Ukraine: Phương Tây không thể can thiệp quân sự

Nếu bị Nga tấn công, người dân Ukraine cũng không thể trông chờ vào sự hỗ trợ về quân sự của Mỹ và châu Âu.

Ngày 3/3, một chuyên gia phân tích quốc tế ở New Zealand cho rằng người dân Ukraine không nên chờ đợi vào sự trợ giúp quân sự của phương Tây nếu như chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Crimea.

Ông Nicholas Smith, giảng viên Đại học Auckland cho rằng các sự kiện lịch sử gần đây cho thấy phương Tây sẽ không bao giờ sử dụng lực lượng quân sự để hậu thuẫn cho các tuyên bố cứng rắn của mình, đặc biệt là ở Ukraine.

Ukraine: Phương Tây không thể can thiệp quân sự - 1

Tổng thống Mỹ Obama đang rất đau đầu với diễn biến gần đây tại Ukraine

Ông Smith nói: “Tôi cho rằng điều đó sẽ không xảy ra, đặc biệt khi ta nhìn lại các sự kiện lịch sử, nhất là trong Chiến tranh Lạnh. Có rất nhiều trường hợp, chẳng hạn như ở Hungary năm 1956 và Prague năm 1968, nơi những người biểu tình đã kỳ vọng rất nhiều vào sự trợ giúp của phương Tây, song sự hỗ trợ đó không bao giờ xảy ra.”

“Tôi cho rằng người dân Ukraine rất thực tế, họ hy vọng vào sự hỗ trợ của phương Tây trên phương diện ngoại giao, nhưng không phải là một nỗ lực liều lĩnh nhằm tấn công Nga bằng quân sự.”

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gọi sự xâm nhập của Nga vào Ukraine là “hành động xâm lược không thể tin được”, mặc dù Nga đã giành quyền kiểm soát bán đảo Crimea trên bờ Biển Đen mà không phải nổ một phát súng nào.

Đa phần người dân sống ở Crimea tự coi mình là người Nga, và hiện nay đất nước Ukraine đang bị chia rẽ giữa miền đông và miền nam nói tiếng Nga với khu vực miền tây thân phương Tây.

Ông Smith cho biết: “Tôi đã ở đó hồi tháng 10, chỉ một vài tuần trước khi Ukraine chuẩn bị ký một hiệp ước hợp tác với EU, và lúc đó người dân Ukraine tràn ngập bầu không khí lạc quan. Người dân đã thực sự phấn khích với viễn cảnh thịnh vượng và tương lai tươi sáng cho Ukraine, thế nên tôi đã rất sốc khi chứng kiến tình hình vụt khỏi tầm kiểm soát chỉ trong vòng 5 tháng ngắn ngủi như vậy.”

Ông Smith cho rằng bán đảo Crimea giống như “một đất nước khác” hoàn toàn tách biệt khỏi Ukraine không chỉ về mặt địa lý, và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã coi đây như một tiền đề để can thiệp quân sự vào Crimea.

Ukraine: Phương Tây không thể can thiệp quân sự - 2

Nếu Nga tấn công, phương Tây cũng sẽ không thể bảo vệ Ukraine bằng quân sự

Tuy nhiên, “Crimea vẫn là một phần lãnh thổ của Ukraine, thế nên mặc dù ông Putin đã có những bước đi nhằm hợp thức hóa hành động can thiệp này, nó vẫn là một hành động không thể chấp nhận được theo luật pháp quốc tế.”

Theo ông Smith, nhiều người dân Ukraine coi hành động này của ông Putin như một nỗ lực nhằm “biến Ukraine thành một viên ngọc trên vương miện quyền lực của mình”. Ông Smith nhận định rằng chính sách đối ngoại của ông Putin đã không mấy thành công trong 6 tháng vừa qua, và hành động đòi đưa quân đến lãnh thổ nước ngoài lần này của ông “như một nỗ lực tuyệt vọng để vãn hồi danh dự”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, phương Tây cũng khó có thể can thiệp một cách quyết liệt vào tình hình ở Ukraine. Ukraine không phải là một thành viên của NATO, bởi vậy Mỹ và châu Âu sẽ không có cơ sở pháp lý để bảo vệ Ukraine nếu nước này rơi vào tình trạng chiến tranh.

Theo ông Smith, trong tình hình hiện nay, giải pháp ngoại giao vẫn là chiến lược duy nhất để phương Tây theo đuổi. Những biện pháp cấm vận với sự phối hợp nhịp nhàng giữa Mỹ và EU có thể là một vũ khí lợi hại để ngăn chặn Nga sa vào một cuộc phiêu lưu quân sự tại Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Znews) ([Tên nguồn])
Khủng hoảng chính trị tại Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN