Nội bộ nói về chính sách ngoại giao ‘chiến lang’ của TQ
Nội bộ Bắc Kinh nhận thức đường lối đối đầu trực diện với Mỹ, với thế giới của ông Tập đang đẩy Trung Quốc vào thế tự cô lập.
Phát biểu tại thư viện Richard Nixon ở bang California (Mỹ) ngày 23-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Washington sẽ có biện pháp mạnh đáp trả bất kỳ động thái nào làm tổn hại đến trật tự thế giới hiện nay, đặc biệt từ Trung Quốc (TQ). Ông Pompeo kêu gọi các quốc gia khác cùng đoàn kết tạo áp lực buộc Bắc Kinh phải thay đổi những hành vi đe dọa an ninh, lợi ích chung.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình từng đưa ra cam kết TQ sẽ luôn nỗ lực để trở thành một cường quốc có năng lực, có trách nhiệm với thế giới. Tuy nhiên, theo học giả Richard McGregor thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược lowy (Úc), có thể thấy rõ ràng những cam kết của ông Tập chẳng những không thuyết phục được cộng đồng quốc tế mà còn khiến các nước xung quanh lo ngại trước tham vọng lộ rõ của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, không phải ai trong giới tinh hoa TQ cũng chia sẻ tầm nhìn của ông Tập.
Trung Quốc và bài học từ quá khứ
Cụ thể, trong một bài viết mới đây cho tờ Asia Times, chuyên gia McGregor giải thích một lượng lớn học giả và quan chức TQ tỏ ra bất bình trước việc ông Tập đang lèo lái đất nước theo hướng đối đầu trực diện với thế giới, tệ hơn nữa là đối đầu với Mỹ.
Những người này muốn TQ quay lại đường lối ngoại giao mà cố Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình đã đề ra vào giai đoạn cuối thế kỷ 20, khi nước này vừa bắt đầu cải cách kinh tế. Theo đó, ông Đặng đã đề cao phương châm “bình tĩnh quan sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh ứng phó, giấu mình chờ thời”. Khi đưa ra tư tưởng này, ông Đặng còn nhấn mạnh “quyết không đi đầu” trong bối cảnh Liên Xô đang suy yếu, để lại một khoảng trống quyền lực rất lớn trong khối xã hội chủ nghĩa mà Bắc Kinh lúc này có thể dễ dàng lấp vào. Bám sát đường lối của cố Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình, TQ hàng chục năm tiếp theo đã có thể tập trung củng cố thực lực mà không bị Mỹ dòm ngó và kìm hãm.
Nhân viên chuyển các thùng đồ từ trong Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston ra xe hôm 23-7, hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu đóng cửa cơ sở ngoại giao này trong vòng 72 giờ. Ảnh: AP
Đừng xem Mỹ là “hổ giấy”
Một số ví dụ điển hình cho phe ủng hộ tư tưởng trên có thể kể đến là bài viết với tiêu đề “Bốn điều không ngờ tới và 10 nhận thức mới về nước Mỹ trong năm 2020” của Đại tá không quân TQ Đới Húc được trang web của chương trình nghiên cứu về TQ của Trung tâm nghiên cứu Carter (Mỹ) đăng tải hồi tháng trước. Đại tá Đới Húc lâu nay là một trong những tướng lĩnh TQ nổi danh là có tư tưởng chống Mỹ kịch liệt.
Nội dung bài viết dù vẫn ủng hộ TQ nên tìm cách lợi dụng sự suy yếu trong vị thế quốc tế của Mỹ gần đây để gia tăng ảnh hưởng nhưng ông Đới cũng cảnh báo TQ đừng chủ quan xem Mỹ là “con hổ giấy” mà hành động sơ suất.
Nếu Bắc Kinh không nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn của mình với thế giới thì làn sóng phản đối TQ sẽ còn dâng cao và đến một lúc nào đó sẽ đổ ập lên nước này mà thậm chí không cần Mỹ đứng ra lãnh đạo. Học giả RICHARD MCGREGOR, Viện Nghiên cứu chiến lược lowy (Úc) |
“Đừng ồn ào kéo đến trước cửa nhà người Mỹ và tuyên bố: “Tôi muốn vượt qua anh, tôi muốn thay thế anh để trở thành nước số một trên thế giới”. Nếu thực sự có khả năng và mong muốn thì cũng nên che đậy, thậm chí cần dịu giọng đi. Người Mỹ đặc biệt sợ người khác chiếm lấy vị trí của họ. Về khoản này, người Nhật đặc biệt có kinh nghiệm khi họ luôn thấp giọng khi nói chuyện với người Mỹ và giờ kiếm được nhiều tiền” - ông Đới cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh hòa bình là con đường duy nhất nếu TQ muốn duy trì đà phát triển hiện nay trong thế kỷ 21.
Trước đó, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn thế giới, nội bộ lãnh đạo TQ cũng từng nổ ra tranh cãi kịch liệt về cái gọi là chiến lược ngoại giao “chiến lang”: Hung hăng bảo vệ tới cùng lợi ích quốc gia TQ trên mọi phương diện tranh chấp với các nước khác, từ mâu thuẫn thương mại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do COVID-19 gây ra đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Đại sứ TQ tại Anh hồi tháng 4 thì cho rằng dùng cụm từ “chiến lang” là hiểu sai chính sách ngoại giao của TQ vì đơn giản TQ lâu nay luôn theo đuổi hòa bình và ổn định và chỉ sử dụng biện pháp mạnh khi cần thiết. Ở chiều ngược lại, tờ Hoàn cầu Thời báo trực thuộc Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản TQ lại cho đăng tải bài viết khẳng định ngoại giao “chiến lang” là dấu hiệu TQ đang “phản kháng mạnh mẽ các thế lực phương Tây”, khiến các nước này phải gom lại cùng nhau “bắt nạt TQ”.
Trong khi đó tại Mỹ, giới lãnh đạo nước này giờ đang dần hình thành một khối thống nhất về quan điểm bài trừ TQ. Tệ hơn, những nước khác sẵn sàng đứng nhìn Washington “một mất một còn” với Bắc Kinh mà không lên tiếng ủng hộ TQ hay phản đối Mỹ vì nhiều nước vẫn đang phụ thuộc vào sức mạnh nền kinh tế Mỹ.
Đã đến lúc Trung Quốc phải lựa chọn và thay đổi Trong tình thế trước mắt, học giả Richard McGregor nhấn mạnh Bắc Kinh phải nhanh chóng thay đổi chính sách ngoại giao cứng rắn hiện tại bằng một chính sách khác mềm dẻo hơn, chú trọng vào việc xây dựng niềm tin của các quốc gia khác. Theo chuyên gia này, đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa một siêu cường được cộng đồng ủng hộ như Mỹ và một cường quốc mới nổi như TQ. “Lòng tin là thứ không thể có được ngày một ngày hai mà phải được vun đắp trong thời gian dài. TQ có thể bắt đầu bằng cách hành xử có trách nhiệm hơn và tuân thủ đúng theo luật pháp quốc tế. Qua đó, họ có thể vừa nâng cao vị thế cường quốc của họ vừa được các nước khác ủng hộ. Về lâu dài, một TQ thân thiện sẽ có lợi về mặt ngoại giao và kinh tế hơn một TQ lúc nào cũng bị cảnh giác” - theo ông McGregor. |
Nguồn: [Link nguồn]
Các học giả và cố vấn chính sách ngoại giao hàng đầu ở Trung Quốc gần đây nhận định rằng việc đội quân ngoại giao...