Trung Quốc nằm "cửa dưới"
Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), Trung Quốc sẽ ở thế yếu hơn khi Chủ tịch Tập Cận Bình cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump ngồi xuống dự bữa tối bên lề Hội nghị Cấp cao Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Buenos Aires - Argentina tối 1-12 (giờ địa phương).
Dù vậy, hầu hết chuyên gia cho rằng sẽ chẳng bên nào có lợi nếu xung đột kéo dài. "Trung Quốc đang ở thế yếu hơn nhiều nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ ở thế mạnh hơn. Kinh tế Mỹ có thể chịu cảnh suy thoái nghiêm trọng nếu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc kéo dài, còn kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng tự hủy hoại hoàn toàn" - ông Richard Duncan, nhà kinh tế độc lập, nhận xét.
Nhận định này càng thêm sức nặng khi số liệu thống kê mới công bố ngày 30-11 cho thấy kinh tế Trung Quốc giảm tốc sâu hơn trong tháng 11. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm còn 52,8 (so với mức 53,1 của tháng 10). Lần đầu tiên trong hơn 2 năm, tăng trưởng sản xuất đình trệ, với chỉ số giảm từ 50,2 của tháng trước xuống còn 50,0.
Tình hình tương tự trong lĩnh vực phi sản xuất (chủ yếu là các công ty dịch vụ) khi chỉ số giảm từ 53,9 của tháng trước xuống 53,4 trong tháng 11. Các chuyên gia dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2019 khi hứng chịu toàn bộ tác động từ các biện pháp thuế quan của Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đến Buenos Aires tối 29-11 (giờ địa phương) Ảnh: REUTERS
Hãng tin Bloomberg nhận định hai ông Trump và Tập sẽ gặp nhau với những tính toán khác nhau trong đầu. Với ông Tập, cuộc gặp là chìa khóa duy trì 4 thập kỷ quan hệ với Mỹ, đồng thời là cơ hội ngăn chặn xung đột kinh tế lan sang các lĩnh vực nhạy cảm khác như Đài Loan hay biển Đông.
Với ông Trump và các cố vấn, đây là cơ hội hoàn hảo để tiếp tục phàn nàn về những bất mãn của họ đối với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt đối với hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ.
Cũng theo Bloomberg, quan chức hai bên đã bàn bạc nhiều tuần lễ qua để mở đường cho một thỏa thuận "đình chiến" tạm thời, trong đó Mỹ hoãn việc tăng đánh thuế để đổi lấy những nhượng bộ từ Trung Quốc.
Không lâu trước cuộc gặp, hôm 26-11, Tổng thống Trump nói với tờ Wall Street Journal (Mỹ) rằng ông sẵn sàng mở rộng việc đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc (hiện Mỹ đánh thuế thêm 10%-25% lên số hàng hóa trị giá 250 tỉ USD của Trung Quốc), bất chấp làm vậy sẽ làm tăng giá các mặt hàng laptop và điện thoại di động thịnh hành với người tiêu dùng Mỹ, bao gồm iPhone.
Chính quyền Tổng thống Trump biết rõ thuế quan bắt đầu quay ngược lại ảnh hưởng các công ty Mỹ lẫn triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Dù vậy, đội ngũ cố vấn hàng đầu của ông chủ Nhà Trắng vẫn chia rẽ về bước đi tiếp theo.
Một vài nhân vật trong số này tin là thuế quan bắt đầu ép được Trung Quốc cải cách nhưng những người còn lại cho rằng cần phải cho Bắc Kinh "đau đớn thêm" để đạt được thỏa thuận làm hài lòng ông Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29-11 đột ngột hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hai ngày trước khi cuộc...