Tỏa sáng Blouse trắng

Lần đầu tiên tại Đà Nẵng, cũng là nơi duy nhất cả nước xét tặng giải “Tỏa sáng Blouse trắng” nhằm tôn vinh những người có thành tích tốt trong ngành Y tế.

Họ là những bác sĩ tận tâm với công việc, không ít lần phải cân não trước quyết định mang tính chất sống còn với bệnh nhân. Họ cũng có thể là người dọn phòng, thay đồ, tắm rửa và trò chuyện với bệnh nhân... Bền bỉ bao ngày, những cống hiến thầm lặng của họ cuối cùng được ghi nhận bằng giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng”.

Từ gần 5 ngàn người đang làm việc tại bệnh viện các tuyến, các Trung tâm y tế, có 20 tấm gương tiêu biểu đã được lựa chọn trao giải đúng vào ngày 27/2 này.

“Tôi chưa từng nghĩ...”

32 năm làm hộ lý tại khoa Tiết niệu-lồng ngực (BV Đà Nẵng) chị Nguyễn Thị Tuyết chưa bao giờ nghĩ về một giải thưởng của ngành Y tế mà mình sẽ nhận được. Vì vậy, trong những ngày cuối cùng còn làm việc tại BV trước khi về hưu, chị bất ngờ nhận được vinh dự này, lòng nghẹn ngào không tả xiết. Chị Tuyết tâm sự, công việc của mình là vận chuyển, chăm sóc, vệ sinh cho bệnh nhân. Một công việc không phải nặng nhọc nhưng đòi hỏi cái tâm. Ai nghĩ rằng vào viện cứ phải là bác sĩ cứu người thì mới là trọng, nhưng chính những nhân viên như chị Tuyết, bằng trách nhiệm, tấm lòng của mình tận tụy với bệnh nhân, chia sẻ với họ những lúc đau đớn, đã góp phần không nhỏ để họ mau bình phục. Luôn xem công việc phục vụ bệnh nhân là nhiệm vụ cao cả nên chị Tuyết không nề hà việc khó. Đặc biệt với những bệnh nhân không có người thân, sự chăm sóc của chị càng tận tình hơn, từ việc vệ sinh cá nhân, lấy cơm, nước uống hằng ngày.

Chị luôn nghĩ, sự phục vụ của mình đem lại niềm an ủi, giúp họ vượt qua đau đớn..., như vậy đã là giải thưởng lớn rồi, chứ chưa bao giờ nghĩ mình được giải “chính thống” thế này. 32 năm, có hàng ngàn, thậm chí nhiều hơn nữa bệnh nhân nằm viện được chị chăm sóc. Chị bảo đã gặp nhiều phận người quá thương tâm. Như chuyện một bệnh nhân lớn tuổi ở Quảng Nam bị sỏi thận vào ra bệnh viện nhiều lần nhưng không có người thân chăm sóc. Chị xúc động đến muốn khóc khi biết được hoàn cảnh của bệnh nhân này. Hay một bệnh nhân ở Quảng Trị bị tai nạn chấn thương sọ não, không có người thân, chị lại đóng vai trò người nhà lo toan chu đáo tất cả. 15 ngày sau bệnh nhân tỉnh lại, lòng chị mừng vui không tả.

Ở Khoa Ngoại bỏng tạo hình (BV Đà Nẵng) ai cũng dành nhiều thiện cảm cho điều dưỡng Lê Thị Ba (1970). Chăm sóc bệnh nhân bị bỏng nặng chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Ngoài chuyên môn, kinh nghiệm, nhiệt huyết, cái cần nhất vẫn là tình thương. Bệnh nhân bỏng vô cùng đau đớn, một việc nhỏ như thay áo, vệ sinh... mà làm chỉ vì trách nhiệm, bằng sự vô cảm, người bệnh không chỉ đau thể xác mà còn đau về tinh thần và sẽ rất lâu hồi phục. Chị Ba nói, khi mới vào nghề, tiếp xúc những ca bỏng nặng, biến dạng, chị bị ám ảnh, đêm về còn nằm mơ. Nhưng dần thành quen, nhất là khi mình hiểu được nỗi đau khổ của bệnh nhân, mở lòng ra chia sẻ để dìu họ vượt qua khó khăn.

Tỏa sáng Blouse trắng - 1

Chị Ba đút từng miếng cơm cho bệnh nhân bỏng

Với chị Nguyễn Thị Thanh, nhân viên phục vụ Khoa Người cao tuổi (BV Điều dưỡng- Phục hồi chức năng) mỗi ngày chăm sóc 25 giường bệnh, bên cạnh việc giặt là, vệ sinh phòng, buồng chị còn thường xuyên giúp đỡ bệnh nhân thay y phục, khăn trải giường, giúp vệ sinh thân thể cho bệnh nhân nặng, liệt tứ chi... Tuy nhiên, chưa một lần chị tỏ ra gắt gỏng, bực dọc. Chính điều đó khiến người bệnh thấy nhẹ lòng, thêm yêu mến và phối hợp tốt cùng chị trong điều trị. Khi biết mình được nhận giải thưởng, chị khá bất ngờ, dường như không tin nổi.

Sáng như màu áo

Trong số những tấm gương tiêu biểu được TP vinh danh lần này, có thể kể đến tấm gương BS trẻ Trần Đạt (BV Đà Nẵng) tiên phong trong việc áp dụng kỹ thuật mới, hiệu quả cao; nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thương Thương (BV Phụ sản Nhi) tự nguyện hiến máu cứu sống bệnh nhân; điều dưỡng Phạm Thị Dạ Thảo (BV Phụ sản Nhi) tận tình chăm sóc bệnh nhân, tự nguyện làm cả ngày nghỉ, ngày lễ khi bệnh dịch bùng phát; nhân viên X-Quang Đinh Quang Thành (BV Mắt) ba lần hiến máu, có sáng kiến trong chuyên môn tiết kiệm cho Nhà nước mỗi năm 36 triệu đồng...

Mỗi người một công việc nhưng trên hết ở họ là sự cống hiến tận tụy, tỏa sáng tài năng, đức độ trong hành nghề và đối xử với người bệnh. Hãy nghe tâm sự của y sĩ Bùi Ngọc Chương làm việc ở một nơi khá nhạy cảm- Trung tâm phòng chống HIV/AIDS: “Tôi đã tới từng điểm nóng, gặp trực tiếp bệnh nhân HIV để tuyên truyền dùng Methadone. Sự chân thành của tôi được họ tin tưởng, từ chỗ chỉ có 20 bệnh nhân dùng Methadone điều trị thì nay đã có 235 bệnh nhân đăng ký.

Đáng mừng nữa là tỷ lệ tội phạm và trộm cắp trong nhóm nghiện chích ma túy tham gia điều trị Methadone đã giảm hơn 80%; 100% bệnh nhân nghiện ma túy dùng Methadone không có người bị nhiễm mới. Ở đây, có những tấm gương ngoài sự tận tâm còn dám đối mặt cả với nguy hiểm. Và việc vinh danh họ, ngoài sự ghi nhận còn mang ý nghĩa động viên lớn lao”. Nói như BS Phạm Hùng Chiến, GĐ Sở Y tế, giải thưởng này ngoài giá trị tiền thưởng gấp 5 lần tháng lương của họ, nhưng lớn hơn là ý nghĩa tinh thần, biểu dương những con người hết lòng vì bệnh nhân. Đây sẽ là cú hích trong toàn ngành để hướng tới mục tiêu đáp ứng hơn 90% sự hài lòng của bệnh nhân khi tới BV mà ngành Y tế đặt ra trong năm nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Hậu (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN