Ô nhiễm: Trốn đâu cho thoát… tiếng ồn!

Karaoke của hàng xóm; tiếng máy mài, máy tiện của cơ sở sản xuất cơ khí, xưởng mộc, đá thủ công mỹ nghệ, đá granite; tiếng nhạc đinh tai nhức óc từ bộ loa lớn của các cơ sở kinh doanh; tiếng loa rao bán hàng rong, nhạc kẹo kéo... Đó là những điều mà dù không muốn, người dân Đà thành cũng đành chấp nhận để nó lọt vào tai...

Vừa rời cơ quan, chúng tôi dạt qua phố thời trang nằm trên đường Lê Duẩn để nắm tình hình về tiếng ồn nơi đây. Dù đã có phần "hạ nhiệt" so với thời điểm cuối năm nhưng hiện tại tiếng nhạc miễn phí của nhiều quán cà-phê, cửa hàng thời trang trên tuyến đường này vẫn còn làm người dân phải... khổ. Để thu hút sự chú ý của người đi đường và khách hàng, từ sáng đến khuya nhiều cửa hàng thời trang không ngại bật máy công suất lớn phát ra những âm thanh quá sức chịu đựng... của tai người!

Vừa đến đầu đường Điện Biên Phủ, chúng tôi đã nghe âm thanh "thổ" thình thịch phát ra từ hai chiếc loa to tướng của một siêu thị một hướng về đường Điện Biên Phủ, một hướng đến đường Hải Phòng. Bám trụ chưa đầy 5 phút chúng tôi đã không thể chịu đựng nỗi nên đành tháo lui để tìm sự bình yên... Vậy nhưng, chưa kịp rẽ hết bùng binh Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, chúng tôi lại phải đón nhận một luồng âm thanh mới cũng không kém phần dữ dội được phát ra từ hai chiếc loa khác. Đang cố đứng chịu đựng tiếng nhạc quá cỡ thì chúng tôi bắt gặp một ông lão đã ngoài 70 tuổi đang lê bước đến.

Khi chúng tôi hỏi đã gần trưa sao bác không ở nhà nghỉ ngơi mà lại ra đường thì ông lão trả lời nhanh: "Nghỉ gì nỗi với hai bộ loa to tướng đó chứ. Đi tìm chỗ trốn nhưng cũng chưa biết trốn ở đâu cho được "an toàn"...". Nếu như siêu thị điện máy Chợ Lớn và Viettronimex đã có phần giảm âm lượng vì bị người dân phàn nàn thì siêu thị điện máy Thúy Mai (đường Nguyễn Hữu Thọ) lại phát huy tác dụng của những âm thanh mà chỉ có giới trẻ ham quán bar, vũ trường mới có thể thích thú. Do mới ra đời, để thu hút sự quan tâm của khách hàng, siêu thị này đã đặt hai chiếc loa to tướng ngay lối vào và cứ thi nhau "đập" không biết mệt mỏi... Bác Bảy, nhà gần siêu thị điện máy Thúy Mai than thở: "Từ lúc khai trương đến giờ, ngày nào chúng tôi cũng bị tiếng nhạc của siêu thị đó tra tấn cả. Ngày trước, tưởng mua được nhà ở mặt tiền đường là ngon lành lắm, ai hay bây giờ mới nhận ra chọn lựa ấy quá sai lầm".

Ô nhiễm: Trốn đâu cho thoát… tiếng ồn! - 1

Nhiều siêu thị sử dụng loa công suất lớn cứ liên tục "thổ" âm thanh gây khó chịu cho người dân

Nếu người dân tại tuyến đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Thọ rất bực bội khi được nghe nhạc "miễn phí" như vậy thì nhiều người sống ở tuyến đường Cách Mạng Tháng 8 (Q. Cẩm Lệ), Nguyễn Duy Trinh (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn)... và nhiều tuyến đường khác trong thành phố phải chấp nhận sống chung với tiếng máy cắt, máy mài của các cơ sở thủ công mỹ nghệ đá Non Nước, các cơ sở kinh doanh đá Granite, và các cơ sở gò hàn, làm cửa sắt...

Đứng trước Cty TNHH T.H (đường Cách Mạng Tháng 8) trong thời gian ngắn, chúng tôi đã liên tiếp bị tiếng máy mài, máy cắt chát chúa "dội" vào màng nhĩ. Mặc cho người dân khó chịu, những người thợ tại cơ sở này vẫn miệt mài làm công việc của mình. Theo hướng cầu Tuyên Sơn, chúng tôi tìm đến Chi nhánh Cty TNHH TM - XNK Đá hoa cương H.M (đường Cách Mạng Tháng 8). Dù đã đến giờ nghỉ trưa nhưng cánh thợ của cơ sở này vẫn hăng say cắt, mài và điều đó đồng nghĩa là người dân trong khu vực phải đón nhận những âm thanh "bất đắc dĩ"... Hiện tượng quá tải trên nhiều mặt tại làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã và đang diễn ra, nhất là ÔNMT do bụi đá, nước thải lẫn chất tẩy rửa, sơn và ô nhiễm tiếng ồn. Hằng ngày, nhất là vào những thời điểm nhiều đơn đặt hàng, người dân phải nghe tiếng rít của máy mài, máy cắt, tiếng búa đục...

Chúng tôi tìm đến đường Nguyễn Duy Trinh (Hòa Hải) để cảm nhận phần nào nỗi khổ của người dân khi phải sống trong bầu không khí bụi bay mù mịt và tiếng ồn liên tục tấn công. Ở một khu dân cư mà nhà dân chỉ cách nhau một bức tường thì việc xuất hiện một cơ sở gia công đá mỹ nghệ đã là sự tra tấn mà đằng này trên tuyến đường này lại có hàng chục cơ sở sản xuất cùng một lúc. Vì vậy, để hạn chế bị bụi và tiếng ồn tấn công, nhiều người phải đóng kín cửa nhà để tránh nhưng cũng không thể chịu nổi...

Một người dân có nhà ở đường Nguyễn Duy Trinh (Hòa Hải) tâm sự: "Có ở đây và nghe thấy những thứ ô nhiễm này mới hiểu được sức chịu đựng của chúng tôi. Là hàng xóm với nhau nên nói thì cũng khó mà im lặng thì mình chỉ có khổ toàn khổ. Đến mức những ngày cúp điện, tuy khổ vì nóng nhưng bù lại... đỡ ồn. Có làm đơn kiện thì người ta nghỉ làm được ít lâu rồi tiếp tục đâu lại vào đấy, ồn hơn, bụi hơn, khổ hơn...".

Ô nhiễm: Trốn đâu cho thoát… tiếng ồn! - 2

Tiếng ồn từ máy mài và máy cắt của cơ sở kinh doanh đá granite nằm trên đường CMT8 làm khổ người dân

Thay lời kết

Để tiến tới một "Thành phố môi trường" sạch đẹp, có nếp sống văn minh, không có lý do gì để tồn tại các cơ sở sản xuất gây ÔNMT, tiếng ồn nằm lẫn trong các khu dân cư. Công tác này không đơn thuần chỉ để bảo vệ sức khỏe, bảo đảm năng suất làm việc, học tập nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn thể hiện ý thức của người dân trong quá trình xây dựng thành phố ngày càng hiện đại, văn minh. Ngoài những biện pháp cưỡng chế được thể hiện trên văn bản luật đối với các nhà máy, xí nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh... ý thức của mỗi người là rất cần thiết.

Đi tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu "Thành phố môi trường", thời gian qua, Đà Nẵng đã giải quyết an toàn các vấn đề môi trường cấp bách như tình trạng ngập úng do mưa, thu gom và xử lý các loại chất thải, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên để hướng tới là một thành phố phát thải cacbon thấp...

Những nỗ lực của người dân, chính quyền và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đã giúp Đà Nẵng đạt được nhiều thành tựu trong bảo vệ môi trường. Với những kết quả đó, Đà Nẵng đã được ghi nhận bằng giải thưởng "Thành phố phát triển bền vững về môi trường ASEAN năm 2011". Tuy nhiên, để giữ vững được danh hiệu đó và phấn đấu đến năm 2020 trở thành "một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình, hấp dẫn và đáng sống" thì ngay từ bây giờ, ngoài việc tiến hành xóa bỏ triệt để những "điểm đen" về ÔNMT mà chúng tôi đã đăng tải trong loạt bài này thì các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân và du khách về bảo vệ môi trường... Đồng thời, dẹp ngay những "mầm mống" có nguy cơ gây ÔNMT cũng như có biện pháp phạt nặng đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi gây ÔNMT, thậm chí cả đối với người dân và du khách có hành vi vứt bao nilong, hộp nhựa, giấy vụn, tàn thuốc ngay tại các điểm du lịch, khu vui chơi và trên những tuyến đường của Đà thành...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T. Dũng - H. Táo (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN