Thái Lan: Cảnh sát nhượng bộ người biểu tình

Cảnh sát Thái Lan đã được lệnh rút quân để tránh tình trạng đối đầu với người biểu tình, tạo điều kiện tháo gỡ căng thẳng bằng chính trị.

Ngày 3/12, cảnh sát Thái Lan cho biết họ sẽ nhượng bộ và không tiếp tục ngăn cản người biểu tình đang tìm cách chiếm giữ văn phòng Thủ tướng và trụ sở cảnh sát, những tâm điểm của cuộc biểu tình nhằm lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Các nhân chứng tại hiện trường cho biết cảnh sát đang thu dọn các chướng ngại vật bằng dây thép gai bên ngoài trụ sở của mình ở thủ đô Bangkok, còn tại tòa nhà chính phủ, không khí đã lắng dịu trở lại sau khi cảnh sát nhượng bộ người biểu tình.

Thái Lan: Cảnh sát nhượng bộ người biểu tình - 1

Cảnh sát rút lui để người biểu tình tự do tháo dỡ hàng rào bê-tông bên ngoài tòa nhà chính phủ

Tối hôm qua, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban đã có một bài phát biểu trước đông đảo người biểu tình để phỉ báng lực lượng cảnh sát và kêu gọi người biểu tình tấn công chiếm giữ trụ sở cảnh sát vào ngày thứ Ba.

Tuy nhiên, để giải tỏa tình trạng đối đầu căng thẳng trong suốt mấy ngày qua, Cảnh sát trưởng Bangkok Kamronvit Thoopkrachang tuyên bố các nhân viên của ông sẽ không chiến đấu chống lại người biểu tình.

Ông Kamronvit xác nhận: “Ở tất cả các khu vực xảy ra đụng độ, chúng tôi đã ra lệnh cho toàn bộ lực lượng cảnh sát rút lui. Đây là chính sách của chính phủ nhằm tránh tình trạng đối đầu. Hôm nay, chúng tôi sẽ không dùng hơi cay, không đối đầu, và chúng tôi sẽ để họ vào nếu họ muốn.”

Ông Kamronvit là một nhân vật thân cận với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, chính trị gia nổi tiếng nhất của Thái Lan với các chính sách trợ giúp người dân nghèo ở nông thôn và thành thị.

Em gái của ông Thaksin là đương kim Thủ tướng Yingluck đã tuyên bố là sẽ không sử dụng vũ lực chống lại đám đông đang tìm cách tràn vào các cơ quan chính phủ.

Thái Lan: Cảnh sát nhượng bộ người biểu tình - 2

Một người biểu tình bắt tay lực lượng cảnh sát vừa rút lui

Sáng sớm hôm thứ Ba, một chiếc trực thăng đã thả truyền đơn xuống đám đông biểu tình để nhắc họ nhớ rằng lãnh đạo Suthep của họ đang bị truy nã với tội danh nổi loạn. Những truyền đơn này kêu gọi: “Các bạn hãy tránh xa ông ta và tránh xa những nơi tụ tập bất hợp pháp.”

Các chuyên gia phân tích cho rằng đây là động thái khôn ngoan của bà Yingluck, bởi nếu tình hình hỗn loạn và bạo lực leo thang, có nhiều khả năng quân đội sẽ can thiệp để vãn hồi trật tự, tuy nhiên việc nhượng bộ người biểu tình một bước để tránh đổ máu khiến chính phủ tạo được một hình ảnh “cao thượng” trong lòng dân chúng.

Hôm qua, bà Yingluck đã tuyên bố rằng hiện quân đội Thái Lan vẫn giữ lập trường trung lập trong cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở đất nước này kể từ năm 2010 đến nay. Tư lệnh quân đội Prayuth Chanocha cũng đã khẳng định: “Đây là một vấn đề chính trị cần phải được giải quyết bằng các biện pháp chính trị. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đang giám sát tình hình từ xa.”

Những nhân vật chính trị chống lại ông Thaksin có quyền lực và ảnh hưởng rất lớn ở Thái Lan, trong đó đa phần là các nhân vật bảo thủ giàu có, các tướng lĩnh, công chức, phe bảo hoàng và tầng lớp trung lưu ở thành thị.

Những người này coi ông Thaksin là một tên tư bản tham nhũng lũng đoạn dân chúng bằng các biện pháp lấy lòng dân và là một mối đe dọa đối với nền quân chủ Thái Lan.

Tuy nhiên tầng lớp dân nghèo ở nông thôn và thành thị Thái Lan lại rất ngưỡng mộ ông Thaksin, và họ sẽ hết lòng ủng hộ chính phủ của bà Yingluck. Với sự ủng hộ của đông đảo dân chúng này, nếu bà Yingluck tiếp tục khéo léo giải quyết khủng hoảng bằng các biện pháp chính trị, đảng Pheu Thai của bà chắc chắn sẽ tiếp tục giành thắng lợi trong bất cứ cuộc bầu cử nào.

Trong khi đó, lãnh đạo biểu tình Suthep lại đòi bà Yingluck phải từ chức ngay lập tức để trao quyền lực lại cho một “hội đồng nhân dân” rất mơ hồ do ông này tự lập ra và tự nhận là đại diện cho người dân Thái Lan. Tuy nhiên bà Yingluck đã thẳng thừng bác bỏ và tuyên bố yêu cầu này của ông Suthep là vi hiến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Biểu tình bạo lực ở Thái Lan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN