Gian nan nghề cứu nạn, cứu hộ

Xác định công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) là công tác rất quan trọng, nên ngay từ khi mới thành lập Sở CS PCCC TP Đà Nẵng, Giám đốc Sở đã quan tâm chỉ đạo toàn lực lượng bên cạnh công tác chữa cháy phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao thể lực, tăng cường trang thiết bị để phục vụ thật tốt công tác CNCH, phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng.

Trong mô hình tổ chức, Giám đốc Sở giao cho Phòng Hướng dẫn về chữa cháy làm chủ công trong công tác CNCH, song vẫn yêu cầu các đơn vị, địa phương đều phải chuẩn bị các điều kiện và làm thật tốt công tác này. Trên thao trường đỏ lửa của miền Trung, các chiến sĩ CS PCCC không chỉ thao luyện học cách rải vòi, phun nước, thuần thục sử dụng lăng A, lăng B..., mà còn phải rèn luyện thể lực, võ thuật để nâng cao sức khỏe, cách sử dụng thang dây, thang cuốn, kích, kìm trợ lực, và các loại dụng cụ chuyên dụng trong CNCH khác. Sở CS PCCC TP cũng phối hợp với Sở VH-TT&DL huấn luyện bơi lội và cứu nạn trong bơi lội cho các chiến sĩ PCCC. Đến nay, cơ bản các chiến sĩ trong lực lượng mũi nhọn của Sở đều nắm bắt được những cách thức cơ bản khi cứu người trong lũ, dưới sông...

Gian nan nghề cứu nạn, cứu hộ - 1

Đưa người bị nạn ra khỏi hiện trường. Ảnh: T.H

Trong mỗi vụ cháy, phía sau các trinh sát điểm cháy là các chiến sĩ CNCH, lúc thì họ vắt vẻo trên những chiếc thang chuyên dụng leo lên những tòa nhà cao tầng để cứu người, lúc thì gồng mình quai búa tạ, đục bê-tông, đập vỡ tường tìm đường để vòi rồng có thể tiếp cận điểm cháy. CNCH đâu dành riêng cho công tác chữa cháy mà cho tất cả, bất cứ đâu, khi người dân bị nạn cần cứu, họ đều có mặt. Chỉ tính từ khi thành lập Sở đến nay, lực lượng CNCH đã tham gia hàng chục vụ cứu người chết đuối, vớt xác người chết trôi dạt không rõ tung tích...

Mới đây nhất là vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra khoảng 10 giờ 30 ngày 7-6. Xe ben BKS 43X-1384 lưu thông hướng đường Ngô Quyền về cầu Thuận Phước thì bất ngờ mất lái, tông sập cổng rồi sập nhiều mảng tường lớn ngôi nhà E83 Công binh Hải quân thuộc Vùng 3 Hải quân (P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà). 4 người bị xe tông và mắc kẹt dưới gạch đá, trong đó có 3 người là thợ đang làm kính cho nhà E83 và một người là cảnh vệ tên Trần Anh Tuấn (1993, quê Bình Định). Nhận được tin báo, ngay lập tức đội CNCH của Phòng Hướng dẫn về chữa cháy và CNCH Sở CS PCCC do đồng chí Phan Đức Phục- Phó phòng chỉ huy đến ngay hiện trường, phối hợp với lực lượng CS PCCC Sơn Trà triển khai công tác CNCH.

Trời trưa nắng gắt, tất cả các chiến sĩ ra quân đều chưa kịp ăn cơm, đói, mệt và khát, nhưng dường như không ai còn cảm giác gì ngoài nỗi mong muốn làm sao đưa người bị nạn ra khỏi đống bê-tông càng nhanh càng tốt. 4 chiến sĩ nằm bò dưới gầm xe, 2 chiến sĩ khác đào bới bên những chiếc lốp xe..., ai nấy đều tất tả. Những đôi tay cứ đào bới, móc từng viên đá, viên gạch, găng tay rách, đầu ngón tay bật máu... Mồ hôi chảy vào mắt, vào miệng chát đắng, cay xè, nỗi buồn đau, thương cảm cho những nạn nhân xấu số, cho những gia đình bỗng dưng mất chồng, mất cha như được nhân lên, càng khiến các chiến sĩ kiên tâm hơn, miệt mài hơn. Giữa buổi trưa hè bỏng rát, chứng kiến những đồng đội của mình thầm lặng, kiên nhẫn làm những công việc không phải ai cũng làm được tôi vô cùng cảm phục.

Những con người, những cái tên bình dị, hiền lành tôi vẫn gặp hằng ngày sao hôm nay bỗng trở lên đẹp đẽ, dũng cảm lạ thường. Ai cũng biết nghề chữa cháy là một nghề nguy hiểm và nặng nhọc, điều quan trọng phải có lòng dũng cảm, bởi kiến thức có thể học, sức khỏe có thể rèn luyện, song nếu không có lòng dũng cảm sẽ không bao giờ dám đương đầu với giặc lửa.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, các chiến sĩ CS PCCC và CNCH TP Đà Nẵng hôm nay không ngừng tôi luyện để trưởng thành. Dù gian nan vất vả, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng, song trong tim mỗi người vẫn không ngừng sáng lên ngọn lửa “Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”, góp sức mình vào sự nghiệp phát triển KT-XH của thành phố, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Hương (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN