Nga cùng đồng minh xúc tiến lập đồng tiền dự trữ mới thay USD và euro
Nga và các nước thuộc nhóm BRICS bàn cách phát triển các cơ chế thanh toán thay thế để loại bỏ đồng USD của Mỹ và euro của châu Âu.
Đài RT ngày 2-10 dẫn lời Đại sứ lưu động Bộ Ngoại giao Nga Pavel Knyazev cho biết các Nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đang nỗ lực thiết lập một đồng tiền dự trữ mới để phục vụ tốt hơn lợi ích kinh tế của các nước thành viên.
Ông Pavel Knyazev. Ảnh: ENG.BRICS-RUSSIA2020.RU
Đồng tiền dự trữ mới sẽ dựa trên rổ tiền tệ của nhóm, bao gồm 5 thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
“Khả năng và triển vọng thiết lập một đồng tiền chung dựa trên rổ tiền tệ của các nước BRICS đang được thảo luận” - ông Knyazev nói trong cuộc thảo luận về việc mở rộng BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Theo ông Knyazev, các quốc gia thành viên “đang tích cực nghiên cứu các cơ chế” trao đổi thông tin tài chính để phát triển một giải pháp thay thế đáng tin cậy cho thanh toán quốc tế.
Tại hội nghị thượng đỉnh của Nhóm BRICS được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Trung Quốc hồi tháng 6 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết BRICS đang làm việc để thiết lập một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới dựa trên các loại tiền tệ của những quốc gia thành viên, hãng thông tấn IRNA của Iran đưa tin.
Trong nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào các đồng USD và euro, BRICS dự định xây dựng một cơ sở hạ tầng tài chính chung cho phép tạo ra một loại tiền tệ dự trữ. Nhóm quốc gia này đã và đang thúc đẩy quan hệ kinh tế, với kim ngạch thương mại ổn định bất chấp những hạn chế do đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tại Ukraine mang lại.
BRICS trước đó cho biết đang làm việc để thiết lập một mạng lưới thanh toán chung nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây. Các nước thành viên cũng đang tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong giao thương qua lại.
Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã thành lập BRICS từ năm 2009. Đến năm 2010, Nam Phi gia nhập nhóm này. BRICS hiện chiếm 26,7% diện tích thế giới, hơn 16% thị phần thương mại toàn cầu, 30% GDP thế giới và chiếm hơn 41,5% dân số toàn cầu.
Iran và Argentina đã xin gia nhập BRICS tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm này hồi tháng 6.
Nguồn: [Link nguồn]
Moscow bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác thương mại với Ankara.