Nhiều người bị ngộ độc nghi do ăn bánh mì

Trong ngày 29-11, nhiều người dân hai bên đường Phan Đăng Lưu (thuộc địa bàn hai phường Hòa Cường Nam, Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) đồng loạt bị ngộ độc thức ăn và phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, đi ngoài nhiều, nôn mửa, đau đầu... Nhiều người cho biết, trước đó có ăn bánh mì kẹp thịt, chả của một tiệm bánh gần đó.

Cùng một triệu chứng

Đến sáng 2-12, sau hai ngày nhập viện C Đà Nẵng cấp cứu, tình trạng sức khỏe của chị Hồ Thị Hương Thủy (1984) và Trương Thị Bi (18 tuổi, cùng trú số 18 đường Nguyễn Xuân Nhị, P. Hòa Cường Nam) đã ổn định trở lại, tuy nhiên người vẫn còn rất yếu vì trước đó đi ngoài và nôn mửa quá nhiều. Nói chuyện với chúng tôi tại Bệnh viện C Đà Nẵng, chị Thủy kể, do không ăn cơm nên trưa ngày 29-11, bé Bi ra tiệm bánh mì Đ.T trên đường Phan Đăng Lưu mua hai ổ bánh mì kẹp thịt, chả về hai chị em cùng ăn, sau đó thấy đau bụng và đi ngoài. Đến khoảng 5-6 giờ chiều cả hai thấy đau bụng nặng và có triệu chứng buồn nôn, lúc này cứ tưởng đau bụng bình thường nên chỉ ra tiệm thuốc tây gần nhà mua thuốc uống nhưng đến chiều ngày 30-11 thì đau không chịu nổi nên gia đình đưa cả hai vào Bệnh viện C Đà Nẵng cấp cứu. Các bác sĩ tại đây cho biết, chị Thủy và chị Bi đều bị ngộ độc thức ăn.

* Sau khi tiếp nhận thông tin về các trường hợp ngộ độc, dù chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng nhưng đại diện lãnh đạo đơn vị chủ quản của cơ sở bánh mì Đ.T đã cử nhân viên đến thăm hỏi, động viên các bệnh nhân.
Hiện phần lớn sức khỏe các bệnh nhân đã hồi phục, một số người đã xuất viện về nhà nhưng một số người còn phải ở lại để nhờ sự chăm sóc của các bác sĩ.

Tương tự, nhà chị Thủy, chị Liên (số 72 - Hoàng Xuân Nhị ) có 6 người bị đau bụng, đi ngoài và phải nhập viện cấp cứu cũng nghi do ăn bánh mì. Chị Liên kể: “Sáng 29-11, tôi ra tiệm bánh mì Đ.T trên đường Phan Đăng Lưu mua 8 ổ mì thịt, chả và 4 ổ mì không về cho cả nhà ăn sáng. Có 6 người ăn mì thịt, chả, còn tôi bỏ nhân không ăn. Đến khoảng 14 giờ ngày 29-11, mấy người trong nhà đều kêu đau đụng, đi ngoài nhiều trong đó cháu Hồ Hoàn Nguyên (6 tuổi, con chị Liên), Hồ Thị Cẩm Vân (20 tuổi, cháu chị Liên) và anh Hoàng Nguyễn Trường An (19 tuổi, em trai chị Liên) bị nặng nhất phải nhập Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu sau đó chuyển sang Bệnh viện 600 giường (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) điều trị đến chiều 1-12, sức khỏe đã đỡ hơn nên được các bác sĩ cho xuất viện.

Nhiều người bị ngộ độc nghi do ăn bánh mì - 1

Đến chiều 1-12, chị Thủy vẫn điều trị tại Bệnh viện C.

Nặng hơn nữa là trường hợp cháu Sử Duy Hải (1999, tạm trú số 11, đường Bàu Tràm 2, P. Khuê Trung, Cẩm Lệ) cho đến sáng 2-12 vẫn đang phải điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Anh Sử Duy Tuấn, ba cháu Hải kể: “Khoảng 9 giờ ngày 29-11, tôi chở cháu đến tiệm bánh mì Đ.T trên đường Phan Đăng Lưu mua 1 ổ bánh mì thịt, chả cho cháu ăn. Đến khoảng 5 giờ chiều cùng ngày cháu nói đau bụng, nôn mửa và đến 7 giờ tối gia đình phải đưa cháu vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu rồi chuyển sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi điều trị. Qua xét nghiệm các bác sĩ cho biết, cháu bị ngộ độc thức ăn nặng và ảnh hưởng đến tụy nên gia đình đang rất lo lắng”.

Không chỉ tại các gia đình có nhiều người ngộ độc, hàng loạt giảng viên Trường CĐ Phương Đông cũng bị ngộ độc với tình trạng tương tự. Ngày 2-12, Phòng khám đa khoa Phương Đông (thuộc Trường CĐ Phương Đông, đường Phan Đăng Lưu) cho biết đang điều trị cho 45 SV cùng 4 cán bộ, giảng viên bị ngộ độc. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Nhật-Phó Giám đốc Phòng khám đa khoa Phương Đông, các SV, GV được đưa vào phòng khám trong 2 ngày 30-11 và 1-12, trong đó chỉ có 5 SV bị nhẹ được cho ngoại trú, còn lại đều tiêu chảy kéo dài từ 5 –20 lần/ngày, sốt cao 39 – 40 độ. Những người này đều đã ăn bánh mì mua ở tiệm Đ.T.

Nghi án bánh mì kẹp thịt, chả

Số lượng người bị ngộ độc lên đến vài chục người, nhưng theo báo cáo sơ bộ của UBND P. Hòa Cường Nam, ban đầu mới ghi nhận khoảng 10 người bị ngộ độc nói là có ăn bánh mì của tiệm Đ.T này trong sáng 29-11. Như vậy, việc người dân bị ngộ độc thức ăn thì đã rõ nhưng nguyên nhân vì sao nhiều người cùng bị một triệu chứng và cùng xảy ra trong một khoảng thời điểm như trên. Những bệnh nhân chúng tôi tiếp xúc đều cho biết trong sáng hoặc trưa ngày 29-11 có ăn bánh mì của tiệm bánh mì Đ.T trên đường Phan Đăng Lưu, vậy đây có phải là nguyên nhân khiến nhiều người nhập viện cấp cứu.

Chiều 1-12, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tiến-Chi cục trưởng VSATTP TP cho biết: “Chiều 30-11, Chi cục nhận được tin báo, đã tiến hành lập đoàn kiểm tra tìm hiểu sự việc. Qua kiểm tra cho thấy các tiêu chí vệ sinh về sản phẩm bày bán tại tiệm Đ.T đều đạt, tuy nhiên không lấy được mẫu hàng ngày 29-11 vì đã bán hết trong ngày”. Điều lạ là chúng tôi chỉ thấy cơ quan chức năng ghi nhận sự việc đến đó, chứ không lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân hay làm các xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân sự việc (?).

Để có thông tin hai chiều, chúng tôi làm việc với đại diện Cty chủ quản tiệm bánh Đ.T trên đường Phan Đăng Lưu. Theo vị đại diện này, do bánh mì là thức ăn bán trong ngày nên đơn vị không giữ mẫu lưu đồng thời xác nhận có nhận được thông tin phản ánh của một số khách hàng và Chi cục VSATTP TP cũng đã đến kiểm tra, lập biên bản sự việc nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng nên chưa thể đánh giá nguyên nhân có phải do bánh mì gây ra hay không. Bà L., Giám đốc Cty cho biết, trong quy trình sản xuất bánh mì bán cho khách thì phía Cty chỉ sản xuất bánh mì, paste, thịt nguội, còn các thứ như rau, ớt,... thì đều có nhà cung cấp riêng và có đầy đủ giấy chứng nhận về VSATTP và từ trước đến nay chưa hề ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc do ăn bánh mì. Trong khi đó theo đại diện cửa hàng, trong sáng 29-11, cũng có 2 nhân viên quán cà-phê đối diện cửa hàng cũng bị ngộ độc nhưng họ nói không phải do ăn bánh mì (?!).

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, sáng nay (3-12), Chi cục và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Tuấn (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN