Những sự kiện đáng thất vọng trên sàn CK 2012

Trải qua gần hết năm 2012, thị trường chứng khoán trong nước đang để lại cho nhiều nhà đầu tư cũng như những ai theo dõi kênh đầu tư này sự thất vọng, bởi quá nhiều sự kiện buồn diễn ra.

Có lẽ năm 2012 là một năm khá buồn đối với tất cả những ai đang theo đuổi thị trường chứng khoán, bởi chỉ số trên cả hai sàn thì liên tục trượt giảm. Giao dịch theo đó cũng diễn ra khá mờ nhạt. Không những vậy, trong suốt một năm qua, kênh đầu tư này còn trải qua khá nhiều biến cố với các sự kiện thật buồn.

Số công ty niêm yết thua lỗ tăng mạnh

Theo thống kê trên sàn chứng khoán, trước những khó khăn chung của nền kinh tế, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, toàn thị trường có tới 143 doanh nghiệp bị lỗ, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2011. Đáng chú ý, có tới 438 doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm so với năm trước. Riêng khối các công ty chứng khoán, trong số 105 công ty chứng khoán đang hoạt động cũng có trên 50% công ty bị lỗ năm 2012 và trên 70% công ty chứng khoán có lỗ lũy kế.

Điển hình, vừa qua tại thư giải trình số 189/2012/CV-AVSC của Công ty cổ phần chứng khoán Âu Việt (mã chứng khoán AVS), gửi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM cho thấy, trong quý 3/2012 AVS đã lỗ khá nặng.

Cụ thể, theo Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Công ty cổ phần chứng khoán Âu Việt, lợi nhuận sau thuế trong quý 3 của Công ty này đã lỗ hơn 20 tỷ đồng giảm 302% so với quý 3 năm 2011 (trong quý 3/2011 công ty lợi nhuận công ty đã âm 5 nghìn tỷ).

Những sự kiện đáng thất vọng trên sàn CK 2012 - 1
Một năm đầy thất vọng trên thị trường chứng khoán

Lý giải về mức lỗ này, ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch Hội đồng quản chị Công ty cổ phần chứng khoán Âu Việt cho biết, việc lợi nhuận sau thuế quý 3/2012 giảm mạnh là do doanh thu các hoạt động trong quý này đã giảm 66% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, chi phí cho hoạt động kinh doanh lại tăng đến 121%.

Không chỉ công ty trên, mà trong quý 3 vừa qua, kênh đầu tư này còn ghi nhận khá nhiều công ty chứng khoán lớn cũng chịu cảnh thua lỗ như: Chứng khoán Kim Long ( KLS ) lỗ 91,52 tỷ đồng. Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội ( SHS ) lỗ gần 60 tỷ đồng, công ty chứng khoán Phú Gia ( PGSC ) lỗ 7 tỷ đồng…

Xuất hiện vô số cổ phiếu giá “bèo”

Cùng với sự lao dốc mạnh mẽ của các chỉ số chứng khoán, thị trường năm nay đã chứng kiến khá nhiều cổ phiếu giá siêu rẻ, chỉ chưa đến 1.000 đồng. Đây được xem là một mức giá khá “bèo”.

Với những ai thường xuyên theo dõi thị trường chứng khoán có thể dễ dàng đọc ngay được mã cổ phiếu BAS của Công ty Cổ phần Basa BAS, bởi đây là loại cổ phiếu có mức giá siêu thấp dưới 1 nghìn đồng đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhắc đến cổ phiếu có giá dưới 1 nghìn đồng, không thể không kể đến mã VSP của Công ty cổ phần vận tải biển và bất động sản Việt Hải; ĐM của Công ty cổ phần Hàng hải Đông Đô; THV của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, CAD của Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex…

Các cổ phiếu đua nhau rời sàn

Trước những vô vàn khó khăn mà các doanh nghiệp đang nếm trải như lãi suất cao, nguồn vốn hạn hẹp, thị trường giảm sút do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu… đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nước rơi vào khủng hoảng. Hậu quả là tình trạng thua lỗ kéo dài ồ ạt diễn ra ở những công ty niêm yết. Với kết quả này, việc doanh nghiệp niêm yết phải rời sàn dường như là điều bắt buộc.

Điển hình, hồi đầy năm Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có Thông báo số 467 về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu CAD của Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex.

Theo đó, kể từ 4/6/2012, hơn 8,7 nghìn cổ phiếu CAD, với giá trị hơn 87 tỷ đồng sẽ bị huỷ niêm yết trên sàn TP.HCM. Nguyên nhân là do Công ty này đã có lợi nhuận sau thuế là số âm trong 3 năm liên tiếp, căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán (năm 2009 âm 3,04 tỷ đồng, năm 2010 âm 32,37 tỷ đồng và năm 2011 âm tới 324,78 tỷ đồng).

Cũng với nguyên nhân thua lỗ 3 năm liên tiếp, mã cổ phiếu BAS hồi đầu tháng 5 vừa cũng chính thức phải rời khỏi sàn giao dịch TP.HCM. Với quyết định rời khỏi sàn TP.HCM, 9,6 triệu cổ phiếu với giá trị tương ứng 96 tỷ đồng của BAS đã chính thức phải huỷ niêm yết….

Các công ty chứng khoán rơi vào "vòng xoáy" bị kiểm soát đặc biệt

Năm 2012 được ghi thêm dấu ấn bởi những doanh nghiệp liên tục rơi vào cảnh bi đát và nằm trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Bằng chứng, hồi tháng 11 vừa qua, Chủ tịch UBCKNN đã ban hành Quyết định số 948/QĐ-UBCK về việc đặt Công ty Cổ phần Chứng khoán Mê Kông (MSC) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt lần 2 do Công ty vi phạm quy định về tỷ lệ an toàn tài chính, với thời hạn không quá 6 tháng.

Trong thời hạn bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, Công ty Cổ phần Chứng khoán Mê Kông sẽ bị đình chỉ hoạt động nếu không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt đồng thời vi phạm các quy định dẫn tới bị đình chỉ theo quy định của pháp luật.

Không chỉ Công ty chứng khoán Mê Kông, hồi tháng 9 vừa qua Chủ tịch UBCKNN đã ban hành Quyết định số 702/QĐ-UBCK đặt Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An vào tình trạng kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 6/9/2012 đến ngày 6/3/2013.

Trước đó vào cuối tháng 4/2012, UBCK cũng đã đưa 6 công ty chứng khoán vào diện bị kiểm soát đặc biệt, gồm: Công ty Chứng khoán Cao su, Vina, Hà Nội, Trường Sơn, Đà Nẵng và Mê Kông.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Yến Nhi (Vnmedia)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN