Mặt trái của cầm đồ (2): “Sân sau” của... tội phạm

Điều đáng quan ngại nhất hiện nay của dịch vụ cầm đồ ở Đà Nẵng nói riêng và nhiều nơi trên cả nước nói chung chính là việc công khai tiêu thụ những tài sản bất minh, trong đó đa phần là tài sản trộm cắp. Phải chăng dịch vụ cầm đồ dần trở thành thị trường kinh doanh bất hợp pháp nhưng đã được hợp pháp hóa?

Năm 2010, Bộ Công an ban hành Thông tư số 33/2010/TT-BCA quy định cụ thể điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có nội dung dịch vụ cầm đồ. Thông tư nêu rõ: Khi thực hiện dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình CMND hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở. Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu. Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có phải thông báo ngay với cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra, xử lý...

Quy định là thế và công tác kiểm tra của CA các đơn vị, địa phương vẫn thường xuyên được tiến hành định kỳ, nhưng hầu như việc chấp hành của các chủ hiệu cầm đồ trên địa bàn Đà Nẵng vẫn chưa đến nơi, đến chốn. Bởi lẽ, các chủ hiệu cầm đồ hầu hết chẳng mấy mặn mà với việc truy tìm tài sản do người khác phạm tội mà có để thông báo với cơ quan chức năng. Đó chính là điểm tạo kẽ hở để kẻ gian tiêu thụ tài sản trộm cắp mà có. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những hiệu cầm đồ thì ngoại trừ xe máy, ô-tô, bằng tốt nghiệp, GPLX, CMND, các loại giấy tờ là chính chủ còn các tài sản khác như: điện thoại, vàng, laptop, máy ảnh, CPU... đều chỉ cần hiện vật mà không cần bất cứ thông tin nào liên quan đến chủ sở hữu. Điều mà các chủ hiệu quan tâm là định giá tài sản cầm càng thấp càng tốt và cứ trễ hẹn 3 ngày mà không đến chuộc thì nhanh chóng được thanh lý để thu hồi vốn.

Một chủ hiệu cầm đồ trên địa bàn thành phố cho biết: “Nếu chịu khó tìm hiểu trước khi cầm tài sản cho ai đó thì không khó để phát hiện ra đó là đồ gian hay không. Tuy nhiên, nhiều chủ hiệu cầm đồ đều “phớt lờ” chuyện đó vì họ xem đồ gian là con “mồi ngon”. Bởi theo họ, những đối tượng trộm cắp thường ít biết giá trị thực của tài sản mà mình lấy được và chúng cũng không có nhiều thời gian đi “thẩm định giá” nên thường bị chủ hiệu cầm đồ “bắt thóp” để chỉ định giá thấp. Điều đặc biệt, là những vị khách như thế khi đến cầm thì thường không có khái niệm quay lại để chuộc. Hơn nữa, nếu bị cơ quan CA điều tra làm rõ và tiến hành thu hồi thì chủ cửa hiệu cho rằng lúc giao dịch người cầm khẳng định đó là tài sản của họ. Vậy là, họ thoát được việc truy cứu trách nhiệm...”.

Mặt trái của cầm đồ (2): “Sân sau” của... tội phạm - 1

Ngoài xe máy, ô-tô thì điện thoại và laptop không cần có nguồn gốc rõ ràng vẫn mang đi cầm được

Với cách nghĩ đó, nhiều chủ cửa hiệu sẵn sàng cầm những tài sản do người khác phạm tội mà có. Cụ thể, vào ngày 18-11-2011, CAP Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn) đã bắt Nguyễn Trường Sơn (1991, sinh viên Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt – Hàn Đà Nẵng ) về hành vi trộm cắp tài sản và tiến hành thu hồi tang vật tại một hiệu cầm đồ trên địa bàn Liên Chiểu. Theo Sơn thì sáng cùng ngày sau khi lấy 3 chiếc máy vi tính xách tay trị giá gần 40 triệu đồng của mấy người bạn cùng phòng thì đón xe buýt lên nhà người bạn tại P. Hòa An (Q. Cẩm Lệ). Được bạn cho mượn xe, Sơn gửi lại nhà người bạn 2 chiếc máy rồi một mình mang một máy vi tính đến một hiệu cầm đồ trên đường Phạm Như Xương (Q. Liên Chiểu) cầm với giá 2 triệu đồng...

Mặt trái của cầm đồ (2): “Sân sau” của... tội phạm - 2

Thủ tục nhanh, gọn và không cần xác minh rõ nguồn gốc của tài sản nên giữa khách và chủ hiệu cầm đồ rất “gần gũi”

Trước đó vào tháng 10-2011, Đội CSĐTTPVTTXH – CAQ Cẩm Lệ xác lập Chuyên án truy xét 911T, bắt quả tang Nguyễn Tấn Hội (1982, trú thôn 7, xã Quế Xuân, H. Quế Sơn, Quảng Nam) thực hiện trót lọt 10 vụ cạy cửa đột nhập nhà dân trộm cắp tài sản có giá trị như: xe máy, laptop, ĐTDĐ, máy ảnh... Theo lời khai của Hội thì cứ đêm về, y đón xe ôm từ Ngã ba Huế đến các KDC, sau đó dùng thanh sắt mang theo phá cửa hậu nhà dân. Sau khi đã đột nhập được vào bên trong, hắn lục lấy tài sản có giá trị sau đó tìm chìa khóa mở cửa chính, lấy cắp xe máy rồi trốn thoát. Vì vậy, chỉ trong vòng 4 tháng (từ 7-2011 đến tháng 10-2011), Hội liên tục gây án trộm cắp, chiếm đoạt nhiều tài sản bán sang tay cho kẻ khác và mang đến cầm tại các dịch vụ cầm đồ lấy tiền tiêu xài cá nhân. Đáng chú ý nhất trong lời khai của Hội là có 3 vụ lấy cắp xe máy đắt tiền mang đi cầm, chiếm đoạt 25 triệu đồng.

Cụ thể, 21 giờ ngày 28-9-2011, Hội đi xe ôm đến số nhà 72 Nguyễn Quý Đức (thuộc P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ) phá cửa hậu, đột nhập trộm xe máy Siriusz BKS 43X5 – 3203, 2 ĐTDĐ và 150.000 đồng. Xe máy Hội mang đến Q. Liên Chiểu cầm được 8 triệu đồng, còn 2 ĐTDĐ bán giá 1,4 triệu đồng. Trước đó, khoảng 2 giờ một ngày trong tháng 7-2011, Hội đến P. Khuê Trung đột nhập nhà dân trộm 1 xe Nouvo LX màu xanh không BKS mang đi cầm được 10 triệu đồng. Tháng 8-2011, Hội đến khu vực đường Núi Thành, đột nhập nhà dân trộm xe Jupiter BKS 43H5 – 9955, 1 ĐTDĐ, 1 laptop. Về số tài sản này, Hội mang laptop và điện thoại đến đường Hoàng Diệu (TP Đà Nẵng) bán được 2,6 triệu đồng còn chiếc xe máy thì đưa đến đường Trần Cao Vân cầm với giá 7 triệu đồng.

Mặt trái của cầm đồ (2): “Sân sau” của... tội phạm - 3

Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng thu hồi xe máy bị các đối tượng trộm mang đi cầm đồ để hoàn trả cho bị hại

Theo các ĐTV thụ lý vụ án, từ lời khai của bị can, quá trình đấu tranh thu hồi tài sản hoàn cho cho bị hại, cơ quan CSĐT CAQ Cẩm Lệ phát hiện các dịch vụ cầm đồ vi phạm quy định cầm không chính chủ... Hay trường hợp của Nguyễn Đức Khánh Hưng (1992, sinh viên, trú P. Hòa An). Khoảng 20 giờ 30 ngày 16-3-2011, đang lang thì phát hiện phòng của chị Huỳnh Thị Ngọc Dung (1987) dãy nhà cho thuê trọ số 19/11-Tôn Đức Thắng có máy vi tính xách tay hiệu HP 6530 để trên bàn. Ngó trước ngó sau không thấy ai, nổi lòng tham, Hưng lấy cắp mang ra sau phòng trọ giấu dưới đống rác, sau đó đưa lên tiệm cầm đồ ở địa bàn Q. Liên Chiểu cầm 400.000 đồng. Quá trình di lý Hưng đi thu hồi tài sản, chủ tiệm cầm đồ thanh minh rằng không biết đây là tài sản trộm cắp nên mới chấp nhận cầm cố... Đó chỉ là 3 trong số hàng trăm trường hợp đối tượng sau khi trộm được tài sản mang đến hiệu cầm đồ “cắm” lấy tiền tiêu xài...

Theo nhiều ĐTV thì trong quá trình đấu tranh với các băng nhóm trộm cắp tài sản, CQĐT nắm được thông tin của rất nhiều trường hợp sau khi gây án, kẻ gian mang tang vật tới hiệu cầm đồ để cầm cố. Tuy nhiên do không có cơ sở để truy tố về hành vi “Tiêu thụ tài sản người khác mà có” nên chỉ tiến hành thu hồi tài sản phục vụ công tác điều tra. Quá trình tranh chấp tài sản cầm cố giữa chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và bị can sẽ được giải quyết khi vụ án đưa ra xét xử tại tòa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đ.Vinh – T. Dũng (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN