Lí do TQ không dừng hẳn việc “bơm” dầu sang Triều Tiên
Một nguyên nhân kĩ thuật có thể khiến Trung Quốc thiệt hại kinh tế lớn nếu ngừng đột ngột xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên.
Đường ống dẫn dầu từ Trung Quốc sang Triều Tiên rất dễ tắc do sáp.
Đường ống dẫn dầu nối Đan Đông-Sinuiju chở hơn nửa triệu tấn dầu thô mỗi năm từ Trung Quốc sang Triều Tiên. Sau khi nghị quyết trừng phạt mới nhất của LHQ được đưa ra ngày 12.9, đường ống dẫn dầu này vẫn “bình an vô sự”. Có một lí do kĩ thuật đằng sau việc LHQ để ngỏ đường ống dẫn dầu quan trọng.
Lệnh trừng phạt mới nhất của LHQ cắt giảm 55% sản lượng dầu tinh chế nhập vào Triều Tiên, hạn chế ở mức 2 triệu thùng dầu/năm. Lượng dầu thô qua đường ống Đan Đông vẫn nằm ngoài lệnh cấm, khiến nhiều chỉ trích nảy sinh về tính “nửa vời” của lệnh cấm.
Lưu Minh, chuyên gia phân tích Triều Tiên tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải (Trung Quốc), nói rằng nguyên nhân kĩ thuật với đường ống dẫn dầu này là có thật và “không thể phớt lờ”. Ông Lưu nói: “Dầu thô chảy qua ống dẫn dầu Đan Đông chứa nhiều sáp khiến dòng chảy rất chậm hoặc thậm chí ngừng hẳn. Nếu đường ống này bị chặn, chi phí sửa chữa sẽ rất đắt đỏ. Chưa kể, hệ thống đường ống có thể bị hỏng hoàn toàn trong sự cố khẩn cấp”.
Theo SCMP, dầu thô hút lên từ mỏ ở tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc có hàm lượng sáp cao và sulphur rất thấp. Hỗn hợp này dễ bị đông cứng trong thời tiết lạnh hoặc dầu chảy chậm. Chi phí sửa chữa những đoạn ống bị tắc dầu do sáp nghẽn rất tốn kém nếu phải dùng lại sau này.
Đường ống này dài 30 km, hoàn thành năm 1975 và cung cấp 520.000 tấn dầu thô mỗi năm cho Triều Tiên. Dầu thô sau khi tới Triều Tiên được tinh chế ở nhà máy Ponghwa, một cơ sở do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng năm 1970. Lượng dầu tinh chế được dùng cho các hoạt động vận tải, quân sự, nông nghiệp và đánh bắt cá.
Mỹ đang cân nhắc gói cấm vận mới nhằm vào Triều Tiên, bao gồm cả khả năng lần đầu tiên áp đặt cấm vận dầu mỏ,...