Phi USD hóa toàn cầu - trào lưu hay nhu cầu?
Theo dữ liệu thống kê thanh toán toàn cầu tháng 3/2023 do Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) công bố, thị phần thanh toán của đồng USD chiếm 41,74% toàn cầu, giảm hơn 50% so với 85,7% vào thời kỳ đỉnh cao.
Ngày càng có nhiều nước trên thế giới lựa chọn “phi USD hóa” trong các hoạt động tài chính và thương mại nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD - phương thức được các nước coi là hữu hiệu để thoát khỏi khó khăn kinh tế và ứng phó với khủng hoảng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khó đoán định tiến trình “phi USD hóa” hiện nay bởi Trung Quốc, nước có đồng Nhân dân tệ (NDT) được cho là thách thức tiềm tàng với USD, vẫn chưa mặn mà lắm với tiến trình này trong khi quốc gia thực sự có thể “phi USD hóa” một cách hiệu quả e rằng vẫn là Mỹ.
Đồng Nhân dân tệ đang ở thời điểm tỏa sáng
Trung Quốc cũng đã thúc đẩy các thỏa thuận với Nga và các quốc gia khác muốn sử dụng đồng NDT trong hoạt động thương mại và thanh toán vì Bắc Kinh muốn mở rộng việc sử dụng đồng tiền của mình trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, sẽ rất khó để bất kỳ tài sản hoặc tiền tệ nào vượt qua được USD, chứ đừng nói đến đồng NDT. Theo một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, điều quan trọng hơn là Bắc Kinh sẽ không muốn phi USD hóa hoàn toàn vì 3 lý do.
Thứ nhất, Trung Quốc không muốn tự do hóa đồng NDT và cho phép dòng tiền tự do lưu chuyển ra vào nền kinh tế. Theo ông Rory Green, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Công ty tư vấn TS Lombard có trụ sở tại London, mặc dù Trung Quốc có vẻ muốn phá vỡ sự thống trị toàn cầu của Mỹ, nhưng nước này chỉ muốn làm như vậy theo các điều kiện của Bắc Kinh. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã hành động thận trọng trong thập kỷ qua để thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn đồng NDT mà không phá vỡ an ninh tài chính và hiện không có khả năng làm đảo lộn động thái đó. Sự ổn định này được duy trì thông qua việc sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn - nghĩa là kiểm soát lượng tiền nước ngoài có thể di chuyển vào và ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc, từ đó ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái ngoại tệ. Chuyên gia Green cho rằng chính sách của Bắc Kinh coi các biện pháp kiểm soát như vậy là điều kiện tiên quyết cho một chính sách tiền tệ độc lập, có chủ quyền, là cần thiết đối với an ninh và ổn định tài chính của nước này.
Thứ hai, Trung Quốc không muốn và không thể chịu thâm hụt dai dẳng như Mỹ. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ là cái giá phải trả cho vị thế và tầm ảnh hưởng của USD với tư cách là một đồng tiền dự trữ của thế giới. John Kemp, nhà báo chuyên phân tích thị trường của hãng tin Reuters, giải thích rằng vào năm 2009, Mỹ ghi nhận mức thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai lớn hơn so với hầu hết các quốc gia khác chỉ vì nước này là nhà phát hành đồng tiền dự trữ chính của thế giới.
Thứ ba, Trung Quốc cũng cần tài sản thay thế trong bối cảnh đối mặt với nhiều rủi ro địa chính trị. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong quý IV/2022, USD chiếm tỷ trọng lớn, tương đương 54%, trong dự trữ ngoại hối toàn cầu trong khi đồng NDT chỉ chiếm 2,5% lượng dự trữ này. Nhà kinh tế trưởng Green cho rằng điều này đồng nghĩa với việc thiếu các lựa chọn đa dạng khi nói đến tài sản dự trữ. Đây cũng là một vấn đề đối với PBoC, bởi ngân hàng sẽ phải nắm giữ số lượng lớn trái phiếu bằng đồng NDT của mình.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng Mỹ vẫn là quốc gia thực sự có thể “phi USD hóa” một cách hiệu quả. Trong 1/4 thế kỷ sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, đồng USD đã hưởng đầy đủ những lợi ích mang lại từ việc trở thành đồng tiền quốc tế. Tuy nhiên, đến thời kỳ Chính quyền Richard Nixon phát hiện phải trả cái giá đắt hơn cho trách nhiệm gánh vác nên đã lựa chọn từ bỏ hệ thống Bretton Woods một cách quyết đoán. Bộ trưởng Tài chính vào thời điểm đó của Mỹ là John Bowden Connally, Jr còn để lại một câu nói nổi tiếng cho thế giới: “USD là đồng tiền của chúng tôi, nhưng lại là vấn đề của các bạn”. Do đó, trên thực tế, bắt đầu từ thời điểm đó Mỹ luôn thực hiện một số việc “phi USD hóa”, mặc dù họ có thể không ý thức được, nhưng khái niệm “biến USD thành vấn đề của nước khác” rõ ràng đã dẫn đến kết quả này. Mỹ muốn hưởng thụ lợi ích mang lại từ quyền thống trị của đồng USD, nhưng lại không muốn gánh vác trách nhiệm cần có của đồng tiền quốc tế.
Do vậy, nước cung ứng đồng tiền quốc tế cũng phải đoàn kết nhiều đồng minh hơn, cẩn trọng sử dụng các biện pháp trừng phạt, đi đầu gánh vác hậu quả khủng hoảng tài chính và quốc tế thì mới có thể nhận được sự ủng hộ của ngày càng nhiều nước, bảo vệ giá trị lâu dài của đồng tiền quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay Mỹ ngày càng ích kỷ, hẹp hòi, đặc biệt là khi gặp phải khủng hoảng càng thể hiện sự bức thiết giữ mình, thậm chí hại người lợi mình. Thế giới khổ sở vì địa vị thanh toán của đồng USD trong một thời gian dài, nếu Mỹ không thể kiềm chế việc này, thì có lẽ ngày càng nhiều hàng hóa trên thế giới sẽ sử dụng đồng tiền khác để thanh toán, địa vị của đồng USD chắc chắn tiếp tục suy yếu.
Hiện nay, Mỹ đang sử dụng nhiều biện pháp để hỗ trợ tiến trình “phi USD hóa” toàn cầu. Mặc dù tiến trình này vẫn chưa biết kết quả ra sao, may rủi đều khó đoán định như nhau, nhưng xem ra Mỹ mới là đội quân chủ lực của “phi USD hóa”.
Nguồn: [Link nguồn]
Các lệnh trừng phạt quốc tế của phương Tây nhằm vào Nga bắt đầu làm xói mòn sự thống trị hàng chục năm qua của đồng USD trong lĩnh vực thương mại dầu mỏ, theo các chuyên...