Hàn Quốc: "Bóng ma" phủ bóng cuộc bầu cử

Hôm nay (19/12), người dân Hàn Quốc đi bỏ phiếu bầu ra lãnh đạo mới trong một cuộc bầu cử bị bao phủ bởi “bóng ma” của hai tổng thống quá cố: nhà độc tài Park Chung-Hee bị ám sát và cựu Tổng thống cánh tả Roh Moo-Hyun tự kết liễu đời mình.

Bầu cử ở Hàn Quốc năm nay là cuộc đối đầu giữa con gái của ông Park Chung-Hee - bà Park Geun-Hye thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền (Sanuri) và người bạn thân, cựu Chánh văn phòng của Tổng thống Roh Moo-Hyun - ông Moon Jae-In thuộc đảng Tự do (DUP) đối lập. 

Sự hiện diện đầy ám ảnh của hai cựu tổng thống và những cảm xúc mạnh mẽ về họ vẫn còn, nghĩa là di sản mà họ để lại phần nào đó sẽ tác động tới kết quả bầu cử.

Hàn Quốc: "Bóng ma" phủ bóng cuộc bầu cử - 1

Hai ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc năm 2012, ông Moon Jae-In (trái) và bà Park Geun-Hye (phải)

Park Chung-Hee có lẽ là nhân vật phân cực nhất trong lịch sử Hàn Quốc, giữa một bên ngưỡng mộ ông vì vai trò lãnh đạo đất nước thoát khỏi đói nghèo và một bên nguyền rủa ông với chính sách bàn tay sắt áp đặt trong suốt 18 năm độc tài quân sự.

Ông đã bị chính giám đốc tình báo của mình bắn chết năm 1979.

Khi lên nắm quyền năm 2003, Roh Moo-Hyun, một cựu luật sư đấu tranh cho nhân quyền cam kết mở ra một khởi đầu mới nhưng kết cục chính quyền của ông lại rơi vào  hỗn loạn 5 năm sau đó. Đảng của ông tan nát vì bê bối và đấu đá nội bộ còn các chương trình cải cách kinh tế buộc phải dừng bước. 15 tháng sau khi rời nhiệm sở, Tổng thống Roh tự sát do gia đình bị điều tra tham nhũng.

Ông Moon và bà Park tham gia tranh cử với nhiều vấn đề chủ chốt như cải cách kinh tế, an sinh xã hội và an toàn lao động. Thế nhưng, dưới con mắt công chúng, cả hai đều được nhìn nhận qua lăng kính là những quan hệ với các cựu lãnh đạo.

“Bà Park là con gái của một nhân vật biểu tượng cho chủ nghĩa bảo thủ Hàn Quốc trong khi ông Moon lại điển hình cho chủ nghĩa tân tiến”, Hahm Chai-Bong, Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul nhận xét.

Kết quả các cuộc thăm dò mới nhất trước ngày bầu cử cho thấy cuộc đua vào Nhà Xanh (văn phòng Tổng thống Hàn Quốc) có thể sẽ rất sít sao. Ông Moon đã tạo được bước đột phá chút ít nhưng bà Park rõ ràng vẫn dẫn đầu gần như suốt chiến dịch tranh cử.

Bà Park đã thể hiện mình là nhà lãnh đạo có khả năng khôi phục lại nền kinh tế tăng trưởng chậm chạm còn ông Moon cam kết giải quyết những lo ngại liên quan tới khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng ở Hàn Quốc.

Hàn Quốc: "Bóng ma" phủ bóng cuộc bầu cử - 2

Ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye của đảng cầm quyền Sanuri vẫy tay chào những người ủng hộ trong một chiến dịch tranh cử ở Seoul

Với thực tế ông Moon tập hợp được những người tự do hậu thuẫn cho mình và bà Park đoàn kết được những người bảo thủ ủng hộ, người chiến thắng sẽ là ứng viên nào giành được lá phiếu của những cử tri còn chưa quyết định mà đã phần trong số họ đang ở độ tuổi 40, đều bày tỏ lo ngại về bình đẳng xã hội và tăng trưởng kinh tế.
 
Để thu hút số cử tri này, cả hai ứng viên đều phải tách ra đôi chút khỏi cương lĩnh tranh cử trung tâm, và làm như vậy nghĩa là đang tạo khoảng cách giữa họ và bóng của những tổng thống quá cố.

Trong trường hợp ông Moon, điều này có nghĩa là ông phải công khai thừa nhận những thất bại của chính quyền Roh Moo-Hyun, đặc biệt là khả năng xử lý sai lầm nền kinh tế.

Nỗ lực của bà Park còn kịch tính hơn. Trong một xã hội Hàn Quốc bị chi phối mạnh mẽ bởi Khổng giáo vốn luôn đề cao lòng hiếu thảo, bà Park phải công khai thừa nhận sự thái quá thời chính quyền của cha mình và phải xin lỗi các gia đình từng là nạn nhân của chế độ đó.

“Những điều chúng tôi nhìn thấy đó là một người con gái và một người con trai rất điển hình của các nhà lãnh đạo này buộc phải công khai chối bỏ những việc làm sai trái của cha mình, một là con theo đúng nghĩa sinh học và một theo nghĩa chính trị”, ông Hahm phân tích.

Moon Jae-In và Roh Moo-Hyun đều từng hành nghề luật sư trước khi ông Roh trở thành Tổng thống và đều tập trung bảo vệ quyền lợi của những người đấu tranh cho dân chủ phản đối chế độ độc tài quân sự của ông Park. 

Bản thân ông Moon từng bị tù trong một thời gian ngắn và ông đã sử dụng trải nghiệm này để tấn công bà Park ngày từ buổi đầu tranh cử.

“Trong khi tôi phải chịu cảnh nghèo khó, bà ấy lại sống như một bà hoàng ở Nhà Xanh”, ông Moon nói với các phóng viên hồi tháng 6/2012. “Bà ấy ở trung tâm của độc tài khi chính tôi đấu tranh chống lại chế độ độc tài ấy”.

Bà Park rời dinh tổng thống sau khi người cha Park Chung-Hee bị bị ám sát và bắt đầu sự nghiệp chính trị năm 1998 trên cương vị nghị sỹ đại diện cho quê hương mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Phạm (Theo AFP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN