Thiêng liêng cột mốc biên cương

Lần đầu tiên đứng bên cột mốc T2 ấy, tôi có một cảm giác rất lạ không thể cắt nghĩa được. Chỉ biết nó rất đỗi thiêng liêng...

Còn nhớ, khi vừa bước chân vào nghề báo, biên giới đầu tiên tôi được đặt chân đến là cột mốc biên giới T2 nằm ở H. Hiên (nay là Tây Giang, Quảng Nam). Sau một ngày đường băng rừng, vượt suối, đôi chân như tê cứng, muốn ngã quỵ vì không còn sức, cuối cùng tôi cùng nữ đồng nghiệp Kim Hoa cũng đặt chân đến Đồn biên phòng 645. Phải dùng hết 2 chai dầu để làm nóng đôi chân, sáng hôm sau, chúng tôi mới có thể theo chân các chiến sĩ biên phòng lên thăm cột mốc biên cương của Tổ quốc.

Lần đầu tiên đứng bên cột mốc T2 ấy, tôi có một cảm giác rất lạ không thể cắt nghĩa được. Chỉ biết nó rất đỗi thiêng liêng. Cùng với CBCS Đồn BP 645 làm lễ chào cờ Tổ quốc bên chân cột mốc biên cương và rồi nghe các anh tâm sự về công việc thường ngày hướng dẫn bà con làm kinh tế, tuần tra bảo vệ an ninh biên giới, tôi cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết cái ý nghĩa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như trọng trách nặng nề mà các anh đang gánh vác. Chỉ có hai đêm, 3 ngày ở biên giới mà đã thấy nhớ nhà, nhớ đồng bằng, bè bạn, nhớ phố xá đông vui, cảm nhận sâu sắc về cái vắng đến não lòng nơi biên cương xa xôi. Vậy mà, có những người lính biên phòng gắn bó suốt đời quân ngũ trên tuyến đầu ấy. Chợt thấy câu hỏi “có buồn, nhớ nhà không?” của mình sao vô duyên đến lạ!

Thiêng liêng cột mốc biên cương - 1

Bộ đội biên phòng Đồn 645 tuần tra biên giới, bảo vệ cột mốc. Ảnh: P.T

Từ chuyến đi đầu tiên lên biên giới vào năm 1997 ấy, về sau, mỗi lần thực hiện một chuyến công tác xa đến tỉnh bạn, bao giờ tôi cũng cố gắng sắp xếp cho mình một chuyến đi công tác lên biên giới. Chẳng biết lý giải vì sao. Chỉ biết, từ những chuyến đi lên biên giới ấy, tôi lại thấy trân trọng hơn cuộc sống hiện có, thấy quý trọng công việc thầm lặng của CBCS canh giữ vùng đất biên cương của Tổ quốc thân yêu, thấm nhuần hơn lòng yêu nước, cảm thông và sẻ chia hơn với “hậu phương” của những người chiến sĩ trong thời bình, thấy mình thật may mắn khi được sống trong hòa bình độc lập. Để từ đó, trong tôi càng bồi đắp ý nghĩa thiêng liêng của những cột mốc nơi biên cương.

Nhớ lần cũng cùng nữ đồng nghiệp Kim Hoa, chiến sĩ biên phòng Hải ở Trạm Biên phòng Mò Ó thuộc Đồn BP 585 vượt qua những cánh rừng rợp mát bóng cây để đến với đồng bào Rục, lắng nghe chim chóc hót giữa không gian yên ắng của những cánh rừng già, nín thở khi đi qua những cây cầu khỉ, rồi cười bâng quơ một mình khi dẫm chân trên lối chân của người đi trước... tôi rưng rưng hiểu vì sao lại có câu hát: “... có anh chiến sĩ đi qua khu rừng vắng/ anh cười một mình và cất tiếng hát vang...”. Chợt thấy yêu sao, thương sao đời người chiến sĩ biên phòng.

Đêm hôm đó, giữa đại ngàn Trường Sơn, không ai ngủ được. Chuyện trò đến gần 3 giờ sáng, 2 chị em mệt quá thiếp đi. Khi tỉnh dậy, bước xuống gian bếp rửa mặt đã thấy 2 chiến sĩ biên phòng Chiến, Hải buồn rười rượi bên nồi canh mì tôm với rau rừng. Hỏi chuyện, mới biết các anh vừa để sổng mất con gà được dân bản biếu cho Trạm để đãi khách quý. Các anh nhốt chặt con gà trong chiếc lồng tre, định bụng sáng ra làm thịt đãi khách, lóng ngóng thế nào lại để sổng mất, tìm khắp cả cánh rừng vẫn không thấy tăm hơi...

Nhớ mãi lần quay lại Trạm Biên phòng Mò Ó năm 2002, gặp lại anh Hải, mừng như gặp lại bạn quý lâu ngày. Bữa cơm đạm bạc có món canh được cánh lính trẻ tiếu lâm đặt cho cái tên đầy hoa mỹ “Canh tình yêu” khiến tôi và cô bạn công tác tại CAH Minh Hóa tò mò mong đến giờ ăn để được thưởng thức. Hóa ra, đó là món canh nấu từ mì tôm với rau dớn. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng ra chiều thất vọng, cánh lính trẻ kéo tay lôi ra giữa rừng chỉ vào những đọt rau dớn quấn quít bên nhau: “Nhà báo nhìn thấy có giống như là những cánh môi hôn không nào?”. Bưng bát canh mà lòng không khỏi bồi hồi, rưng rưng, cảm thông sao người lính biên phòng nơi biên cương thiếu thốn trăm bề...

Thiêng liêng cột mốc biên cương - 2

Tác gia (áo ca rô) cùng CBCS Biên phòng đồn 645 và đoàn công tác tại cột mốc T2 năm 2008

Đã bước vào tháng 3- tháng có ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng- chợt bâng khuâng nhớ về những cột mốc, nhớ những người lính đang canh giữ biên cương mà mình đã từng gặp. Với bài viết nhỏ này, xin được tri ân với những hy sinh, vất vả, nhọc nhằn mà các anh đã, đang phải đối mặt hằng ngày, cùng bà con các dân tộc chăm lo sản xuất, bảo vệ biên cương của Tổ quốc thân yêu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo P.Thủy (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN