Điều IS không ngờ: Trở thành nhân tố mang lại hòa bình

IS đang làm cho một số nước có thù hằn bước đầu bình thường hòa quan hệ hoặc đạt được thỏa thuận quan trọng sau thời gian dài đàm phán bế tắc.

Nửa cuối tháng 12.2015, các cuộc phản công lớn diễn ra ở miền bắc Iraq nhằm vào hang ổ IS được thực hiện liên tiếp và giúp quân đội Iraq tiến sát trung tâm thành phố chiến lược Ramadi.

Cùng với những tin tức khả quan từ mặt trận, có một tin tốt khác là dường như IS đang khiến những nước thù địch trong khu vực Trung Đông xích lại gần nhau hơn.

Trước mối nguy khủng bố ngày càng cao, các lãnh đạo đối lập ở Libya đã kí kết một thỏa thuận ở Morocco dưới sự chủ trì của Liên Hợp Quốc hôm 17.12 để thành lập một chính phủ chung. Mặc dù mâu thuẫn giữa các bên vẫn còn và thỏa thuận này không giúp giải quyết tình trạng bạo lực hiện nay nhưng ít nhất, bất ổn ở Libya giữa hai phe trong chính phủ đã được giải quyết.

"Nhờ" có IS, cuộc hội đàm tìm được lối thoát cho các cuộc khủng hoảng đã diễn ra từ nhiều tháng nay, nhất là khi bọn khủng bố đang làm chủ thành phố trọng yếu Sirte (Libya). Chừng nào chính phủ còn bị chia cắt bởi hai lực lượng đối lập thì chừng đó IS còn lợi dụng để tiếp tục bành trướng sự ảnh hưởng của mình.

Điều IS không ngờ: Trở thành nhân tố mang lại hòa bình - 1

Tấm áp phích ở Ankara có dòng chữ “Chúng tôi biết ơn ông!” dành cho Tổng thống Tayyip Erdogan ngày 25.3.2013. Trước đó 3 ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã xin lỗi công khai Thổ Nhĩ Kỳ về cái chết của 9 công dân nước này ở dải Gaza năm 2010.

Cũng trong trong nửa cuối tháng 12, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Năm 2010, cuộc càn quét mang tên Mavi Marmara do lực lượng đặc nhiệm Israel thực hiện đã khiến 9 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ bị giết hại khi họ tìm cách xâm nhập dải Gaza. Thỏa thuận vẫn chưa chính thức kết thúc, tuy nhiên Israel đã đồng ý đền bù thiệt hại cho gia đình các nạn nhân Thổ Nhĩ Kỳ bị giết sau trận càn.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng dỡ bỏ cáo buộc phạm tội lên các quan chức Israel và tăng cường biện pháp ngăn chặn quân Hamas tấn công lãnh thổ nước này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố “quá trình bình thường hóa quan hệ sẽ giúp ích rất nhiều cho bản thân Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Palestine và các quốc gia khác trong khu vực”. Đây là một bước chuyển quan trọng khi vừa mới năm ngoái, Tổng thống Erdogan cáo buộc Israel là “tàn ác hơn cả Hitler”.

Tình hình trong khu vực Trung Đông có nhiều thay đổi, một phần là bởi IS, phần còn lại là do căng thẳng leo thang giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ cuộc chiến ở Syria. Nga là quốc gia cung cấp khí đốt lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, sau khi căng thẳng chính trị gia tăng và các lệnh trừng phạt mà Nga áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực, quốc gia này đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ Nga. Với thỏa thuận mới, có thể việc xây dựng đường ống khí đốt sẽ được triển khai giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới.

Giờ đây, rất nhiều mối quan tâm đã được thay đổi ở Trung Đông và Bắc Phi, chính nhờ mối hiểm họa từ khủng bố năm vừa qua. Một số vấn đề hiện nay có thể sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, trong bối cảnh các cường quốc chưa thống nhất được lộ trình giải quyết xung đột chính trị ở Syria thì con đường tiêu diệt IS vẫn còn rất mờ mịt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh – Slate ([Tên nguồn])
Phiến quân Hồi giáo IS Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN