"Thạch địa trận": Lạnh gáy với những "người canh sấm"

Gọi các mỏ đá là trận địa bởi vì khi đơn lẻ, lúc liên thanh, hàng tấn thuốc nổ thay nhau công phá từng vách núi. Nhiều lúc chúng tôi hồn phách lên mây vì tránh vị trí nổ mìn của mỏ này lại rơi vào gần “ổ phục kích” của mỏ khác. Tận mắt chứng kiến ê-kíp nổ mìn tại các mỏ làm việc, chúng tôi ví họ như những “người canh sấm”.

11 giờ, chúng tôi vào phần mở rộng của mỏ đá Hòa Sơn đúng lúc ê-kíp nổ mìn đang chuẩn bị vào vị trí. Biết chúng tôi là phóng viên, ông chủ của mỏ đá chạy tới và bắt buộc chúng tôi ra ngoài phạm vi bán kính 400m tính từ vị trí đặt thuốc nổ. “Cho bọn em đi theo các anh ngồi quan sát được không?” - chúng tôi nài nỉ, thì vị này cự tuyệt: “Không được, đây là quy định an toàn của các mỏ đá”.

"Thạch địa trận": Lạnh gáy với những "người canh sấm" - 1

Người phụ trách kích nổ được phu đá gọi là “người gọi sấm”

Chúng tôi quay xe ra về nhưng thực chất là vào một nhà kho gần đó, nơi có rất nhiều công nhân của mỏ đá khác đang chuẩn bị ăn trưa. Theo ước tính, từ đây đến mũi khoan đặt thuốc nổ chỉ khoảng 100m mà thôi. Anh Trần Phước - công nhân của Cty Phú Mỹ Hòa phụ trách việc báo hiệu nổ mìn và ngăn không cho người dân vào khu vực dọa chúng tôi là phải tránh thật xa chứ không là “đá bay nhanh lắm, tránh không kịp đâu”. Chúng tôi núp trong nhà kho mà choáng với lời cảnh báo của anh. Đầu đội mũ vải, đứng giữa khoảng trống cách ụ mìn mấy chục mét, tay cầm cờ, anh hét lớn: “M... ì... n... đ... â... y... y... y!”. Tiếng hét đập vào vách núi vọng lại nghe rợn người, nhưng mìn vẫn chưa nổ. Ở phía khác, cũng có thêm một người nữa làm việc như anh, chắc là cũng trong tư thế tương tự. Phía ngoài đường, thỉnh thoảng lại có vài chiếc xe chở đá chạy qua, không hết, vài chiếc xe máy của người dân vẫn xé bụi đi lại. Thực tế này khác với thông báo trước đó là “đã có vành đai an toàn, bảo vệ và không cho người dân đi lại trong khu vực”.

"Thạch địa trận": Lạnh gáy với những "người canh sấm" - 2

Trong khi đó, người báo hiệu và làm vành đai an toàn thì đầu đội mũ vải, đứng giữa đất trống. Bãi mìn chỉ cách vị trí này mấy chục mét

Sau tiếng rầm xé núi, hàng trăm khối đá rơi ầm ầm, một quả cầu bụi khổng lồ từ từ lan tỏa trong không trung. Anh Phương thủng thẳng xếp cờ báo hiệu rồi đi bộ về lán.

Nếu người báo hiệu mìn “hiên ngang” đứng giữa đất trời khi quả mìn được kích nổ thì người châm ngòi lại núp trong một hầm tránh được làm rất sơ sài. Bộ kích nổ được đeo trên ngực, một cuộn dây nối từ điểm nhồi thuốc đến hầm tránh, ông Phan Tới (công nhân Cty Phú Mỹ Hòa) khom mình chui vào ụ đất để thực hiện những thao tác thường ngày. Một cú quẹt dây, dòng điện được truyền đi và chỉ trong nháy mắt, tiếng nổ long trời lở đất vang lên. Một điều lạ là dù có phương châm “an toàn là số 1, sản xuất là số 2” nhưng nhìn vào 2 chiếc hầm tránh mìn bên cạnh hố đá sâu hoắm, chúng tôi không khỏi lạnh người. Ở gần lán trại, một chiếc “hầm lộ thiên” được dựng lên bởi 2 phuy đựng dầu cùng với một vài bao tải đựng đất và mấy chiếc lốp ô-tô hỏng. Cách đó một quãng, chiếc hầm khác được đắp sơ sài mà nhìn qua có vẻ như nó chưa bao giờ được dùng đến. Nếu theo lời cảnh báo của chủ mỏ đá và các thợ mìn là phải tránh xa 300-400m, thì rõ ràng những chiếc hầm này sẽ không thể là nơi trú ẩn an toàn cho sức công phá của hàng trăm, thậm chí là cả nghìn ký thuốc nổ.

"Thạch địa trận": Lạnh gáy với những "người canh sấm" - 3

“Người gọi sấm” chuẩn bị kích nổ mìn

“Thời gian đầu tui cũng run lắm, có khi run không đấu được điện kích nổ. Nhưng giờ quen rồi, chẳng có gì khó khăn cả” - anh Phan Tới, người có 8 năm làm thợ mìn cho biết. Theo công nhân làm đá, bây giờ họ hầu như lãnh cảm với tiếng mìn. Phương án nổ mìn của các mỏ thường là lúc 11 đến 12 giờ hoặc 17 giờ đến 18 giờ hằng ngày. Và đến những thời điểm đó, mìn thay nhau nổ ở các mỏ đá hệt như trên trận địa. Có nhiều nơi, vị trí nổ mìn của mỏ này cách xa lán trại của mình nhưng lại giáp với nơi ăn ở của thợ các mỏ khác. Khi tiếng “mìn đây” vang lên xen giữa một khoảng thời gian im lặng đến ghê người thì công nhân của các mỏ lân cận vẫn đi lại, làm việc bình thường mà không nhận được bất kỳ một lời nhắc nhở nào (?). Trong lúc tìm hiểu để viết loạt bài này, chúng tôi được biết rằng, phương pháp nổ mìn của hầu hết các mỏ đá ở Đà Nẵng giống hệt cách mà công nhân ở mỏ đá ở H. Thủy Nguyên, Hải Phòng áp dụng dẫn đến sự cố 6 người chết, 4 người bị thương khi đang rải dây mìn. Nghĩa là trong thời điểm gắn kíp nổ, chuẩn bị dây điện mà bất ngờ có giông sét thì thảm họa có thể đến bất cứ lúc nào.

Anh Hoàng Minh Lâm (trú tổ 53, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu), giờ là là một phế nhân, gia đình anh có được miếng cơm manh áo cũng từ mỏ đá mà đi đến những kết cục bi thảm cũng từ mỏ đá. Trước đây, anh là một thợ mìn được coi là có “đẳng cấp” tại Phước Lý. Nhưng cũng vì lành nghề mà anh lại mang họa vào thân. Một lần, sau khi châm kíp, anh phát hiện ra tiếng nổ có vẻ nhỏ hơn bình thường, lượng đá bị phá vỡ cũng ít hơn dự kiến. “Nghe tiếng nổ, tui biết vẫn còn thuốc trong mũi khoan. Vậy là chủ mỏ bảo tui và anh em phải lấy bằng hết số thuốc đó, vừa để an toàn, vừa tận dụng lại. Ai ngờ khi đục đến phần thuốc dư, nó phát nổ xé tan gần nửa bàn tay. Giờ tui đâu còn khả năng lao động” - anh Lâm vừa kể vừa đưa bàn tay tàn phế lên cho chúng tôi xem.

Hầu hết phu đá đều làm việc “kiêm nhiệm”. Họ vừa có thể khoan đá, nhồi thuốc, châm kíp nổ, phá đá lại vừa làm nốt công việc bảo vệ vành đai khi kích nổ. “Nói thật với anh, khi lãnh đạo bắt buộc thì mình làm đúng quy trình. Chứ bình thường, người đâu mà làm cho hết. Cũng chín, mười rứa thôi, nếu kéo dây điện đi hàng nửa cây số, huy động hết người mà đi lập vành đai cảnh báo thì lấy đâu cho đủ. Mà đá rơi thế thôi, chứ khi mô bay tới mình được” - một anh phu đá ở thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang nói tỉnh bơ.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo C.K H.T (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN