Bất ngờ về phần Ukraine trực tiếp nhận được trong khoản hỗ trợ hơn 100 tỷ USD của Mỹ
Khoản hỗ trợ trực tiếp cho Kiev chỉ chiếm 20% trong tổng ngân sách hỗ trợ hơn 100 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ duyệt chi.
Phần lớn khoản ngân sách hỗ trợ Ukraine được sử dụng phục vụ lợi ích của Mỹ.
Phần lớn khoản ngân sách được sử dụng để chi cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho biết trong phiên điều trần ngày 29/3.
"Trong số 113 tỷ đô la được phân bổ, khoảng 60% dành cho quân đội Mỹ, người lao động Mỹ và nhằm hiện đại hóa các kho dự trữ của Mỹ", hạ nghị sĩ Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói. "Thực tế là chỉ 20% trong khoản ngân sách này được sử dụng để chuyển cho chính phủ Ukraine dưới dạng hỗ trợ trực tiếp".
Ông McCaul là người có quan điểm ủng hộ hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ông nói việc công khai thông tin trên không nhằm "làm suy giảm tầm quan trọng của việc hỗ trợ Ukraine", mà để cho người đóng thuế ở Mỹ biết các khoản tiền được chi tiêu ra sao.
Những người tham gia phiên điều trần hôm 29/3 ở Hạ viện gồm quan chức Lầu Năm Góc, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và quan chức đến từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Giới chức Mỹ khẳng định các khoản giải ngân, các đợt hỗ trợ vũ khí và trang thiết cho Ukraine được sử dụng đúng mục đích và chính phủ Mỹ chưa phát hiện dấu hiệu bất thường.
Tại phiên điều trần, ông McCaul nói "các khoản chi với từng đô la đã được kiểm tra". Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho rằng, việc giám sát sẽ thúc đẩy việc sử dụng nguồn tài trợ cho Ukraine một cách hiệu quả, phục vụ lợi ích của Mỹ. Ông cũng cho biết, một công ty tư vấn đa quốc gia Mỹ đang làm việc với chính phủ Ukraine để xác minh cách Kiev đã sử dụng các khoản hỗ trợ ngân sách ra sao.
Kể từ khi xung đột nổ ra, các tập đoàn vũ khí Mỹ đã hưởng lợi lớn khi liên tục nhận được hợp đồng mới từ chính phủ. Mỹ thường không chuyển trực tiếp vũ khí trong kho dự trữ cho Ukraine mà chờ các tập đoàn quốc phòng sản xuất.
Chính phủ Mỹ sau đó sẽ cân nhắc cung cấp vũ khí mới sản xuất cho Ukraine hoặc chuyển vũ khí trong kho dự trữ và lấy vũ khí mới bù đắp vào nguồn dự trữ.
Điều này giúp tạo lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ. Hồi đầu tháng này, tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ thông báo mở thêm dây chuyền sản xuất pháo phản lực HIMARS, nâng sản lượng lên 96 chiếc/năm, mức kỷ lục từ trước đến nay.
Nguồn: [Link nguồn]
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin đã nêu đề xuất 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột quân sự ở Ukraine.