NĐT sắp nổ cùng "bom" chứng khoán

Hàng loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc đưa vào diện cảnh báo. Điều này cũng cho thấy là, cho dù TTCK vẫn đang trong xu hướng hồi phục mạnh mẽ nhưng khả năng nhà đầu tư bị chôn vốn, bị mất trắng tiền là không hề nhỏ.

Dồn dập cổ phiếu bị hủy niêm yết, cảnh báo

Chỉ trong vài ngày đầu tháng 5/2012, giới đầu tư liên tiếp nhận được hàng loạt thông tin về các doanh nghiệp bị loại ra khỏi sàn chứng khoán do thua lỗ nhiều năm liên tiếp hoặc vi phạm công bố thông tin.

Ngày 07/05/2012, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã có thông báo số 472/2012/TB-SGDHCM về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu của CTCP Cavico Việt Nam Khai thác mỏ và Xây dựng (MCV).

MCV không thuộc trường hợp làm ăn quá bi đát như nhiều doanh nghiệp thua lỗ 3-4 năm liên tiếp khác nhưng lý do mà doanh nghiệp này bị hủy niêm yết bắt buộc (từ 11/5/2012) là liên tục vi phạm công bố thông tin.

Đây là một quyết định không quá bất ngờ do MCV đã bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch từ sau ngày 20/3/2012. Mặc dù vậy, đây vẫn thực sự vẫn là một cú sốc với khá nhiều nhà đầu tư đã trót ôm cổ phiếu này trong những tháng đầu năm nay khi mà TTCK phục hồi mạnh mẽ.

NĐT sắp nổ cùng "bom" chứng khoán - 1

Nhà đầu tư lao đầu vào các cổ phiếu nóng

Thực sự nếu soi vào các bản báo cáo tài chính gần đây của MCV thì tình hình không có gì quá nghiêm trọng nếu như không tính tới giai đoạn cuối năm 2011 và đầu 2012.

Báo cáo các năm trước cho thấy, MCV (có vốn 120 tỷ đồng) vẫn có mức lãi khiêm tốn từ 7-10 tỷ đồng/năm trong các năm từ 2007-2010. Tới quý I/2011, MCV vẫn có lãi và chỉ bắt đầu lỗ nhẹ trong hai quý tiếp theo, trước khi liên tục trì hoãn công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2011. Đây cũng là lý do chính khiến MCV bị buộc rời khỏi sàn.

Cho dù thua lỗ nhưng với tình hình không quá bi đát (trên các báo cáo) và mức giá rất thấp, MCV đã có 14 phiên tăng trần gần như liên tục từ giữa tháng 2/2012 cho tới 9/3/2012 và đạt đỉnh là 4.200 đồng/cp.

Cũng trong khoảng thời gian đó cho tới trước khi MCV bị tạm ngừng giao dịch (21/3/2012), tổng cộng đã có khoảng 13 triệu cổ phiếu MCV được chuyển nhượng (so với 12 triệu cổ phiếu đang lưu hành).

Số liệu cổ đông lớn không tìm được trên HSX nhưng trên một trang tài chính, tính tới giữa tháng 3/2011 chỉ còn 3 cổ đông lớn là Cavico Thương mại và Xây dựng, TNHH Cavico Việt Nam và ông Lê Quang Việt. Trong đó, hai tổ chức đầu nắm mỗi đơn vị 3 triệu đơn vị. Ông Việt nắm giữ 550.000 cổ phiếu MCV.

Trong suốt thời gian 1 năm sau đó cho tới khi MCV bị tạm ngừng giao dịch (sau 20/3/2012), các nhà đầu tư cũng không rõ tỷ trọng nắm giữ của các cổ đông lớn biến động như nào, đặc biệt những biến động trong khoảng 1 tháng trước khi cổ phiếu này bị tạm ngừng giao dịch với khoảng 13 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.

Trong trường hợp VSP của Công ty cổ phần vận tải biển và bất động sản Việt Hải, các nhà đầu tư không mấy bất ngờ khi doanh nghiệp này lỗ 3 năm liên tục (2009 lỗ 360 tỷ, 2010 lỗ 780 triệu, 2011 lỗ 534 tỷ đồng). Trong quý I/2012, công ty mẹ VSP cũng lỗ hơn 490 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, việc 38 triệu cổ phiếu VSP đã bị hủy niêm yết bắt buộc kể từ ngày 1/6/2012 và sau đó sẽ được chuyển sang UpCom sẽ khiến cho nhiều nhà đầu tư bị chôn vốn hoặc thua lỗ nặng.

Thống kê cho thấy, sau 5 năm niêm yết giá cổ phiếu VSP đã giảm hơn 100 lần từ đỉnh cao 305.000 đồng xuống còn 2.500 đồng/cp (tính tới 8/5/2012).

Cũng trên sàn HSX, cổ phiếu CAD của Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex cũng đã bị hủy niêm yết bắt buộc (từ ngày 4/6/2012) do thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Trước đó, HSX cũng đã hủy niêm yết cổ phiếu BAS của Công ty cổ phần Basa kể từ 3/5/2012 cũng do cùng nguyên nhân.

Chưa đến nỗi bị hủy niêm yết, nhưng trong hai ba tháng qua, có rất nhiều cổ phiếu đã bị đưa vào diện bị kiểm soát, cảnh báo. Gần nhất, cổ phiếu MAC bị đưa vào diện kiểm soát do thua lỗ trong 2 năm liên tục. Cổ phiếu KHB cũng rơi vào diện này và chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần do kiểm toán viên đã không thể đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 của CTCP Khoáng sản Hòa Bình do các ảnh hưởng trọng yếu của các vấn đề hạn chế về hàng tồn kho, số dư phải thu...

Về cảnh báo, tính chung trên 2 sàn có khoảng 70 mã rơi vào danh sách này (trong đó có nhiều đại gia như QCG, SGT...) do thua lỗ trong năm 2011.

Tránh vơ bèo vạt tép

Việc thua lỗ trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng ở mức rất cao như trong năm 2011 vừa qua không phải là vấn đề quá lớn. Doanh nghiệp có thể thua lỗ rồi phục hồi trở lại nếu tình hình tài chính không quá mất cân đối.

Lãi suất ngân hàng đang giảm mạnh và Chính phủ đang có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cổ phiếu ở cả hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội tăng mạnh. Hàng loạt cổ phiếu từ tốt tới xấu đang tăng trần kéo chỉ số VN-Index vọt qua ngưỡng 490 điểm, HNX vọt qua 80 điểm cho dù cả hai chỉ số đều đã tăng khoảng 35% và tăng mạnh thứ 2 trên thế giới trong hơn 4 tháng đầu năm.

Mặc dù vậy, có thể thấy, sự hưng phấn như hiện tại có thể khiến nhiều nhà đầu tư mua bằng mọi giá, theo kiểu vơ bèo vạt tép.

NĐT sắp nổ cùng "bom" chứng khoán - 2

Việc tránh xa các cổ phiếu lỗ nặng, có thể bị siết nợ bất cứ lúc nào là cần thiết

Trên thực tế, các nhà đầu tư cá nhân khó có thể nắm thông tin nhanh và chính xác bằng những người trong cuộc và các nhà đầu tư lớn, những nhà tạo lập thị trường. Do vậy, mỗi khi TTCK hưng phấn, lên đồng loạt là cơ hội để các nhà đầu tư xả hàng lởm.

Việc tránh xa các cổ phiếu lỗ nặng, có thể bị siết nợ bất cứ lúc nào là cần thiết trong bối cảnh hiện nay bởi những gì mà Chính phủ đang tính toán và trình lên Quốc hội không hẳn là một gói kích cầu mà có thể chỉ là một gói hỗ trợ. Phạm vi áp dụng cũng hẹp hơn so với hồi năm 2009 và dường như đang tập trung chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp có hoạt động sinh lời.

Các doanh nghiệp yếu kém, làm ăn kiểu chộp giật, dựa vào vay nợ là chính có thể sẽ tiếp tục thua lỗ và khi đó, cùng với chủ trương nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK, các cổ phiếu này có thể sẽ bất ngờ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Khả năng bị chôn vốn, bị mất trắng vẫn có thể xảy ra trong một thị trường trong xu hướng uptrend khá rõ nét.

Hàng loạt công ty thua lỗ, nợ nần chồng chất (không kể lớn bé), hàng hóa không bán được, tồn kho lớn, trong khi kinh tế có dấu hiệu giảm phát... cho thấy, ở một góc độ nào đó, TTCK có thể bị méo mó. Việc cổ phiếu đồng loạt tăng trần, bất kể doanh nghiệp đó làm ăn như thế nào có thể khiến nhiều nhà đầu tư không tính toán kỹ lưỡng trước khi mua trở thành người cuối cùng ôm bom chứng khoán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mạnh Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN