Trung Quốc xuống nước với Mỹ?
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị những động thái mới nhằm vào Trung Quốc trong những ngày sắp tới.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Nimitz trong một chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải trên biển Đông hôm 6-7 Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 9-7 kêu gọi khôi phục quan hệ Bắc Kinh - Washington trong bối cảnh 2 bên "đang đối mặt thách thức lớn nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979".
Ông Vương trở thành quan chức Trung Quốc cấp cao nhất trong những tháng gần đây phát đi thông điệp tích cực liên quan đến quan hệ song phương khi khẳng định Bắc Kinh không có ý định thách thức hay thay thế hoặc xung đột toàn diện với Washington. "Chính sách của Trung Quốc về Mỹ vẫn không thay đổi. Chúng tôi vẫn sẵn sàng vun vén quan hệ Mỹ - Trung bằng thiện chí và sự chân thành" - ông Vương nói.
Khẳng định quan hệ Mỹ - Trung là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới, Bộ trưởng Vương nhấn mạnh hai nước cần đối thoại nhiều hơn để tránh những tính toán sai lầm và Trung Quốc sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán đã bị hoãn "miễn là Mỹ sẵn lòng" và thể hiện sự tôn trọng.
Những tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi ông Vương kêu gọi Washington - Bắc Kinh tăng cường hợp tác, thay vì chính trị hóa cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19). Ông Vương khẳng định Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phòng chống Covid-19 và phát triển vắc-xin với Mỹ.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu leo thang căng thẳng khoảng 2 năm trước khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế lên hàng tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Mâu thuẫn này nhanh chóng lan ra những lĩnh vực khác như công nghệ và tài chính. Theo báo South China Morning Post (SCMP), một vài nhà ngoại giao và chuyên gia khẳng định Bắc Kinh cần chuẩn bị cho kịch bản căng thẳng bao trùm toàn diện khiến quan hệ 2 nước sụp đổ.
Trái với thái độ mềm mỏng của người đồng cấp Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 8-7 nhấn mạnh thế giới không nên để Trung Quốc tiếp tục ra yêu sách lãnh thổ, không lâu sau khi Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố chủ quyền đối với khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng ở phía Đông Bhutan. "Từ các dãy núi của dãy Himalaya đến vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và hơn thế nữa… Bắc Kinh có cả một hệ thống về tranh chấp lãnh thổ. Thế giới không nên cho phép hành vi bắt nạt này diễn ra, cũng không nên cho phép nó tiếp diễn" - ông Pompeo khẳng định.
Trong một tuyên bố riêng biệt, Ngoại trưởng Pompeo cho biết chính quyền Tổng thống Trump sẽ không để chính phủ Trung Quốc lấy thông tin cá nhân hay dữ liệu sức khỏe của công dân Mỹ thông qua thiết bị viễn thông và mạng xã hội. Ca ngợi những "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ như Google, Twitter và Facebook vì không bàn giao dữ liệu người dùng cho chính quyền Hồng Kông, Ngoại trưởng Pompeo kêu gọi những công ty khác làm theo, không lâu sau khi Trung Quốc ban hành Luật Về bảo vệ an ninh quốc gia ở Hồng Kông. Cũng theo ông Pompeo, đồng minh của Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ để cơ sở hạ tầng viễn thông toàn cầu không bị ảnh hưởng bởi chính phủ Trung Quốc.
Cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany xác nhận chính quyền Tổng thống Trump đang chuẩn bị "những động thái mới" nhằm chống lại Bắc Kinh song không tiết lộ thông tin cụ thể. Tuyên bố này được đưa ra ngay khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien khẳng định Washington sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả bổ sung nhằm vào Bắc Kinh trong những ngày sắp tới.
Trong khi đó, một nhóm 14 nhà lập pháp Mỹ, dẫn đầu bởi nghị sĩ Jared Golden, đã đệ trình "Dự luật Ngăn chặn Trung Quốc lợi dụng Covid-19" để yêu cầu Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI) xác định, phân tích và ngăn chặn nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tận dụng Covid-19 để đạt được lợi ích quốc gia. Dự luật này cũng yêu cầu DNI cung cấp thông tin cần thiết để các nhà hoạch định chính sách đối phó Trung Quốc khi cần và báo cáo kết quả điều tra lên quốc hội Mỹ trong vòng 90 ngày.
Thông điệp từ biển Đông Chỉ huy của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đang tập trận ở biển Đông hôm 8-7 khẳng định hoạt động này nhằm ủng hộ tự do hàng hải. Trong thông điệp được cho là nhằm vào yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông, Chuẩn đô đốc James Kirk (chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay số 11, dẫn đầu là tàu sân bay USS Nimitz) nhấn mạnh cuộc tập trận góp phần cải thiện năng lực phòng không và mở rộng phạm vi hoạt động để đối phó những ai thách thức sự ổn định của khu vực. Trong khi đó, Chuẩn đô đốc George Wikoff (chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay số 5, dẫn đầu là tàu sân bay USS Ronald Reagan) cho biết cuộc tập trận mô phỏng các kịch bản huấn luyện phức tạp, từ đó nâng cao năng lực chiến đấu trên biển nói chung. Cũng theo ông Wikoff, cuộc tập trận còn nêu bật cam kết an ninh của Mỹ đối với các đồng minh tại khu vực. "Trong quá trình tập trận, chúng tôi có cơ hội làm việc với một số nước" - ông Wikoff nói với báo The Washington Times (Mỹ). Trước đó một ngày, tàu sân bay USS Ronald Reagan và 2 tàu huấn luyện JS Kashima, JS Shimayuki của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản có cuộc diễn tập chung ở biển Đông. Cũng trong ngày 7-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cùng 2 người đồng cấp Kono Taro (Nhật Bản) và Linda Reynolds (Úc) đã ra tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến, theo đó, phản đối dùng vũ lực hoặc sự cưỡng ép để thay đổi hiện trạng ở biển Đông. Tuyên bố chung còn bày tỏ quan ngại sâu sắc về những sự cố gần đây, trong đó có việc tiếp tục quân sự hóa tại các thực thể tranh chấp, sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển một cách nguy hiểm, cùng những nỗ lực nhằm cản trở hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác. Hoàng Phương |
Nguồn: [Link nguồn]
Ủy ban tài nguyên nước sông Dương Tử hôm 9/7 đưa ra mức cảnh báo cam - cao thứ 2 trong thang cảnh báo 4 cấp - tại trung và...