Dân Trung Quốc khổ vì chung múi giờ
Tại một số nơi, người dân thức dậy lúc 10h sáng, ăn trưa lúc 2h chiều, thậm chí là 4h nếu không quá vội.
Một cảnh ở Urumqi, Trung Quốc
Giờ giấc oái oăm tại Urumqi (Tân Cương, Trung Quốc) làm sinh hoạt chệch với tự nhiên, còn trẻ em thì chán nản vì không thể về nhà kịp xem tập phim hoạt hình ưa thích sau khi đi học về.
Tình trạng này bắt đầu từ thời Mao Trạch Đông, mục đích là để cả nước sinh hoạt theo chung một múi giờ sau khi độc lập hoàn toàn. Dù lãnh thổ Trung Quốc trải dài qua nhiều kinh tuyến, ngang với Mỹ, chỉ có một múi giờ cho toàn quốc đó là giờ Bắc Kinh, GMT+8.
Như vậy có nghĩa là vào 7h sáng, mặt trời đã lên ở Tử Cấm Thành, trong khi bầu trời Urumqi vẫn đầy sao. Hoạt động trái với đồng hồ sinh học gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như đau đầu và mất ngủ.
Chợ tấp nập vào ban đêm
"Rất khó thích nghi. Trên thế giới chắc chỉ có chúng tôi ăn tối vào nửa đêm", Gao Li, một công nhân tại Urumqi nói. Trường học, sân bay và ga tàu có giờ hoạt động lệch lạc, kỳ thi quốc gia bắt đầu lúc tối mịt. Riêng các nhà hàng phục vụ bữa tối giữa màn đêm muộn.
Các nhóm dân ở khu vực Tân Cương cũng có giờ giấc khác nhau. Người Duy Ngô Nhĩ, theo Hồi giáo coi đây là quê hương nên họ thường vặn đồng hồ sớm hơn 2 tiếng, sát với giờ thực. Nhưng đa số người Trung Quốc, sắc dân phổ biến hơn vẫn dùng múi giờ Bắc Kinh. Điều này là cản trở lớn và gây mệt mỏi cho giới trẻ khi họ thường tham gia các hoạt động chung với nhau.
Người Duy Ngô Nhĩ và người Hán ở Tân Cương dùng hai múi giờ khác nhau
Jun Xiaolong, một giáo viên môn thể thao parkour 28 tuổi tại Tân Cương, nhận xét việc sắp thời khóa biểu cho người Duy Ngô Nhĩ thực sự là thử thách lớn.
"Tôi thường tới rất sớm, một mình, đi ăn ở một hàng quán nào đó, chờ đợi và mất kiên nhẫn nên tự tập luyện trước", Jun nói.
Về sau, Jun ra quy định chỉ sử dụng giờ Bắc Kinh với các học viên.