Hết lòng giúp trẻ vùng cao tới trường

“Gần một năm nay, nhờ có sự hỗ trợ của Báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN) và các nhà tài trợ, học sinh của trường đã có bữa trưa đầy đủ chất, với cá, thịt... Nhờ có những bữa trưa đó đã níu chân các em đến trường đầy đủ hơn” – cô giáo Ong Thị Hiên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học San Sả Hồ 2 (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cho biết.

Bữa cơm đã có cá, thịt

Là một trong những báo thực hiện Quyết định 2472 của Thủ tướng Chính phủ (cấp phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn), Báo NTNN không chỉ phản ánh những thông tin về đồng bào các dân tộc mà còn chung tay tổ chức các chương trình từ thiện hướng tới bà con nói chúng, trẻ em và học sinh vùng cao nói riêng.

Hết lòng giúp trẻ vùng cao tới trường - 1

Bữa cơm trưa của các em Trường Tiểu học San Sả Hồ 2 đều đặn có cá, có thịt.  

Chương trình “Bữa cơm có cá, có thịt” được triển khai đúng vào kỳ đói giáp hạt năm 2014 ở xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai). Vào mùa này, ở nhà các em chẳng có gì ăn, đến cơm cũng phải độn thêm sắn, thức ăn chỉ là ít muối chấm với măng rừng. Cô giáo Ong Thị Hiện – Hiệu trưởng Trường Tiểu học San Sả Hồ 2 cho biết: “Điểm trường này có 310 em học sinh, hầu hết vào thời gian này trong năm các em mỗi ngày chỉ được ăn 2 bữa sáng và tối, còn bữa trưa ở lại trường thì nhịn đói. Có em được bố mẹ cho mang theo cặp lồng, mở ra trong chỉ thấy gói mì tôm đã trương phồng lên, hoặc lèn đầy cơm đã nguội, cứng ngắc không có tí thức ăn nào. Do đói nên cứ học xong buổi sáng, nhiều em cứ thơ thẩn đi kiếm cái ăn, thành ra lại lên lớp muộn”.

 Trước hoàn cảnh đó, Báo NTNN và một số nhà hảo tâm đã bắt tay vào xây dựng 4 bếp ăn trưa cho 4 điểm trường và hỗ trợ bữa trưa có cá, có thịt cho các em đến hết cả năm học. Em Sùng Thị Di - học sinh lớp 4 kể: “Từ ngày có thêm bữa trưa, em thích đến trường hơn, không còn phải lo đói và cơm ở trường ngon hơn ở nhà rất nhiều. Mỗi ngày em còn địu thêm em cùng đến lớp để cho em cũng được ăn bữa cơm ngon như thế này”.

Hai anh em Thào A Sàng và Thào A Dờ có hoàn cảnh rất khó khăn, bố đi tù, mẹ bỏ đi, hai em sống với bác. “Ở với bác tuy khó khăn nhưng bác đều cho chúng em đến trường. Nhà đông anh em nên chúng em chẳng mấy khi được ăn thịt, cá. Đây cũng là động lực để giúp em gắn bó thêm với trường lớp, không biết em có thể cố gắng học tới lớp mấy nhưng em rất thích đi học” – em Dờ tâm sự.

Xe đạp cho em tới trường

Cũng trong chương trình hướng tới vùng cao, trong năm qua, Báo NTNN và các nhà tài trợ đã trao 40 chiếc xe đạp cùng nhiều sách vở, đồ dùng học tập, quần áo cho các em học sinh ở hai trường trung học cơ sở xã Nậm Nèn và Pa Ham của huyện Mường Chà (Điện Biên).

Hết lòng giúp trẻ vùng cao tới trường - 2

Bé Sùng Thị Di (trái) với bữa ăn trưa miễn phí tại trường. (Ảnh: L.S)

Nậm Nèn và Pa Ham là hai xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Chà, chủ yếu là người DTTS với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%. Bố mẹ các em chủ yếu làm nông nghiệp, một năm đói đứt bữa mất mấy tháng nên chuyện mua xe đạp cho các em tới trường chỉ là ước mơ. Cùng đi nhận xe đạp với con gái, anh Vàng Chừ Ly - phụ huynh của em Vàng Thị Số, ở bản Huổi Bon 2, xã Pa Ham, không giấu được sự vui mừng. “Nhà tôi đông con, hai vợ chồng làm lụng cũng chẳng đủ để nuôi các con, chứ nói gì mua xe đạp. May sao, chúng nó đi học được Nhà nước và các nhà hảo tâm hỗ trợ nên cũng đỡ nhiều. Nhà cách trường khá xa nên cứ sáng ra, mấy đứa lục tục dậy thật sớm để đi bộ tới trường cho đúng giờ. Mỗi ngày cũng phải mất hơn một tiếng mới đến được trường. Giờ có xe đạp rồi, đường đến trường sẽ được rút ngắn lại, các cháu sẽ càng yên tâm học tập hơn” – anh Ly chia sẻ.

Em Vàng Thị Sô - học sinh lớp 2, Trường Dân tộc bán trú Tiểu học Mường Anh, xã Pa Ham kể: “Nhà em nghèo lắm, bố mẹ không có tiền mua xe. Hàng ngày, em đều đi bộ từ bản Phiêng Đất cách trường hơn 3km mất hơn 30 phút. Được tặng xe em vui lắm, em hứa sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng các cô chú đã giúp đỡ. Chiếc xe giờ đã trở thành tài sản lớn nhất của em”.

Trong năm mới 2015, Báo NTNN sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà tài trợ triển khai nhiều chương trình nhân văn hướng tới người nghèo, trẻ em DTTS ở vùng cao, hy vọng chia sẻ bớt những khó khăn, nhọc nhằn của đồng bào. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo San nguyễn ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN