Ukraine: Khủng hoảng lớn nhất thế kỷ ở châu Âu

Ngoại trưởng Anh cho rằng châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất thế kỷ 21 sau những gì diễn ra ở Ukraine.

Ngày 3/3, Ngoại trưởng Anh William Hague đã phải thốt lên rằng biến động chính trị hiện nay ở Ukraine là “cuộc khủng hoảng lớn nhất” mà châu Âu phải đối mặt trong thế kỷ 21.

Ngoại trưởng Hague cáo buộc rằng Nga hiện đã dùng lực lượng kiểm soát khu vực Crimea, xâm phạm chủ quyền của Ukraine và cảnh báo rằng nếu Nga không chịu rút quân, họ sẽ phải “trả giá đắt”. Ông cũng kêu gọi Nga và Ukraine tổ chức đàm phán, đồng thời khẳng định rằng tư cách thành viên của Nga trong nhóm G8 có thể bị hủy bỏ trong cuộc khủng hoảng này.

Ukraine: Khủng hoảng lớn nhất thế kỷ ở châu Âu - 1

Cờ Nga xuất hiện trước một nhóm vũ trang bí ẩn ở Crimea

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn khẳng định rằng Nga bảo lưu quyền được đưa quân can thiệp vào Ukraine để bảo vệ các lợi ích của mình.

Để đáp trả, Ukraine đã ra lệnh tổng động viên nhằm huy động khoảng 1 triệu quân dự bị để chống lại sự hiện diện quân sự ngày càng nhiều của Nga trên bán đảo Crimea.

Trong chuyến công du tới Kiev hôm Chủ nhật và gặp gỡ các quan chức chính phủ lâm thời Ukraine, ông Hague đã phát biểu rằng Nga có nhiều lợi ích “hợp pháp” trong khu vực này, tuy nhiên hành động quân sự của Nga là “không thể chấp nhận được”, và cộng đồng quốc tế cần phải có phản ứng “mạnh mẽ”.

Ukraine: Khủng hoảng lớn nhất thế kỷ ở châu Âu - 2

Các tay súng không mang phù hiệu tuần tra trên đường phố Crimea

Phát biểu trên BBC, ông Hague cho rằng việc Nga can thiệp vào Ukraine đang gây ra tình hình rất nguy hiểm và căng thẳng, và trên bán đảo Crimea hiện nay đang tồn tại một “ngòi nổ” sẵn sàng làm bùng phát chiến tranh bất cứ lúc nào.

Ông Hague tuyên bố: “Thế giới không thể cho phép điều này xảy ra. Thế giới không thể gật đầu trước hành động vi phạm chủ quyền một nước khác theo cách như vậy.”

Ukraine: Khủng hoảng lớn nhất thế kỷ ở châu Âu - 3

Người Ukraine ở Kiev biểu tình đòi Nga rút quân về nước

Ông Hague cũng bác bỏ nhận định rằng Mỹ và EU bất lực trước tình hình hiện nay, và khẳng định phương Tây có rất nhiều lựa chọn nếu Nga không chịu rút quân về các căn cứ quân sự tại Crimea và tôn trọng các điều khoản trong hiệp định đã ký với Ukraine.

Anh và các quốc gia G7 khác cũng đã tuyên bố rằng họ đã hủy công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G8 sắp diễn ra ở Nga vào mùa hè tới đây, trong khi Mỹ đã ám chỉ đến những biện pháp quyết liệt hơn, chẳng hạn như cấm vận và phong tỏa tài sản của các doanh nghiệp Nga ở nước ngoài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo BBC) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN