Triều Tiên ở đâu trong cuộc đối đầu căng thẳng Mỹ-Trung?

Mỹ và Trung Quốc được cho là có thể hợp tác giải quyết vấn đề Triều Tiên nhưng cũng có thể biến Bình Nhưỡng thành “quân bài” trong ván cờ địa chính trị toàn cầu.

Dẫn nhận định của nhiều chuyên gia, tờ South China Morning Post cho rằng Triều Tiên có thể là một vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác nhưng đồng thời cũng là vấn đề mà đôi bên tận dụng để cạnh tranh và đối đầu.

Mỹ có thể lập thỏa thuận với Triều Tiên, Trung Quốc cũng thuận lòng

Ngày 9-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố Washington “cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên”. Đây là một trong những phát biểu chính thức đầu tiên của chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề này.

Tiến sĩ Triệu Thông (Zhao Tong) - nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc) - cho rằng khác với người tiền nhiệm Donald Trump, ông Biden sẽ hiểu rằng Triều Tiên khó có thể từ bỏ vũ khí hạt nhân trong tương lai gần. 

Chuyên gia Triệu Thông thuộc Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: VIỆN HÒA BÌNH TODA 

Chuyên gia Triệu Thông thuộc Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: VIỆN HÒA BÌNH TODA 

Với phong cách độc đáo, ông Trump đã ba lần hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, ông Kim đã không từ bỏ chương trình hạt nhân mà trái lại, còn muốn phát triển các vũ khí hạt nhân công nghệ cao để đối phó với điều mà Bình Nhưỡng gọi là sự thù địch ngày càng gia tăng từ Washington.

Ông Triệu cho rằng so với người tiền nhiệm, ông Biden sẵn sàng hơn trong việc tiếp cận vấn đề một cách linh hoạt như dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt với điều kiện Triều Tiên tự hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình. Ông Triệu cho rằng quan điểm như vậy giúp việc xây dựng một thỏa thuận theo từng phần với Triều Tiên trở nên khả thi hơn.

Ông Triệu còn bổ sung rằng một thỏa thuận Mỹ-Triều có vẻ cũng phù hợp với các tuyên bố của Trung Quốc liên quan tới vấn đề này, mở ra cơ hội hợp tác Mỹ-Trung trong vấn đề Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Moon Chung-in - một trong các cố vấn đối ngoại của chính phủ Hàn Quốc - lo ngại một số nhân vật tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nhất là bà Jung Pak - lãnh đạo hàng đầu trong Cục Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, với lập trường cứng rắn, hay thậm chí là diều hâu, có thể gây khó cho quá trình đàm phán.

Triều Tiên vẫn là khu vực Mỹ-Trung cạnh tranh về địa chính trị

Dù lạc quan, ông Triệu lo ngại sự đối đầu hiện tại giữa Bắc Kinh và Washington có thể cản trở triển vọng hợp tác này. Triều Tiên được cho là có thể tận dụng sự đối đầu này để đẩy nhanh chương trình hạt nhân của mình.

Ông Trịnh Kế Vĩnh (Zheng Jiyong), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) cho rằng chính quyền ông Biden có thể tìm cách giới hạn sự can dự của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Ông Trịnh cho rằng nhận thức của Washington về vấn đề Triều Tiên đã chuyển từ việc coi đây Bình Nhưỡng là “mối đe dọa trực tiếp” sang thành “một con bài” để đối đầu với một Trung Quốc đang ngày càng thể hiện mình là đối thủ số một của Mỹ. 

Ông Trịnh cho rằng cần từ ba đến sáu tháng để chính sách của ông Biden về Triều Tiên thực sự được thi hành, đó cũng là khoảng thời gian để Trung Quốc điều chỉnh lập trường và vị thế của mình nếu muốn giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Mỹ ở Triều Tiên. 

Ông Trịnh Kế Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc). Ảnh: HANKYOREH

Ông Trịnh Kế Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc). Ảnh: HANKYOREH

Tương tự, bà Jessica Lee đến từ Viện Quincy - một trung tâm nghiên cứu chính sách tại Washington (Mỹ) - cho rằng Trung Quốc sẽ theo dõi cách Mỹ tiếp cận vấn đề Triều Tiên.

Bà Lee cho rằng Bắc Kinh chưa vội hành động mà muốn chờ xem liệu chính quyền của ông Biden sẽ chuẩn bị sẵn một số nhượng bộ khi theo đuổi đối thoại với Triều Tiên hay yêu cầu phía Bình Nhưỡng nhượng bộ trước.

Triều Tiên có vẻ muốn xích lại gần Trung Quốc

Phó Giáo sư Trịnh cho rằng trong khi các cuộc đàm phán với Washington vẫn bị đình trệ, Bình Nhưỡng có thể muốn xích lại gần Trung Quốc - đồng minh và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động ngoại thương vốn đã bị hạn chế rất nhiều của Triều Tiên. Nước này đã phong tỏa toàn bộ biên giới để tự bảo vệ trước các làn sóng lây nhiễm COVID-19, dẫn tới sự sụt giảm giao thương với Trung Quốc. Bình Nhưỡng phải thừa nhận kế hoạch phát triển kinh tế năm năm 2016-2020 đã “không đạt được mục tiêu đề ra”.

Ông Trịnh chỉ ra rằng với thành công nhất định so với nhiều cường quốc khác trong việc khống chế đại dịch COVID-19 và hồi phục kinh tế sau đại dịch, Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh kinh tế và vaccine như công cụ để nâng cao ảnh hưởng ở Triều Tiên. Trong khi ông Biden phải giải quyết một loạt vấn đề nội bộ ở Mỹ, chiến lược này được cho là có thể tạo ra ưu thế cho Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Washington.

Ông Trịnh cũng lưu ý tới một số động thái ở Bình Nhưỡng. Ông Kim Sung-nam - lãnh đạo cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên chuyên trách quan hệ đối ngoại với Trung Quốc, đã được giao nhiệm vụ chính thức trong Bộ Ngoại giao. Trong khi đó, sau đại hội lần thứ VIII của đảng Lao động Triều Tiên (tháng 1-2021), bà Choe Son-hui - người phụ trách đối thoại giữa với Mỹ - đã kết thúc nhiệm kỳ ủy viên chính thức Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên và chỉ được bầu làm ủy viên dự khuyết trong nhiệm kỳ tới. 

Nguồn: [Link nguồn]

Hình ảnh khác lạ chưa từng thấy của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

Triều Tiên gần đây công bố hình ảnh khác lạ chưa từng thấy của nhà lãnh đạo Kim Jong Un với bộ quân phục mới và một...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HOÀN ĐỨC ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN