Ấn Độ: Sẽ treo cổ 4 kẻ hiếp dâm trên xe buýt

Tòa án Ấn Độ tuyên án tử hình đối với 4 hung thủ gây ra vụ hiếp dâm tập thể trên xe bus gây chấn động dư luận, và người dân hy vọng bọn chúng sẽ bị treo cổ sớm.

Ngày 13/9, một tòa án Ấn Độ đã đưa ra một trong những phán quyết được quan tâm nhất ở đất nước này khi kết án tử hình đối với 4 hung thủ gây ra vụ hiếp dâm tập thể và sát hại một nữ sinh viên 23 tuổi hồi tháng 12 năm ngoái.

Trái ngược với bản cáo trạng dài tới 237 trang cách đây vài ngày, bản phán quyết mà thẩm phán Yogesh Khanna đọc tại tòa chỉ dài đúng một đoạn, trong đó viết: “Ngày nay khi tội phạm chống lại phụ nữ đang gia tăng, tòa án không thể ngoảnh mặt làm ngơ.”

Ấn Độ: Sẽ treo cổ 4 kẻ hiếp dâm trên xe buýt - 1

Người dân chờ nghe phán quyết của tòa bên ngoài phòng xử án

Nạn nhân trong vụ hiếp dâm tập thể và tra tấn kinh hoàng gây chấn động dư luận Ấn Độ này đã qua đời 2 tuần sau vụ tấn công vì những tổn thương nghiêm trọng bên trong. Bốn bị cáo lãnh án tử hình này nằm trong số 6 hung thủ đã gây ra vụ tấn công.

Bị cáo thứ năm được cho là đã tự sát ở trong buồng giam, mặc dù gia đình tên này cho rằng hắn bị sát hại. Còn bị cáo thứ sáu phạm tội ở tuổi vị thành niên nên chỉ phải chịu án 3 năm cải tạo, mức án cao nhất đối với trẻ vị thành niên, khiến dư luận Ấn Độ phải đặt ra vấn đề yêu cầu vị thành niên phải bị xét xử như người trưởng thành trong những vụ việc cực kỳ nghiêm trọng.

Vụ hiếp dâm tập thể này đã làm bùng lên những cuộc biểu tình hối thúc các chính trị gia và nhà chức trách hành động, và kết quả là những quy trình điều tra, xét xử được sửa đổi theo hướng nhanh chóng hơn, kèm theo đó là mức án nghiêm khắc hơn đối với tội phạm hiếp dâm tập thể và các loại tội phạm tình dục khác. Tuy nhiên điều luật sửa đổi này không được áp dụng trong vụ án này vì nó được thông qua sau khi xảy ra vụ tấn công.

Tòa án Tối cao Ấn Độ đã quy định án tử hình đối với những vụ việc “hiếm hoi nhất”, và đa phần các vụ việc nghiêm trọng đều chỉ phải chịu án chung thân. Mặc dù từ năm 2001 đến 2011, có 1455 tội phạm bị tuyên án tử hình ở Ấn Độ nhưng chỉ có 4 tử tù bị thi hành án trong suốt 18 năm qua.

Tuy nhiên trong vụ việc lần này phản ứng của dư luận xã hội là vô cùng gay gắt. Bên ngoài tòa án diễn ra vụ xét xử hôm thứ Sau, rất đông người biểu tình đã tụ tập kêu gọi tử hình sớm tất cả hung thủ của vụ hiếp dâm tập thể này, trong đó có cả hung thủ vị thành niên.

Những người biểu tình giơ cao khẩu hiệu: “Treo cổ bọn hiếp dâm. Hiếp dâm không phải là trò chơi của trẻ con, nên kẻ hiếp dâm không thể là trẻ em.” Một người biểu tình mặc áo phông trắng vẽ hình một nhân vật đẫm máu, giải thích rằng đó là một vị thần Hindu cấu xé linh hồn của những kẻ phạm tội.

Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, hiện Ấn Độ là một trong 58 quốc gia còn duy trì án tử hình trên thế giới, mặc dù nước này đưa ra rất ít thông tin về chính sách tử hình của mình. Năm 2007, Ấn Độ cho biết họ đã xử tử 52 người kể từ năm 1947, tuy nhiên các tổ chức hoạt động dân sự cho rằng con số này cao hơn rất nhiều.

Theo quy định luật pháp hiện hành ở Ấn Độ, người bị kết án tử hình sẽ bị treo cổ, và người thi hành án treo cổ phải là đàn ông trưởng thành cao hơn 1,62 mét. Khi chuẩn bị thi hành án treo cổ, người ta sẽ sử dụng bao cát nặng gấp rưỡi trọng lượng tử tội để đề phòng trường hợp dây treo cổ bị đứt. Chiều dài của dây treo cổ tùy thuộc vào trọng lượng tử tội, tử tội càng nặng thì dây treo cổ càng ngắn. Dây treo cổ sẽ được làm mềm bằng bơ, xà phòng hoặc vỏ chuối.

Một người dân tên là Pawan Kumar ở bang Uttar Pradesh tỏ ra rất hả hê với phán quyết này của tòa án. Ông nói: “Chúng xứng đáng bị treo cổ, và tôi sẽ rất vui nếu được trở thành người thi hành án treo cổ chúng. Tội ác này là không thể dung thứ được. Tôi đã nộp đơn xin làm người thi hành án treo cổ.”

Ông Kumar nói rằng ông hy vọng phán quyết này sẽ sớm được thi hành. Ông tuyên bố: “Nếu bọn chúng được sống, tôi sẽ cho là chính quyền tắc trách và pháp luật lỏng lẻo, điều đó đồng nghĩa với việc chính quyền không quan tâm đến cuộc sống của người dân.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo LATimes) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN