"Nữ giám đốc" đài các và bản án 7 năm tù

Chẳng còn chút dấu ấn nào của “thời” làm “nữ giám đốc” với dáng vẻ đài các, ăn mặc sành điệu, đi đâu cũng có xe đưa rước, đứng trước vành móng ngựa trong phiên tòa ngày 20/4/2013 của TAND Q. Hải Châu, Đà Nẵng, bị cáo Ngô Thị Sen (1970) trở lại với nguyên bản của mình là một phụ nữ nông dân với nước da thô rám, bộ quần áo phạm nhân càng làm bị cáo trông khắc khổ, già nua hơn so với độ tuổi.

Tuy nhiên, qua việc biện minh cho tội lỗi của mình trước phiên tòa cho thấy bị cáo rất hoạt ngôn, xảo biện, chẳng trách những người bị hại rơi vào bẫy mà không biết.

Theo lời khai của Ngô Thị Sen tại phiên tòa thì bản thân bị cáo không biết chữ, đã có chồng và 3 con đang sống tại thôn 5, xã Thủy Phù, TX Hương Thủy, TT-Huế. Năm 2005, Sen đã từng bị TAND Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội xử phạt 8 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Lý giải về lần phạm tội này, Sen cho biết, hồi đó Sen ra Hà Nội mua hành, tỏi về Huế để bán lại và còn thiếu nợ của chủ hàng 600 ngàn đồng. Trong thời gian này, do con bị ốm nặng nên bị cáo không có điều kiện quay ra Hà Nội để mua hàng và trả nợ. Gần 1 năm sau, khi ra lại Hà Nội, Sen bị chủ hàng phát hiện và báo với CA bắt giữ. Mặc dù vụ án xét xử cách đây hơn 8 năm, Sen đã chấp hành xong hình phạt nhưng do bị cáo chưa thực hiện phần án phí hình sự, án phí dân sự và chưa bồi thường cho người bị hại nên đến nay chưa được xóa án tích.

Tháng 8/2012, Ngô Thị Sen vào Đà Nẵng trong vai một phụ nữ giàu có, thành đạt, đeo nhiều trang sức đắt tiền, thường xuyên lưu trú tại những khách sạn sang trọng, đi lại bằng ô-tô, vì thế đã tạo được sự ngưỡng mộ đối với nhiều người, nhất là những người bán hàng ở gần các khách sạn mà Sen thường đến ở, và đó cũng là vỏ bọc dụ chị Trần Thị Phương (1970, trú P. Phước Ninh, Q. Hải Châu) từng bước trở thành nạn nhân trong màn kịch lừa đảo do Sen đạo diễn. Chị Phương cho biết:  Mỗi lần vào Đà Nẵng, Sen thường đến quán giải khát của chị Phương ăn uống  và tâm sự về chuyện gia đình, chuyện làm ăn. Sen tự giới thiệu tên Ngô Thị Thủy, hiện là giám đốc khách sạn Gerbera ở TP Huế nên phải thường xuyên đi họp hành, hội thảo để học hỏi cách quản lý, kinh doanh... Để tạo niềm tin, có lần Sen còn nhờ chị Phương chở đến một số khách sạn lớn tại TP Đà Nẵng nói là để... họp.

"Nữ giám đốc" đài các và bản án 7 năm tù - 1

               Bị cáo Ngô Thị Sen            

Bị hại Trần Thị Phương vạch tội bị cáo

Một thời gian sau khi hai người đã khá thân thiết, Sen nói với chị Phương là có mẹ ở Mỹ vừa qua đời, để lại khối tài sản hàng chục tỷ đồng, cần tiền để làm thủ tục thừa kế. Lần khác, Sen lại nói rằng khách sạn Gerbera của cô ta gặp rắc rối khi làm thủ tục để được công nhận “4 sao”, cần số tiền lớn để "lo cho ông này ở tỉnh, ông nọ ở Bộ VH-TT&DL". Để chị Phương tin tưởng, trong lúc trò chuyện, Sen làm như vô tình lôi từ trong túi ra nhiều lốc tiền, tờ ngoài cùng có mệnh giá 100USD và các bì thư có đề tên những người lãnh đạo ở tỉnh TT-Huế, ở Bộ VH-TT&DL mà Sen cho rằng cần phải “chạy” để nâng “sao” cho khách sạn.

Có lần, Sen còn mời vợ chồng chị Phương đến khách sạn Gerbera dùng cơm. Trong lúc mọi người đang ăn uống thì Sen lẻn ra phía sau thanh toán tiền rồi quay lại bàn tiệc và nói với vợ chồng chị Phương là bữa ăn này do Sen mời với tư cách là giám đốc khách sạn. Những câu chuyện, việc làm của Sen quả nhiên đã tác động mạnh đến chị Phương, nhất là Sen còn hứa hẹn sẽ nhận chồng chị Phương là anh Nguyễn Văn Dũng vào làm việc tại khách sạn của mình với mức lương cao. Khi thấy chị Phương đã tin, Sen hỏi mượn tiền để giải quyết khó khăn trước mắt và quả nhiên chị Phương đã không ngần ngại dốc toàn bộ số tiền vợ chồng chắt bóp bấy lâu, vay mượn của bạn bè, người thân để đưa cho Sen với tổng số tiền 253 triệu đồng.

Tại phiên tòa chị Phương cho biết, mặc dù chị là người buôn bán, tiếp xúc với nhiều tầng lớp và có kinh nghiệm giao tiếp xã hội, nhưng do thủ đoạn của Sen quá tinh vi, những kế hoạch của Sen rất hoàn hảo nên chị bị đưa vào tròng lúc nào không hay. Chị nói, có lẽ sẽ tiếp tục bị Sen lừa nếu không có lần tình cờ phát hiện chân tướng của Sen. Số là vào tháng 10/2012, vợ chồng chị Phương có việc phải ra Huế, nhớ tới người “nữ giám đốc” thân thiết bấy lâu, chị Phương định điện báo trước cho Sen biết để khi ra tới Huế chị em có dịp gặp nhau. Khi điện vào số máy của khách sạn Gerbera (trong cardvisit của Sen đưa) xin gặp giám đốc Ngô Thị Thủy, nhân viên khách sạn cho biết không có người tên như thế, vợ chồng chị Phương mới biết mình bị lừa và trình báo với cơ quan CA. Cuối tháng 10/2012, vụ án đã được CAQ Hải Châu xác minh, làm rõ và khởi tố, bắt tạm giam Ngô Thị Sen về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong quá trình vụ án đang được CAQ Hải Châu điều tra, Ngô Thị Sen tiếp tục bị bà Nguyễn Thị Hồng (1960, là hàng xóm của Sen tại xã Thủy Phù, TX Hương Thủy) tố cáo chiếm đoạt 600 triệu đồng, CATX Hương Thủy đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Thị Sen về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xuất thân từ nông thôn, nhưng ở Ngô Thị Sen, người ta không tìm thấy những phẩm chất tốt đẹp thường gặp ở người phụ nữ nông dân như chăm chỉ, chịu thương chịu khó, tần tảo chăm lo cho gia đình.

Suốt phiên tòa, Sen nhiều lần khai rằng có một người con bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng, vậy mà những tài sản chiếm đoạt được, trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, Sen khai hầu như chỉ dành để thỏa mãn nhu cầu ăn chơi, du hí, tạo vỏ bọc hào hoa cho bản thân, không có dòng nào, lời nào nói về việc chữa bệnh, chăm cho con hòng nhận được sự cảm thông từ người bị hại và những người có mặt tại phiên tòa. Điều này cho thấy bị cáo là người ích kỷ, lười lao động, phạm tội có hệ thống, vì thế căn cứ các quy định của pháp luật, HĐXX đã tuyên phạt Ngô Thị Sen mức án 7 năm tù và buộc bị cáo phải bồi thường cho chị Trần Thị Phương toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo K.Thanh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN