Điều dưỡng: Thiếu vẫn... hạn chế tuyển

Trong hệ thống chăm sóc y tế, ngoài đội ngũ bác sĩ trực tiếp chữa bệnh thì đội ngũ điều dưỡng cũng đặc biệt quan trọng bởi họ là người trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân từ đầu đến lúc khỏi bệnh. Thế nhưng nghịch lý hiện nay là nhiều SV học ngành điều dưỡng ra trường lại rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” vì rất ít được tuyển dụng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đội ngũ điều dưỡng chiếm gần 40% nhân lực y tế. Có một thực tế là nhiều năm qua, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng lại rất khó xin việc buộc họ phải lặn lội “tự thân vận động”, nhận chăm sóc y tế cho người bệnh. PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Ngọc Minh-Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Y dược Trường ĐH Duy Tân, Cố vấn BCH Hội Điều dưỡng Việt Nam nhận định, với nhu cầu về nhân lực y tế hiện nay, xu thế chung của thế giới, khu vực đều quan tâm tới lực lượng Điều dưỡng.

Trong dây chuyền phục vụ và chăm sóc sức khỏe con người, bên cạnh lực lượng thầy thuốc (gọi chung là bác sĩ) thì đội ngũ cán bộ điều dưỡng (gồm cả trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học...) đóng vai trò quan trọng. Tỷ lệ ĐD/BS ở Việt Nam hiện nay mới đạt từ 1,27 ĐD/BS và hiện nay tăng lên trên dưới 2 ĐD/BS trong khi các nước là 3, 4, 10, 15 hay hơn nữa ĐD/BS. Điều này cho thấy nhu cầu hiện tại về Điều dưỡng rất lớn tại các bệnh viện và cả lĩnh vực Y tế dự phòng và Y tế cộng đồng,...

Điều dưỡng: Thiếu vẫn... hạn chế tuyển - 1

Nhiều SV ngành điều dưỡng chưa có việc làm thường nhận chăm sóc y tế riêng cho bệnh nhân để lấy kinh nghiệm. (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Tại Việt Nam hiện có 15 trường, viện đào tạo y dược, 5 đại học có khoa y dược hoặc khoa điều dưỡng, 30 trường cao đẳng y dược và gần 50 trường trung cấp, cơ sở dạy nghề y tế. Ở khu vực miền Trung hiện chỉ có Trường ĐH Y Dược Huế và ĐH Duy Tân đào tạo Cử nhân ĐH Điều dưỡng, còn lại các trường khác (kể cả công lập và ngoài công lập) chủ yếu đào tạo Trung cấp Điều dưỡng và Cao đẳng Điều dưỡng. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh, nhiệm vụ cấp bách của ngành Y tế là ngày càng phải nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc tại các cơ sở khám chữa bệnh, các Trung tâm, cơ sở Y tế dự phòng, mạng lưới Y tế cộng đồng và gia đình, do đó việc cần nhiều Điều dưỡng trình độ cao là nhu cầu bức xúc cần được quan tâm đầu tư. Thuận lợi là thế, nhưng không ít SV theo học ngành điều dưỡng sau khi ra trường lại rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” khi đi xin việc.

Em Hồ Thị Hường (quê Quảng Bình), tốt nghiệp hệ cao đẳng điều dưỡng-Trường CĐ Y tế Trung ương 3 với tấm bằng loại khá, em quyết định trụ lại TP kiếm việc làm nhưng từ ngày ra trường đến nay gần 1 năm vẫn chưa xin được việc. Em tâm sự: “Vừa mới ra trường, em cầm tấm bằng đi xin việc khắp nơi, thế nhưng chưa có nơi nào nhận. Họ đòi kinh nghiệm hoặc nhận vào làm học việc không lương để chờ chỉ tiêu tuyển dụng. Điều kiện thứ nhất thì chưa có, điều kiện thứ hai thì không thể thực hiện được vì đã ra trường phải tự đi làm nuôi sống bản thân chứ không thể mong vào tiền trợ cấp của ba mẹ”. Vậy là Hường phải xin đi làm thêm ở một số nơi, nhận chăm sóc y tế cho một bệnh nhân điều trị tại nhà với mức lương 150.000 đồng/ngày. Tương tự, nhiều bạn cùng lớp với Hường cũng phải đi làm thêm hoặc chấp nhận vào học việc không lương tại một số bệnh viện, trung tâm chăm sóc y tế ở TP để lấy kinh nghiệm.

Điều dưỡng: Thiếu vẫn... hạn chế tuyển - 2

Chăm sóc cho bệnh nhi tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi

Bác sĩ chuyên khoa II, Hồ Văn Lâm-Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Y dược Trường CĐ Phương Đông cho biết: “Trung bình, mỗi năm khoa y dược Trường CĐ Phương Đông có khoảng 2.000 SV ra trường, trong đó số SV tốt nghiệp ngành điều dưỡng chiếm khoảng 1/3 (kể cả trung cấp điều dưỡng và cao đẳng điều dưỡng). Tuy nhiên, số SV theo học chủ yếu ở các tỉnh Bắc miền Trung và Tây Nguyên, còn số SV Đà Nẵng rất ít”. Bên cạnh đó Trường CĐ y tế Trung ương 3, một số khoa y dược của các trường Trung cấp, cao đẳng khác mỗi năm cũng cho ra trường trên dưới 3.000 SV điều dưỡng nhưng con số được bố trí vào các bệnh viện, chăm sóc y tế tại các bệnh viện thì khá khiêm tốn. Bác sĩ Phạm Hùng Chiến-Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện có khoảng hơn 800 điều dưỡng đang làm việc tại các bệnh viện, trung tâm chăm sóc y tế ở TP. Theo tính toán, tỷ lệ điều dưỡng viên tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế của Đà Nẵng hiện đang ở mức khoảng 3,5-4 điều dưỡng/bác sĩ”. Đây là tỷ lệ khá cao so với nhiều địa phương khác trong cả nước, nhưng so với các nước phát triển thì còn rất khiêm tốn. Hy vọng cùng với việc ngày càng nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe đang được xây dựng và nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng cao của người dân sẽ tạo ra những cơ hội mới về việc làm cho SV theo học ngành điều dưỡng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Tuấn (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN