Nhiễm Covid-19, khi bình phục cơ thể sẽ ra sao?
Virus SARS-Cov-2 tồn tại được bao lâu trong cơ thể, bệnh nhân từng nhiễm virus này có nguy cơ tái nhiễm hay gặp di chứng nào khác... cho đến nay vẫn là những vấn đề được nhiều người quan tâm.
Người từng mắc Covid-19 có khả năng tái nhiễm?
Có một số ghi nhận riêng rẽ về những trường hợp bị tái nhiễm Covid-19. Dữ liệu từ giới chức y tế tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ghi nhận có tới 14% trường hợp đã khỏi dịch Covid-19 nhưng sau đó vẫn dương tính khi được xét nghiệm lại.
Cuối tháng 2 vừa qua, Reuters từng ghi nhận trường hợp một phụ nữ ở Osaka, Nhật Bản bị xét nghiệm dương tính dù đã hồi phục từ lần nhiễm Covid-19 trước đó. Một trường hợp tương tự cũng được ghi nhận ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, vẫn có một số giải thích dễ hiểu cho những trường hợp bị tái nhiễm. Có khả năng virus SARS-Cov-2 vẫn đang trong thời gian ủ bệnh sau các triệu chứng ban đầu, rồi mới tấn công vào phổi, hoặc cũng có khả năng do sơ suất của con người như xét nghiệm không chính xác hoặc bệnh nhân được xuất viện quá sớm.
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 vẫn có khả năng tái nhiễm kể cả khi đã hồi phục (Ảnh: Thailand Medical)
Thông thường, khi hệ miễn dịch trong cơ thể đánh bại một bệnh truyền nhiễm nào đó, nó sẽ có khả năng đánh bại bệnh truyền nhiễm này thêm một lần nữa, trừ khi chúng ta bị mắc chứng suy giảm hệ miễn dịch bởi một lý do nào đó.
Trả lời câu hỏi về các trường hợp “tái nhiễm” Covid-19 ở Trung Quốc, quyền phụ trách ủy ban bệnh dịch mới của WHO, Maria Van Kerkhove đã bác bỏ các thông tin này.
“Dựa trên bằng chứng chúng tôi có được, các trường hợp này không phải là tái nhiễm”, bà Maria nói, nhấn mạnh các kết quả âm tính ban đầu có thể không chính xác hoặc những người này nằm trong “ranh giới âm/dương tính”.
Bà Maria không đề cập đến các ca tái nhiễm ở một số quốc gia khác trên thế giới. WHO hiện chưa chính xác nhận khả năng Covid-19 tái nhiễm trên người khỏi bệnh.
Covid-19 gây ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe bệnh nhân sau khi phục hồi?
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, dẫn lời bác sĩ Owen Tsang Tak-yin, giám đốc y tế của Trung tâm bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Princess Margaret ở Kwai Chung, Hong Kong cho biết các bác sĩ tại đây đã tiếp nhận khoảng một chục cuộc hẹn với các bệnh nhân nhiễm Covid-10 từng xuất viện ở thời điểm trước đó. Hai đến ba trường hợp trên không thể làm việc một cách bình thường như trước.
“Họ thường thở hổn hển nếu phải đi bộ nhanh hơn một chút,” bác sĩ Tsang nói trong một cuộc họp báo hôm 12.3. “Một số bệnh nhân có thể bị suy giảm khoảng 20 đến 30% chức năng của phổi sau khi bình phục”.
Các bệnh nhân này giờ đây sẽ phải trải qua các cuộc xét nghiệm để xác định chức năng phổi họ còn bao nhiêu phần trăm nguyên vẹn. Các bài tập vật lý trị liệu và thể dục tim mạch cũng sẽ được khuyến khích để củng cố chức năng phổi của họ.
Dù việc kiểm tra cơ thể các bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới bình phục cho thấy có một số thương tổn đối với phổi của họ, nhưng cho đến nay vẫn chưa chắc chắn liệu chúng có thể dẫn đến các biến chứng như xơ phổi hay không. Tuy nhiên, đây chỉ là một số bệnh nhân bị virus tấn công xuống hai lá phổi. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ bộc lộ triệu chứng nhẹ rồi khỏi mà không có ảnh hưởng gì về lâu dài.
Virus SARS-Cov-2 có thể tồn tại được bao lâu trong cơ thể?
Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí The Lancet, mầm bệnh Covid-19 có thể ủ trong đường hô hấp của bệnh nhân tới 37 ngày, đồng nghĩa với việc người mắc bệnh vẫn có khả năng truyền nhiễm trong nhiều tuần.
Dù thời gian cách ly được khuyến nghị trong thời điểm hiện tại là 14 ngày, bệnh nhân Covid-19 vẫn có khả năng truyền nhiễm kể cả khi các triệu chứng bệnh đã biến mất, dẫn đến việc vô tình lan truyền virus SARS-Cov-2 ra nhiều người hơn.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Một bác sĩ 47 tuổi đã tử vong tại nhà sau khi nhiễm virus Covid-19 ở thành phố Montello, Italia.