"Thủy chiến" với sa tặc
Đã gần nửa đêm một ngày đầu tháng 7-2013, tôi nhận được điện thoại của Trung tá Phan Xuân Củng, Đội trưởng Đội CSĐTTPVKT-CV&MT CAQ Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng): "Chuẩn bị phương tiện, càng gọn nhẹ càng tốt. Đúng 23 giờ có mặt tại đầu cầu mới giáp ranh giữa Q.Ngũ Hành Sơn và Q. Cẩm Lệ"... Quá quen với những cú "phôn" bất thường tự, nhưng lần này tôi cũng bất ngờ khi biết mình được mời tham gia... "thủy chiến" chứ không như thường lệ.
23 giờ, đầu cầu Hòa Quý bắc qua sông Cổ Cò đang trong quá trình xây dựng ngổn ngang. Gió từ sông thổi lên mát lạnh kèm theo tiếng nổ phành phạch của các thuyền máy. Đón tôi là anh Đặng Phước Đề, Ban bảo vệ Dân phố P. Hòa Xuân. Đề bảo tôi tắt đèn xe máy, cùng anh men theo con đường đất ngoằn ngoèo dẫn vào một khu dân cư đã giải tỏa. Gửi xe tại chòi canh rớ cá của một ngư dân ở khu vực Trung Lương, tôi xuống thuyền cùng anh Đề ra điểm tập kết là một bè nuôi cá lồng khá lớn nằm giữa sông Cẩm Lệ. Thi thoảng, từng tiếng "oạp, oạp" do bờ lở xuống nước tạo nên. Đề ghé tai tôi nói nhỏ: "Sa tặc rất cảnh giác, từ dưới sông có thể quan sát mọi nhất cử nhất động trên bờ, chỉ cần phát hiện có dấu hiệu nghi vấn là chúng sẽ thu vòi rồng, rút đi nơi khác ngay".
23 giờ 30, tại điểm tập kết, Trung tá Phan Xuân Củng cùng 4 CBCS đội CSĐTTPV KT-CV&MT là Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Hải Trung và Bùi Chí Thuận cùng "hoa tiêu" Đặng Phước Đề cũng đã tề tựu đông đủ, thì thào thảo luận kế hoạch mật phục giám sát, bắt quả tang các ghe khai thác cát trái phép. Theo kế hoạch, đúng 1 giờ, toàn lực lượng sẽ chia làm 2 tổ, một sử dụng ghe nhỏ hóa trang thành ghe của ngư dân đi hành nghề để trinh sát dọc theo tuyến sông Cẩm Lệ, Cổ Cò và Vĩnh Điện, một mai phục trên bờ, khi dưới nước phát hiện mục tiêu sẽ liên lạc qua ĐTDĐ để hợp đồng tác chiến, cùng áp tới bắt quả tang.
Nồi cháo lót lòng trước giờ xuất kích
1 giờ. Xuất phát. Tôi được bố trí theo tổ dưới nước. Các chiến sĩ CAQ Cẩm Lệ mang theo công cụ hỗ trợ, mặc áo phao, tất cả nằm sát lòng thuyền, chỉ mỗi "hoa tiêu" Đặng Phước Đề và người điều khiển ghe tên Tùng, kẻ mũi, người lái đưa ghe đến những "tọa độ" đã định từ trước. Chiếc ghe nhỏ "cõng" tới 8 người, nước mấp mé mép be khiến tôi không khỏi rùng mình liên tưởng đến lần bị chìm ghe giữa sông Túy Loan (xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang) trong lúc truy đuổi sa tặc năm 2004. Hồi đó may là sông Túy Loan không rộng, với lại tôi cũng được trang bị kỹ năng bơi lội nên không hề hấn gì. Nhưng lần này, sông Cẩm Lệ mênh mông, phương tiện máy móc lại lỉnh kỉnh... Thoáng nhận ra vẻ âu lo của tôi, Đề trấn an: "Yên tâm, anh em đều rành sông nước".
Trời đã chuyển dần về sáng, mặt sông mênh mông nước là nước. Đây là thời khắc hành nghề lý tưởng nhất của bà con ngư dân P.Hòa Xuân. Dọc hai bên bờ lấp lánh ánh đèn pin của ghe đi soi cua và tiếng kẽo kịt của những chiếc rớ kéo cá. Giữa dòng, những chiếc thuyền nan lao vun vút, số thì thả nước bắt cá Vượt, cá Hanh, cá Cồi, số thì thả lồng bắt ghe, cua..., tiếng mái dầm đuổi cá vang vọng cả một khúc sông rộng. May quá, thuyền chúng tôi hòa vào khung cảnh ấy nên trong suốt quá trình di chuyển tuyệt đối giữ được bí mật.
2 giờ, thuyền di chuyển về khu vực tuyến sông Vĩnh Điện thuộc địa bàn tổ 15 (P. Hòa Xuân). Thông tin trinh sát nắm được, những đêm trước đó, tầm từ 1 đến 4 giờ, có nhiều tàu lớn đến đây hút cát. Đề cho ghe di chuyển vào sát mép sông, chọn vị trí thuận lợi cắm sào mai phục. Thời khắc chậm chạp trôi đi, đúng 3 giờ, một tàu sắt có tải trọng tới 50m3 cát di chuyển từ hướng cầu Nguyễn Tri Phương đến hút cát.
Bắt giữ 2 tàu khai thác cát trái phép trên sông Cẩm Lệ
Đã xác định được mục tiêu, tổ dưới nước báo tin cho lực lượng trên bờ chuẩn bị. Để đối tượng vi phạm tâm phục, khẩu phục thừa nhận hành vi khai thác cát trái phép, chúng tôi quyết định chờ tàu hút cát từ dưới sông lên mới áp đến bắt quả tang. Đúng 4 giờ, Đề sử dụng mái chèo nhẹ nhàng điều khiển ghe áp sát, phát hiện tàu đang sục vòi rồng vào bờ hút cát. Do mải mê làm việc nên 2 đối tượng trên tàu không hề phát hiện. Đến khi lực lượng truy quét từ trên bờ do đại úy Trương Thị Vân Oanh (Đội Phó đội CSĐTTPV KT-CV-MT) áp tới và dưới sông áp lên, quá bất ngờ, tàu vi phạm hết đường, ngoan ngoãn ký vào biên bản vi phạm quả tang. Lúc này Trung tá Củng mới thở phào: "Lần này thì hết chối nhé...".
Trong biên bản vi phạm hành chính thể hiện: 4 giờ ngày 8/7, tại khu vực tuyến sông Vĩnh Điện thuộc địa bàn tổ 15, P. Hòa Xuân, CAQ Cẩm Lệ phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Thị Chi (1970) và Nguyễn Dung (1979) cùng trú Q.Sơn Trà (Đà Nẵng) sử dụng tàu sắt không số hiệu và một số dụng cụ như ống hút, máy hút khai thác cát.
Qua kiểm tra, Chi và Dung không xuất trình được giấy phép khai thác tại khu vực này. Cả hai thừa nhận, rạng sáng 8/7, Chi cùng em ruột là Dung điều khiển tàu sắt xuất phát từ cầu Nguyễn Tri Phương đến khu vực ao tôm neo đậu để hút cát từ sông lên tàu chở đi bán đề-pô một người tên Thành với giá 20.000 đồng/m3. Đến khoảng 4 giờ cùng ngày, trong lúc hút được chừng 10m3 thì bị phát hiện bắt quả tang. Chi khai thêm, tàu này được Chi mua lại của người quen tên Nguyễn Lẹ, có số hiệu ĐNa 0376, trong quá trình sơn sửa bị mờ số hiệu...