Sáng nay khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc: Quyết nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có nhân sự

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 14 khai mạc sáng 5/3 (sẽ kết thúc vào sáng 13/3), xem xét một loạt báo cáo, bao gồm báo cáo công tác của chính phủ, thảo luận về nhiều dự luật, quyết định nhân sự cấp cao.

Các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận dự thảo Luật Lập pháp (sửa đổi) và kế hoạch cải cách các cơ quan chính phủ; bầu, phê chuẩn lãnh đạo các cơ quan nhà nước, ông Vương Siêu (Wang Chao) - phát ngôn viên của kỳ họp, cho biết hôm 4/3 trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh.

Ông Vương nói rằng, trong số 2.977 đại biểu Quốc hội khóa 14, có 442 đại biểu là người dân tộc thiểu số đến từ tất cả 55 nhóm dân tộc thiểu số, chiếm 14,85% tổng số đại biểu.

Có 42 đại biểu đại diện cho Hoa kiều đã trở về quê hương. Có 790 đại biểu là phụ nữ, chiếm 26,54%, có 497 đại biểu là công nhân và nông dân, chiếm 16,69%.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 14 khai mạc ngày 5/3/2023 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 14 khai mạc ngày 5/3/2023 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua.

Sẽ bầu nhân sự cấp cao

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 14 sẽ bầu chủ tịch nước, phó chủ tịch nước, thủ tướng, phó thủ tướng, chủ tịch quốc hội, phó chủ tịch quốc hội… Chức danh chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội dự kiến được bầu sáng 10/3, chức danh thủ tướng được bầu sáng 11/3.

Theo ông Vương, khoảng 200.000 trung tâm đại biểu và văn phòng liên lạc đã được thành lập trên toàn quốc. Đó là nơi các đại biểu có thể lắng nghe tiếng nói của người dân và giúp họ giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Các dự luật bao gồm 8 lĩnh vực

Ông Vương nói rằng, việc sửa đổi Luật Lập pháp thể hiện nền dân chủ nhân dân toàn diện và các yêu cầu của nó. Trong quá trình sửa đổi, các nỗ lực đã được thực hiện để đảm bảo rằng mọi liên kết trong quy trình lập pháp phản ánh tiếng nói của người dân và thực tế ở cấp cơ sở.

Theo ông Vương, những điểm nổi bật của dự thảo sửa đổi bao gồm tăng cường việc thực thi và giám sát hiến pháp, đồng thời chỉ rõ các yêu cầu rà soát việc tuân thủ hiến pháp trong luật pháp cũng như hệ thống hồ sơ và rà soát đối với các văn bản quy phạm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành hai lần đọc dự thảo sửa đổi Luật Lập pháp vào tháng 10 và tháng 12 năm ngoái. Phiên bản cập nhật của dự thảo sẽ được thảo luận tại kỳ họp thứ nhất khai mạc ngày 5/3.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kế hoạch xem xét 35 dự luật trong năm nay, trong đó một số dự luật dự kiến được thông qua trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14, ông Vương cho biết.

Các dự luật sẽ bao gồm 8 lĩnh vực. Đó là duy trì và cải thiện hệ thống hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn cao, tiếp thêm sinh lực cho đất nước thông qua khoa học và giáo dục, biến Trung Quốc thành một quốc gia có nền văn hóa xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ, cải thiện phúc lợi của người dân, theo đuổi phát triển xanh, hoàn thiện hệ thống quản trị xã hội và cải thiện hệ thống pháp luật vì an ninh quốc gia, ông Vương nói.

Ông cho biết, kế hoạch lập pháp trong 5 năm tới đang được thực hiện và các ưu tiên sẽ là luật pháp trong các lĩnh vực quan trọng và mới nổi cũng như trong các lĩnh vực liên quan đến đối ngoại.

Khai mạc Chính hiệp

Chiều 4/3, Kỳ họp thứ nhất Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp, tương đương Mặt trận) khóa 14 khai mạc tại Bắc Kinh. Tân Chủ tịch Chính hiệp sẽ được bầu ra tại kỳ họp này.

Phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất của Chính hiệp khóa 14 được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 4/3/2023. Ảnh: Xinhua.

Phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất của Chính hiệp khóa 14 được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 4/3/2023. Ảnh: Xinhua.

“5 nguyên tắc chung sống hòa bình”

Ông Vương nói rằng, Trung Quốc cũng cam kết kiên định thúc đẩy pháp quyền trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia. “Trung Quốc đã và đang nỗ lực để bảo vệ hòa bình thế giới, thúc đẩy sự phát triển chung và tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia dựa trên 'Năm nguyên tắc chung sống hòa bình', đồng thời xây dựng cộng đồng nhân loại chung vận mệnh”, ông nói.

Năm nguyên tắc chung sống hòa bình điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia được công nhận một cách rộng rãi như những chuẩn tắc trong quan hệ quốc tế. Năm nguyên tắc này bao gồm: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm lược lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và cùng có lợi, và cùng chung sống hòa bình.

Theo ông Vương, không có sự bất đồng hay xung đột chiến lược cơ bản nào giữa Trung Quốc và châu Âu. “Những gì hai bên có là những lợi ích chung rộng rãi và cơ sở hợp tác được xây dựng trong nhiều năm”, ông nói.

Trung Quốc luôn coi châu Âu là đối tác chiến lược toàn diện, bày tỏ hy vọng châu Âu sẽ cùng Trung Quốc đối thoại và hợp tác nhiều hơn nữa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi.

Bác bỏ nhận định Sáng kiến Vành đai-Con đường là bẫy nợ

Ông Vương nói rằng, Trung Quốc không phải là chủ nợ lớn nhất của châu Phi vì dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy gần 3/4 khoản nợ nước ngoài của châu Phi đến từ các tổ chức tài chính đa phương và các chủ nợ thương mại.

Ông bác bỏ nhận định rằng Trung Quốc đang tạo ra cái gọi là bẫy nợ ở châu Phi trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai-Con đường. Theo ông, khi thực hiện hợp tác Vành đai-Con đường, Trung Quốc không bao giờ ràng buộc chính trị hoặc tìm kiếm bất kỳ lợi ích chính trị ích kỷ nào.

Từ năm 2013 đến nay, hơn 150 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế đã ký kết các văn kiện hợp tác Vành đai-Con đường. Trung Quốc sẽ chung tay với tất cả các đối tác để đạt được tiến bộ mới trong hợp tác Vành đai-Con đường chất lượng cao, ông nói.

7 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc

Theo danh sách Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 được Xinhua công bố ngày 23/10/2022, xếp ngay sau Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tập Cận Bình là Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường, tiếp đến là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương Triệu Lạc Tế và Thường trực Ban Bí thư Vương Hỗ Ninh. Ba người còn lại là Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Đinh Tiết Tường và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Lý Hi.

Các đại biểu Chính hiệp khóa 14 đang đi về phía Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh để dự khai mạc kỳ họp thứ nhất của Chính hiệp khóa 14, diễn ra ngày 4/3/2023. Ảnh: Xinhua.

Các đại biểu Chính hiệp khóa 14 đang đi về phía Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh để dự khai mạc kỳ họp thứ nhất của Chính hiệp khóa 14, diễn ra ngày 4/3/2023. Ảnh: Xinhua.

“Chi tiêu quốc phòng tăng hợp lý”

Theo ông Vương, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tính theo tỷ lệ GDP về cơ bản đã được giữ ổn định trong nhiều năm; thấp hơn mức trung bình của thế giới và mức tăng là phù hợp và hợp lý.

Ông cũng cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ an ninh quốc gia tại Đặc khu hành chính Hong Kong là một cột mốc quan trọng trong việc thực hành chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Khoảng 75,7% công dân Hong Kong hài lòng với việc thực thi luật này.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc khóa 13 khai mạc ngày 5/3/2022. Ảnh: Xinhua.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc khóa 13 khai mạc ngày 5/3/2022. Ảnh: Xinhua.

Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành vi “quyền tài phán trị ngoại” (thẩm quyền áp dụng với đối tượng là thực thể, cá nhân nước ngoài). Theo ông Vương, một số quốc gia đã liên tục lạm dụng việc áp dụng luật pháp trong nước của họ để vi phạm luật pháp quốc tế nhằm đàn áp các thực thể, cá nhân nước ngoài và phục vụ lợi ích của họ.

Để chống lại việc một số quốc gia lạm dụng áp dụng “quyền tài phán trị ngoại”, Trung Quốc đã ban hành một số luật và quy định, bao gồm Luật Chống trừng phạt của nước ngoài, Quy định Thực thể không đáng tin cậy…

Các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc không được phép xâm phạm, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc là bất khả xâm phạm, ông Vương nói.

Trung Quốc đưa ra các điều khoản liên quan trong luật để kiên quyết chống lại các hành vi làm suy yếu chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc, làm tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc. Điều này vừa chính đáng vừa cần thiết, phát ngôn viên của kỳ họp nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc khai mạc 2 kỳ họp quan trọng: Kỳ vọng các chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế

Ngày 4-3, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) khai mạc, đánh dấu mở đầu kỳ họp lưỡng hội; sau đó một ngày, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Trung Quốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái An (Xinhua) ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN