Dân Úc muốn cấp phép trèo núi thiêng 700 triệu năm tuổi
Hàng trăm ngàn lượt du khách kéo tới thăm hòn đá thiêng Ayers Rock, hay còn gọi là Uluru luôn “đau đáu” câu hỏi: trèo hay không trèo?
Ngọn núi thiêng nổi tiếng nhất Australia hơn 700 triệu năm tuổi.
Ngọn núi khổng lồ hơn 700 triệu năm tuổi nằm ở trung tâm Australia được coi là địa điểm nổi tiếng nhất ở xứ sở Chuột túi. Việc chinh phục ngọn núi này từ lâu đã là điều tranh cãi của người dân bản địa.
Thổ dân Úc coi ngọn núi là biểu tượng linh thiêng và nghiêm cấm du khách trèo lên đỉnh núi. Khu vực quanh ngọn núi Uluru cao 860m này có rất nhiều tranh vẽ, hình điêu khắc, dấu chân và hang động của thổ dân Australia cổ xưa, chủ nhân thực sự của Châu Đại Dương. Nhiều di chỉ có niên đại hơn 5.000 năm và được cho là nền văn minh lâu đời nhất thế giới còn tồn tại tới ngày nay.
Chính phủ liên bang ra quyết định năm 2010 rằng việc chinh phục ngọn núi thiêng là không được phép. Tuy nhiên, nhiều người phản đối cho rằng điều này hạn chế du khách và làm giảm trải nghiệm khi tới ngọn núi.
Tranh cãi về việc trèo ngọn núi này lại nổ ra hồi tháng trước khi Thủ hiến vùng lãnh thổ phía Bắc ông Adam Giles kêu gọi thổ dân châu Úc cân nhắc quyết định được trèo ngọn núi Uluru.
Trong phiên họp trước Quốc hội ngày 19.4, ông Adam nói: “Tôi đề nghị cân nhắc khả năng trèo ngọn núi với các quy định và luật lệ đảm bảo an toàn mà vẫn duy trì văn hóa tâm linh và được thổ dân châu Úc quản lý trực tiếp”.
Adam tin rằng đây sẽ là nơi thu hút rất đông khách du lịch thế giới vì tạo ra trải nghiệm khác biệt và khó quên ở vùng trung tâm châu Úc. Thủ hiến vùng lãnh thổ phía Bắc khẳng định các lợi ích kinh tế sẽ giúp ích rất nhiều cho thổ dân trong khu vực.
Hơn 35 người đã thiệt mạng khi tìm cách chinh phục đỉnh núi thiêng này từ năm 1950 đến nay, chủ yếu do trụy tim mạch vì dốc cao và dựng đứng. Năm ngoái, du khách 27 tuổi người Đài Loan, Trung Quốc đã rơi vào khe nứt trên núi thiêng và được trực thăng đưa ra khỏi đó với thương tích nặng trên đầu.
Nhiều người yêu cầu thổ dân châu Úc phải chịu trách nhiệm vì những tai nạn hoặc thương tích gặp phải khi trèo ngọn núi này.