đáng tin cậy”,  PLA Daily viết.

Cũng theo PLA Daily, Trung Quốc vẫn thi hành nguyên tắc “không sử dụng đầu tiên”, nghĩa là trong mọi hoàn cảnh, Bắc Kinh cũng không tính tới việc là bên đầu tiên sử dụng các loại vũ khí hạt nhân.

Vũ khí hạt nhân: Cuộc đua "không có hồi kết" giữa Mỹ – Nga – Trung? - 1

Trung Quốc đang có kế hoạch tăng cường mở rộng kho vũ khí hạt nhân để đối phó trước việc Mỹ thay đổi chiến lược.

Nhận định của PLA Daily được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến công bố chính sách vũ khí quân sự mới ngay cuối tuần này.

Huffington Post đưa tin theo bản nháp về chính sách mới của chính phủ Mỹ, Washington sẽ tăng cường các dự án hạt nhân mới cũng như triển khai thêm các bom hạt nhân “hiệu suất thấp”.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng, Trung Quốc có kế hoạch tăng cường kho đầu đạn hạt nhân nhưng không muốn đối đầu với Mỹ.

Chuyên gia phân tích quân sự tại Bắc Kinh, ông Zhou Chenming nhận định, Trung Quốc chỉ cần tăng thêm 100 đầu đạn hạt nhân để đối phó trước các mối đe dọa từ Mỹ và Ấn Độ.

“Việc duy trì các loại vũ khí hạt nhân là vô cùng đắt đỏ trong khi Trung Quốc lại rất thực dụng. Bắc Kinh sẽ không chi nhiều tiền cho cuộc chạy đua vũ trang”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Zhou.

Trong khi đó, Trung Quốc chưa bao giờ công khai số lượng kho hạt nhân mà quốc gia này sở hữu. Song theo Hiệp hội Kiểm soát vũ khí tại Washington, Bắc Kinh đang nắm trong tay 270 đầu đạn hạt nhân và xếp vị trí thứ 4 trong số 5 quốc gia hạt nhân lớn nhất thế giới. Nga hiện có 7.000 đầu đạn hạt nhân, con số này của Mỹ là 6.800, Pháp có 300 và Anh là 215.

Ông Song Zhongping, cựu quan chức Quân đoàn pháo binh số 2 của quân đội Trung Quốc nhấn mạnh: “Trung Quốc hiện không có số lượng đầu đạn hạt nhân nhiều như Nga, Mỹ. Tuy nhiên, nếu xảy ra chiến tranh, Trung Quốc có thể tăng số lượng đầu đạn hạt nhân chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng mục tiêu cao nhất của quân đội Trung Quốc là tăng tính hiệu quả phản công hạt nhân”.

Còn trong hàng thập niên qua, Mỹ và Nga vẫn đang có những nỗ lực hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí hạt nhân.

Cụ thể, Mỹ đang phát triển ít nhất là 6 vũ khí hạt nhân thế hệ mới bao gồm các loại tên lửa, máy bay chiến lược tàng hình tầm xa B-21 Raider sử dụng các loại vũ khí truyền thống và nhiệt hạch cũng như các loại tàu ngầm hạt nhân tiên tiến.

Theo hãng tin TASS, hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố các loại vũ khí hạt nhân của quốc gia này sẽ được nâng cấp trong vòng 5 năm tới. 

Theo hai chuyên gia Song và Zhou, Trung Quốc cũng đang nâng cấp các công nghệ hạt nhân bao gồm cải tiến các máy phóng tên lửa một đầu đạn sang thành máy phóng tên lửa đa đầu đạn cũng như tích hợp hoạt động của các hệ thống tên lửa phóng từ đất liền, trên biển và trên không.

“Trung Quốc đang phát triển nhiều tên lửa mang đầu đạn truyền thống từ tầm ngắn cho tới tầm xa. Hành động này giúp biến kho tên lửa của Trung Quốc trở thành loại vũ khí hạt nhân hùng mạnh”, ông Song chia sẻ.

Con theo ông Zhou, tên lửa đạn đạo DF-17 gắn thiết bị siêu thanh (HGV) của Trung Quốc có thể mang theo các đầu đạn hạt nhân. Do đó, DF-17 có khả năng trở thành thách thức không chỉ đối với Mỹ mà còn có thể tấn công chính xác các mục tiêu quân sự nằm ở Nhật Bản và Ấn Độ.

Sau thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ triển khai hơn 10.000 đầu đạn hạt nhân trong khi Liên Xô cũ có khoảng 40.000. Tuy nhiên, Washington và Moscow đã cùng đồng thuận cắt giảm kho hạt nhân theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới. 

Về phần mình, hôm 30/1, Tổng thống Donald Trump cũng nhấn mạnh Mỹ cần biến kho hạt nhân trở nên “hùng mạnh hơn” nhằm ngăn chặn hành động khiêu khích từ các nước.

“Một phần trong chiến lược quốc phòng của Mỹ là hiện đại hóa và tái thiết kho hạt nhân với hy vọng không bao giờ cần dùng tới, nhưng chúng ta vẫn cần biến các loại vũ khí hạt nhân trở nên hùng mạnh hơn để ngăn chặn mọi hành động khiêu khích từ phía các nước hay bất cứ ai”, ông Trump nói.

Cũng theo ông Trump, “thời khắc kỳ diệu” khi mà các nước sẵn sàng từ bỏ kho hạt nhân vẫn chưa tới. “Thật đáng buồn là chuyện này chưa xảy ra”, Tổng thống Mỹ nói thêm.

Ông Trump còn nhấn mạnh, một trong những mối đe dọa lớn nhất hiện nay của Mỹ là Triều Tiên. Cụ thể, theo ông Trump, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa Triều Tiên có thể “sớm” tạo ra mối đe dọa nguy hiểm đối với nước Mỹ. 

Siêu ngư lôi hạt nhân Nga có thể tạo sóng thần, hủy diệt TP Mỹ?

Bản báo cáo Lầu Năm Góc mới công bố gần đây đề cập đến ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân của Nga và các chuyên gia...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Thu - Lược dịch (Infonet)
An ninh thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN