Cội nguồn thù hận của 2 nghi phạm khủng bố Mỹ

Tamerlan Tsarnaev (26 tuổi, đã chết) và Dzhokhar Tsarnaev (19 tuổi, vừa bị bắt) từng có nhiều thứ mà người khác mơ ước: trí tuệ, thể lực, giáo dục tốt, một tương lai tươi sáng ở Mỹ. Thế nhưng…

Tsarnaev từng học Trường Cao đẳng Cộng đồng Bunkerhill để trở thành kỹ sư. Nhưng rồi bỏ học một năm để theo đuổi nghiệp quyền anh.

Dzhokhar tốt nghiệp trường phổ thông Cambridge Rindge và Latin, từng giành giải vô địch môn đấu vật biểu diễn (wrestling) ở cấp nghiệp dư. Sau khi tốt nghiệp trường trung học Cambridge, Dzhokhar học Đại học Amherst chuyên ngành y khoa để sau này trở thành nhà phẫu thuật não.

Tsarnaev gặp nhiều điều không như ý, thậm chí bi thảm trong những năm sống ở Mỹ. Vì vậy, nhiều người cho rằng, sự hận thù của thanh niên này bắt nguồn từ những vụ việc đáng tiếc đó. Còn Dzhokhar rất nghe lời Tsarnaev, được coi là nô lệ của anh.

Nhiều sự cố

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) từng đặt Tamerlan Tsarnaev vào vòng giám sát sau khi nhận được cảnh báo rõ ràng của tình báo Nga. Tuy nhiên, FBI cuối cùng loại bỏ khả năng Tamerlan là một nguy cơ, dù từng bảo mẹ của Tamerlan rằng, anh ta là một người cực đoan.

Hôm qua, mẹ của hai anh em, bà Zubeidat Tsarnaeva, nói rằng, FBI từng có lần bảo bà rằng, Tamerlan “thực sự là một người dẫn đầu cực đoan” và họ sợ con trai bà. “Con trai tôi bị FBI kiểm soát suốt 5 năm. Họ biết con trai tôi đang làm gì. Họ theo sát từng bước chân của nó, bà Zubeidat nói.

Cội nguồn thù hận của 2 nghi phạm khủng bố Mỹ - 1

Anh em Tamerlan Tsarnaev (trái) và Dzhokhar Tsarnaev. Ảnh: AP

Bố của hai anh em, ông Anzor Tsarnaev, nói rằng, các điều tra viên từng cảnh báo Tamerlan là “Chúng tôi biết anh truy cập những website nào. Chúng tôi biết bạn đang gọi điện thoại cho ai. Chúng tôi biết mọi thứ về anh. Mọi thứ. Chúng tôi kiểm tra và giám sát”.

Dù vậy, FBI không tìm thấy chứng cứ đáng kể về việc Tamerlan tham gia các hoạt động liên quan khủng bố, dù họ tiếp tục theo dõi việc thanh niên này sử dụng internet và tiếp xúc với bên ngoài.

Theo một nguồn tin tình báo, Nga tin rằng, Tamerlan, gốc Chechnya, từng có “liên lạc trực tiếp” với các phiến quân Hồi giáo có khả năng hoạt động tại khu vực Dagestan ở phía bắc Liên bang Nga – nơi anh ta sống hai năm cùng với gia đình trước khi chuyển tới Mỹ.

Trong chuyến thăm 6 tháng tới Nga hồi năm ngoái (chuyến đi mà phía Mỹ đang điều tra), Tamerlan thăm Dagestan – nơi hiện bị coi là bất ổn hơn cả Chechnya.

Một giả thuyết là Tamerlan và Dzhokhar, người bị coi là nô lệ của anh trai, có thể đã thần tượng một lãnh đạo phiến quân được coi là Bin Laden của Nga. Doku Umarov cũng là người Chechnya ở khu vực xung đột Caucasus nằm giữa châu Âu và Trung Á. Ông này bị cáo buộc từng đạo diễn một số vụ khủng bố tồi tệ nhất ở Nga, bao gồm vụ hai phụ nữ đánh bom liều chết nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Mátxcơva năm 2010 khiến ít nhất 40 người thiệt mạng.

Umarov ban đầu chỉ đấu tranh để Chechnya độc lập. Gần đây, nhân vật này có thêm chương trình thánh chiến Hồi giáo.

Cội nguồn thù hận của 2 nghi phạm khủng bố Mỹ - 2

Doku Umarov – người được mệnh danh là Bin Laden của Nga . Ảnh: AFP

Chuyên gia về Chechnya, TS Carlo Gallo, người sáng lập hãng tư vấn rủi ro chính trị Enquirisk (Anh), giải thích: “Umarov đã ra các tuyên bố, trong đó ông ta nói rằng, kẻ thù của Hồi giáo không chỉ là Nga mà còn có Mỹ, dù các phiến quân chưa bao giờ tiến hành các chiến dịch lớn bên ngoài nước Nga”.

Chú của anh em Tamerlan và Dzhokhar, ông Ruslan Tsarni, nói rằng, Dzhokhar đã bị anh trai “sử dụng”. Theo ông, Tamerlan chịu ảnh hưởng của một người cực đoan gốc Armenia sinh sống tại Mỹ. Người cực đoan này đã “tẩy não” Tamerlan.

Ông Tsarni kể rằng, khi ông gặp Tamerlan năm 2009, ông ngỡ ngàng trước sự thay đổi của cháu trai. “Tôi bị sốc khi nghe những lời lẽ của nó. Nó tuyên bố sẽ đặt mọi thứ vào ý chí của Chúa. Đó không phải là sự sùng đạo, mà đó là cực đoan”, ông Tsarni nói.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, Tamerlan và Dzhokhar dường như đã an cư lạc nghiệp ở Mỹ. Hai anh em nổi tiếng ở trường phổ thông và chơi thể thao rất giỏi.

Tamerlan là một võ sĩ quyền anh có triển vọng gia nhập đội tuyển Olympic Mỹ, nhưng giấc mơ của thanh niên này tan vỡ sau khi bị chấn thương ở lưng. Cùng lúc đó, Tamerlan chỉ tìm được một công việc tay chân, dù được đánh giá là học giỏi ở trường.

Tamerlan tuyệt vọng khi người bạn thân nhất của mình bị giết năm 2011 trong một vụ giết người chưa được làm sáng tỏ. Trước đó, Tamerlan bị bắt vì đánh đập bạn gái năm 2009, khiến việc xem xét nhập quốc tịch Mỹ của thanh niên này bị đình lại.

Một nguồn tin tình báo nói: “Có vẻ như những vụ việc đó đã khiến Tamerlan chống lại nước Mỹ”. Sau chuyến thăm tới Nga và Dagestan, Tamerlan trở lại Mỹ và thấy rằng mẹ mình bị cửa hàng Lord & Taylor ở bang Massachusetts sa thải với cáo buộc đánh cắp quần áo đắt tiền.

Điều này được cho là khiến Tamerlan thêm tức giận nước Mỹ. Hai anh em Tamerlan được tin là đã đặt một quả bom gần cửa hàng Lord & Taylor ở Boston, có thể để trả thù.

Bố mẹ hai anh em Tamerlan bảo vệ con họ (một đã chết và một bị thương). Ông bố Tsarnaev nói rằng, không có gì đáng ngờ trong chuyến thăm năm 2012 của Tamerlan tới Dagestan. “Nó không dính líu bất kỳ điều gì. Nó chỉ đến thăm họ hàng mà thôi. Tất cả chỉ là nói dối”.

Tamerlan được cho là để râu dài sau khi từ Nga trở lại Boston. Cảnh sát Mỹ tin rằng Tamerlan đã cạo râu vài tuần trước khi đánh bom để khỏi bị nghi ngờ.

Quá khứ không yên tĩnh

Dzhokhar và Tamerlan gốc Chechnya nhưng có thời gian lớn lên ở nước láng giềng Dagestan. Cả hai nước cộng hòa này là một phần của khu vực Caucasus bị chiến tranh tàn phá, thuộc Liên bang Nga nhưng đấu tranh đòi ly khai.

Hai anh em thoát khỏi Dagestan bên bờ vực nội chiến để bắt đầu cuộc đời mới ở phương Tây cùng bố mẹ họ.

Cội nguồn thù hận của 2 nghi phạm khủng bố Mỹ - 3

Tamerlan Tsarnaev tập quyền anh. Ảnh: Barcroft Media

Trong khi hai anh em hưởng cơ hội và tự do ở Mỹ, Dagestan trở thành tâm điểm của cuộc chiến giữa Nga và phiến quân Hồi giáo. Các vụ đánh bom và bắn nhau diễn ra hằng ngày.

Tình trạng bất công và tham nhũng lan tràn. Nhiều thanh niên tài giỏi không nhìn thấy tương lai tươi sáng, nên họ đứng dậy cầm vũ khí.

Nhưng Dzhokhar và Tamerlan đã thoát khỏi tất cả tình trạng đó. Vậy điều gì khiến họ quay lưng với đất nước đã đón nhận họ để rồi gây ra vụ tấn công đẫm máu chiều 15/4?

Gia đình Dzhokhar nói rằng, con trai họ bị gài bẫy. Ở Dagestan, một chuyện thường xuyên diễn ra là các chiến binh thánh chiến Hồi giáo ép buộc các nam thanh niên thực hiện các hành vi bạo lực, bằng cách đe dọa làm hại gia đình họ.

Nhưng câu trả lời có vẻ thuyết phục hơn nằm ở quy tắc danh dự và trung thành gắn kết chặt chẽ các thị tộc và gia đình Chechnya, giống như Mafia áp dụng ở Sicily. Đối với một số người Nga, từ “Chechnya” đồng nghĩa với “khủng bố”.

Cội nguồn thù hận của 2 nghi phạm khủng bố Mỹ - 4

Năm 2010, Tamerlan Tsarnaev (trái) giành giải vô địch Găng tay vàng New England
Ảnh: AP

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, giấc mơ mới về việc tách khỏi Nga đã gây ra hai cuộc chiến đẫm máu ở Chechnya. Cuộc chiến giành độc lập biến tướng thành sự nghiệp toàn cầu của các phiến quân Hồi giáo và phong trào Hồi giáo cực đoan Salafi tiến vào khu vực. Những kẻ cực đoan này coi việc đánh bom ở Mỹ là con đường tối thượng để nêu bật sự nghiệp của họ.

Dù sống ở Mỹ hoặc vì sống ở Mỹ, Tamerlan có thể vẫn bị tác động sâu sắc bởi làn sóng tư tưởng tôn giáo của các phiến quân Hồi giáo. Có những manh mối cho thấy, quá khứ gần đây của Tamerlan có khả năng liên quan những lời răn dạy cực đoan của các chiến binh thánh chiến.

Tamerlan tự mô tả mình là “rất mộ đạo”, đủ để sống cuộc đời của người tuân thủ Hồi giáo một cách nghiêm ngặt. Cùng đó, anh ta dường như chưa khôi phục sau khi bị sốc văn hóa khi đến Mỹ.

Cá tính của Tamerlan có thể đã được định hình bởi truyền thống văn hóa dựa trên nền tảng gia đình. Vì Tamerlan từng ở Bắc Caucasus, gia đình anh ta có thể từng sắp đặt một cuộc hôn nhân cho con trai. Họ có thể đã chọn một cô gái tuổi ô mai mà tiêu chuẩn lựa chọn chính là còn trinh hoặc chưa từng có bạn trai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thạch Vũ (theo Boston Globe, Daily Mail, CNN, AP, ABC News) ([Tên nguồn])
Khủng bố đánh bom ở giải Marathon Boston Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN