TTCK 1/6: Có thể tiếp tục mua thấp, bán cao

Xin giới thiệu nhận định của một số công ty chứng khoán về khả năng diễn biến thị trường ngày 1/6.

Có thể tiếp tục mua thấp, bán cao

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – SSI)

“Giằng co vào phiên giao dịch buổi sáng quanh mốc 432 điểm, tuy vậy bên bán lại gia tăng mạnh trở lại vào phiên giao dịch buổi chiều và để mất mốc trên khá nhanh. Cây nến ngày có dạng Black Candle ngay sau cây nến tăng yếu không có khối lượng hậu thuẫn trước đó. Khối lượng giao dịch ở mức hơn 45,43 triệu đơn vị, tăng nhẹ gần 5% so với phiên trước.

Các giao dịch lướt sóng T+4 đều khó kiếm được lợi nhuận khi mà xu thế hiệu chỉnh chưa kết thúc. Nếu chỉ số tiếp tục đi xuống phá vỡ mốc thấp nhất của tuần trước ở mốc 425,65 điểm, mốc hỗ trợ kế tiếp cho thị trường sẽ ở vùng Fibonacci Retracemnet 50% quanh mốc 410- 413 điểm. Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục mua thấp, bán cao trong phiên để trung bình giá vốn”.

Tăng dần tỷ trọng tiền mặt

(Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV – BSC)

“Thị trường trở lại xu thế giảm điểm trong ngày hôm nay, mức giảm tăng dần về cuối phiên cho thấy sự mất kiên nhẫn của bên nắm giữ cổ phiếu. Thanh khoản không tăng với mức sụt giảm mạnh của giá là điều không tích cực, phản ánh lực cầu yếu ngay cả ở các mức giá thấp.

Trong mối quan hệ với các yếu tố vĩ mô, nếu như đà tăng mạnh của 3 tháng đầu năm đã được thị trường phản ánh trước cả khi các động thái chính sách cũng như các chuyển biến vĩ mô tích cực bắt đầu thì việc thị trường đi xuống hoặc ở trạng thái lình xình cũng cho thấy khả năng thị trường đang tìm điểm cân bằng mới để chuẩn bị cho một chu kỳ mới khi độ trễ của các chính sách dừng lại.

Vì vậy, để bảo toàn danh mục đầu tư, nhà đầu tư nên cân đối danh mục theo hướng tăng dần tỷ trọng tiền mặt, chỉ nên tăng tỷ lệ cổ phiếu khi thị trường tiếp nhận dòng tiền mới, đảm bảo lợi nhuận kỳ vọng tương xứng với mức độ rủi ro”.

TTCK 1/6: Có thể tiếp tục mua thấp, bán cao - 1

Theo SSI, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục mua thấp, bán cao trong phiên để trung bình giá vốn - Nguồn ảnh: TVSI.

Xu thế giảm điểm sẽ tiếp tục tiếp diễn

(Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT – FPTS)

“Lần thứ 3 trong 2 tuần giao dịch trở lại đây, chỉ số VN-Index không giữ được nhịp hồi phục, chốt phiên với mức giảm 6,14 điểm lùi về 429,2 điểm. Xét thấy lực cầu chưa thực sự mạnh so với bên bán để thị trường có thể thoát ra xu thế khá tiêu cực hiện tại. Đi cùng với việc VN-Index đánh mất mốc 430 điểm là thanh khoản trong phiên vẫn chưa có sự khởi sắc.

Xét về các yếu tố có thể tác động đến thị trường, các thông tin vĩ mô khá tốt được phát ra từ đầu tuần chưa thể có ảnh hưởng ngay lập tức có thể là lý do khiến tâm lý của bên mua tỏ ra rất thận trọng. Hơn nữa, các tin tức xấu từ kinh tế thế giới cũng phần nào ảnh hướng tới thị trường trong nước, như: các nước trong khối Eurozone liên tục gặp khó khăn, thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm do sự lo lắng về tương lai của Hy Lạp và sức khỏe của các Ngân hàng Tây Ban Nha.

Kết hợp với phương diện kỹ thuật cũng đang cho tín hiệu xấu, chúng tôi cho rằng xu thế giảm điểm sẽ tiếp tục tiếp diễn trong các phiên giao dịch đầu tháng 6. FPTS bảo lưu quan điểm thận trọng, nhất là đối với nhà đầu tư lướt sóng tránh mua đuổi khi thị trường chưa có động lực để thiết lập xu hướng tăng”.

Vẫn trong xu hướng giảm ngắn hạn

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)

“Hiện tại, thị trường vẫn đang dao động đi ngang trong biên độ 72-78 điểm đối với HNX-Index và 425-450 điểm đối với VN-Index. Chúng tôi cho rằng sẽ cần thêm ít nhất từ 1-2 tuần nữa để hai chỉ số có thể thoát khỏi vùng “tích lũy” này và thanh khoản từ đó mới được cải thiện.

Hiện tại, thị trường vẫn đang nằm trong xu hướng giảm ngắn hạn nên BVSC thiên về khả năng tiếp tục đi xuống, phá vỡ các điểm cận dưới sau đó. Tuy nhiên, trước khi có điểm “break”, các nhà đầu tư có thể thực hiện “trading” tại 2 điểm giới hạn của biên độ - nên ưu tiên bán trước khi thị trường hồi phục chạm cận trên và mua lại sau khi thị trường sụt giảm về cận dưới, thuận theo xu hướng chính”.

Trạng thái sideway vẫn chưa kết thúc

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Woori CBV)

“Dòng vốn khối ngoại vẫn tiếp tục gia tăng vào một số mã trọng điểm như HSG, GAS, VCF, PNJ… bất chấp thị trường và chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận. Tuy nhiên thanh khoản vẫn không được cải thiện so với những phiên giao dịch trước đó, do sự e ngại về diễn biến tiêu cực của chứng khoán thế giới thời gian gần đây.

Về phương diện kỹ thuật, phiên giao dịch ngày 31/5/2012, thị trường trở lại trạng thái giảm điểm với khối lượng được giữ ổn định so với phiên giao dịch ngày hôm qua. Hiện tượng tăng giảm luân phiên với khối lượng giao dịch thấp trong thời gian gần đây cho thấy trạng thái sideway của thị trường vẫn chưa kết thúc. Do đó chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm như những báo cáo trước, cho tới khi có 1 phiên tăng hoặc giảm mạnh với khối lượng cao để phá bỏ trạng thái hiện tại".

Có thể giảm tiếp

(Công ty Cổ phần Chứng khoán ACB – ACBS)

“Trong các phiên tới, VN-Index có thể giảm tiếp về mức đáy nhỏ trước ở 425 hoặc xa hơn là mức Fibonacci 50%, khoảng 415. Với phiên giảm hôm qua, VN-Index hình thành một đường xu hướng giảm nhỏ. Nếu vượt qua đường xu hướng này, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục về đỉnh nhỏ ở 453.

Với VN30-Index, vùng giao dịch hẹp 500-523 hình thành khá rõ và là cơ sở cho các dự đoán trong thời gian tới. Nếu vượt 523, VN30-Index có thể quay lại 561. Ngược lại, dưới 500, VN30-Index có thể giảm sâu hơn về 465-475.

Trong khi đó, tại sàn HNX, tiêu cực hơn, HNX-Index bị kéo xuống liên tục kể từ lúc mở cửa ngày hôm qua. Đa số mã trên sàn đều giảm điềm, cũng cho thấy xu hướng giảm chính của thị trường chung trong phiên giao dịch. Trong các phiên tới, HNX-Index có thể giảm tiếp về 73 hoặc xa hơn về vùng hỗ trợ mạnh 69-72 nếu phá 73. Ở chiều ngược lại, HNX-Index có thể phục hồi về kháng cự nhỏ 77-78”.

* Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Nhật ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN