Giải mã thái độ giận dữ của Triều Tiên

Khi căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên liên tục leo thang đến mức chưa từng thấy, rất khó để hiểu được chiến lược thực sự của Bình Nhưỡng là gì, mức độ nguy hiểm của hàng loạt leo thang quân sự như thế nào.

Để trả lời những câu hỏi trên, trang tin chuyên về Triều Tiên NK News đã phỏng vấn 3 chuyên gia về khu vực này: TS. Andrei Lankov, cựu sinh viên ĐH Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng, đang là giáo sư ĐH, Hàn Quốc; GS. Leonid Petrov tại ĐHQG Australia tại Melbourne (Australia); và ông Michael Madden, nhà nghiên cứu về nghệ thuật lãnh đạo ở Bắc Triều Tiên, tác giả cuốn sách The excellent NK Leadership (Nghệ thuật lãnh đạo tuyệt vời của Triều Tiên).

Ông có cho rằng Bắc Triều Tiên đang đi con đường đúng đắn khi đưa ra hàng loạt đe dọa Mỹ và Hàn Quốc trong thời gian gần đây?

TS. Andrei Lankov: Tôi cho rằng mục đích của họ không có gì thay đổi. Chúng ta nên nhớ họ không làm được gì hơn những điều họ thường làm.

Trước tiên, tôi muốn nhắc nhở thế giới rằng mục đích của Triều Tiên là sẽ nhận được viện trợ nhiều hơn. Chính sách này trước kia hoạt động rất hiệu quả, nhưng giờ đã giảm tác dụng.

Triều Tiên đang muốn lấy lòng người dân trong nước. Trái với những gì mọi người thường được nghe trên các phương tiện truyền thông nhà nước, lòng tin đối với nhà cầm quyền đã giảm nhiều. Khi mối nguy cơ xâm lược của Mỹ không trở thành hiện thực thì sẽ được coi là chiến thắng nữa cho vị nguyên soái non nớt.

TS. Leonid Petrov: Triều Tiên khiến Seoul và các nhà đầu tư khác phải lo lắng bằng chương trình nghị sự bí ẩn, khẳng định tiền bạc đóng vai trò rất nhỏ, hoặc thậm chí chẳng là gì đối với Bình Nhưỡng.

Thông điệp mà muốn họ gửi ra bên ngoài là: “Đừng gắn các dự án kinh tế với vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân! Chương trình tên lửa và hạt nhân của chúng tôi không thể bị mang ra thương lượng”, hay “Hợp tác kinh tế với kẻ thù sẽ không dẫn tới việc cải tổ hay mở cửa cho Triều Tiên”.

Michael Madden: Việc đóng cửa khu công nghiệp Kaesong sẽ khiến mối quan hệ giữa 2 miền phải bắt đầu lại. Với những phát ngôn và hành động gần đây của chính quyền mới tại Seoul, Bình Nhưỡng đã xóa bỏ thành tựu hợp tác giữa chính quyền Kim và Roh trước đây. Bình Nhưỡng khẳng định việc đóng cửa Keasong không gây ảnh hưởng nhiều đến nguồn ngoại tệ của Triều Tiên như người ta thường nói. Hành động của Triều Tiên có thể sẽ khiến các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc gây sức ép lên chính quyền Seoul để được tạo điều kiện làm ăn tại khu công nghiệp chung Kaesong.

Bình Nhưỡng có thể sẵn sàng bỏ đi nguồn doanh thu béo bở từ Keasong và bù đắp bằng thu nhập từ du lịch, tiếp tục phát triển khu kinh tế đặc biệt Rason và bất kỳ hoạt động ngoại thương nào.

Chính sách của Triều Tiên đi với Kaesong có thể giống với vụ đóng cửa khu du lịch nghỉ dưỡng Kumgang trước đây. Cùng với động thái từ bỏ thỏa thuận ngừng bắn, Triều Tiên đang xóa bỏ những dấu vết cuối cùng của chính sách ngoại giao Ánh dương (chính sách ngoại giao của Hàn Quốc với Triều Tiên từ năm 1998 – 2008).

Mỹ và Hàn Quốc có thể làm gì để hạ nhiệt tình hình (cho dù không muốn thực hiện)?

TS. Andrei Lankov: Hiện tại, tôi phản đối chiến lược nhượng bộ Triều Tiên vì điều đó nghĩa là thừa nhận những dọa dẫm của họ thực sự có tác dụng. Cách tốt nhất để giải quyết tình hình hiện nay là bình tĩnh và bỏ qua hầu như tất cả hành động khoa trương của Triều Tiên. Tốt hơn là coi như không có gì xảy ra. Tất nhiên vẫn cần động thái quân sự cần thiết, nhưng không được phản ứng thái quá khi bị khiêu khích.

TS. Leonid Petrov: Mục đích hiện diện của Mỹ tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Bình Dương là để gây áp lực lên những chính phủ không cùng phe với họ, cũng như phối hợp hoạt động chính sách. Hàng loạt động thái của Triều Tiên sẽ khiến các bên mạnh tay mua sắm vũ khí quân sự. Cuộc khủng hoảng hiện tại ở Hàn Quốc sẽ củng cố liên minh quân sự giữa Seoul, Tokyo và Washington trong nhiều năm qua. Nó cũng có thể khiến đẩy Trung Quốc xa Triều Tiên hơn và gần Mỹ hơn.

Giải mã thái độ giận dữ của Triều Tiên - 1

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong một chuyến thị sát các đơn vị đóng gần biên giới. (Nguồn: NK News)

Michael Madden:  Có vẻ Mỹ và Hàn Quốc đã giảm bớt hoạt động trong đợt tập trận Đại bàng non sau khi đẩy tình hình lên cao điểm bằng cách điều máy bay chiến đấu và tàu khu trục tên lửa dẫn đường vào cuối tuần trước.

Mỹ và Hàn Quốc giờ đây nên cân nhắc tổ chức đàm phán bí mật, có thể tại Liên minh châu Âu (EU), Bắc Kinh hay Mông Cổ, với các quan chức hoặc thông qua chiến lược ngoại giao Kênh 2 (không chính thức). Mỹ với Hàn Quốc và một số đồng minh trong khu vực nên đánh giá lại cách tiếp cận của họ đối với Triều Tiên theo con đường mềm dẻo hơn. Có thể cân nhắc mời EU vào các cuộc đàm phán 6 bên. Dù EU chưa có chính sách ngoại giao chung đối với Triều Tiên, nhưng nhiều nước thuộc EU lâu nay vẫn có quan hệ ngoại giao và thương mại với Bình Nhưỡng. Có khả năng họ sẽ đưa ra đề xuất nào đó tháo được nút thắt.

Mỹ cũng nên cân nhắc lại quan hệ song phương với Hàn Quốc. Tôi nghi ngờ việc đóng cửa Kaesong là cách để Bình Nhưỡng loại Hàn Quốc ra khỏi tiến trình, để họ trực tiếp “chơi” với Mỹ. Ở chừng mực nào đó, Mỹ nên giải quyết Triều Tiên trên kênh song phương. Không phải lúc nào Mỹ cũng nên giải quyết vấn đề với Triều Tiên thông qua quan hệ liên Triều.

Ông có cho rằng Triều Tiên đang “lạm dụng” cách đe dọa?

TS. Andrei Lankov: Tình hình hiện tại bất thường ở chỗ cường độ đe dọa của Bình Nhưỡng dày đặc, như một đợt thủy triều với hàng loạt sóng đổ chưa từng thấy.

Nói thật, rất khó để giải thích tất cả, nhưng những đe dọa của Triều Tiên cần được chú ý. Họ có vẻ muốn làm mọi người đủ khiếp sợ để họ được quyền chủ động, và dường như muốn tạo nên một kết thúc chiến thắng cho nhà lãnh đạo trẻ.

TS. Leonid Petrov: Khác với cuộc đối đầu 60 năm trước, lần này Triều Tiên đã có trong tay vũ khí hạt nhân để củng cố cho những lời đe dọa mạnh mẽ và táo bạo của nhà lãnh đạo.

Không ai có thể làm gì với một Triều Tiên có trong tay vũ khí hạt nhân nữa. Hàng loạt sai lầm của George W.Bush trở nên trầm trọng hơn khi Tổng thống Barack Obama chẳng làm gì mấy. Kết quả là, năm 2013 Triều Tiên đã thay đổi trật tự thế giới bằng việc kết thúc chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân và mở ra kỷ nguyên kiểm soát lỏng lẻo loại vũ khí này.

Tôi không hiểu ý bạn khi dùng từ “lạm dụng”. Những phát ngôn của Bắc Triều Tiên ngày càng gay gắt và có thể được coi như là lạm dụng. Nhưng chính phủ Hàn Quốc và truyền thông nước này cũng không “kém miếng” khi Hàn Quốc đang rầm rộ tập trận cùng Mỹ và đe dọa đáp trả tương xứng.

_________________________

Dù Triều Tiên từng thực hiện cuộc tấn công chiếm ưu thế tuyệt đối xuống phía nam cách đây 60 năm và liên tục đe dọa tấn công Hàn Quốc trong những ngày gần đây, nhưng liệu ngày nay Triều Tiên có còn ưu thế quân sự như xưa? Mời độc giả cùng tìm hiểu vấn đề này trong bài Đánh giá sức mạnh quân sự Triều Tiên vào 19h ngày 10/4.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Tân (theo NK News) ([Tên nguồn])
Triều Tiên tuyên bố tình trạng chiến tranh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN