Vai trò thiết kế & chặng đường lịch sử

Lịch sử thiết kế thời trang chỉ chính thức có mặt gần đây, nhưng lại có một tầm ảnh hưởng to lớn đến tất cả các mặt của xã hội.

Thiết kế thời trang hiển nhiên đã được coi là một biểu tượng thời thượng của xã hội hiện đại, khi mà nhu cầu ăn mặc đẹp và xu hướng đã trở nên quá quen thuộc. Tuy rằng trang phục đã xuất hiện rất lâu, thậm chí cùng lúc với sự phát triển của loài người, nhưng lịch sử thiết kế thời trang chỉ chính thức có mặt gần đây, nhưng lại có một tầm ảnh hưởng to lớn đến tất cả các mặt của xã hội.

Nguồn gốc ra đời

Thiết kế thời trang được đặt cạnh những ngành nghề thuộc về thiết kế như thiết kế kiến trúc, nội thất, đồ họa hay tạo dáng… nằm trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, và dĩ nhiên được coi là một nghệ thuật sáng tạo trên vải vóc. Nhưng ít ai biết rằng trước những năm 1990, thiết kế trang phục chỉ là công việc thủ công, và những người sáng tạo ra những bộ trang phục, cho dù là dành cho dân thường, quý tộc hay vua chúa thì cũng chỉ đơn thuần là những người thợ có địa vị thấp kém trong xã hội. Nghệ thuật trong suốt một thời gian rất dài chỉ bao gồm những gì thuộc về hàn lâm như âm nhạc, hội họa… Vậy lý do gì khiến thời trang từ bậc thấp nhất của xã hội lại bước lên bục vinh quang của nghệ thuật thời thượng và được săn đón nhất? Phải chăng đã diễn ra một cuộc cách mạng nghệ thuật và có sức mạnh lay chuyển những định kiến?

Vai trò thiết kế & chặng đường lịch sử - 1

Hình ảnh người phụ nữ trong trang phục hiện đại của thời trang năm 1905

Chính xác thì cuộc cách mạng nghệ thuật diễn ra vào những năm 1880, nhằm minh chứng rằng thiết kế cũng là nghệ thuật, thậm chí có tầm ảnh hưởng sâu sắc hơn cả nghệ thuật hàn lâm, vì thiết kế ứng dụng cung cấp những sản phẩm có ích và thẩm mỹ đến tận tay của từng người dân, và ai cũng có quyền tận hưởng những giá trị thẩm mỹ, hiển nhiên người tạo ra những sản phẩm đó cũng được tôn vinh là nghệ sĩ. Cuộc cách mạng thành công, và thiết kế thời trang cũng ra đời vào thời điểm đó.

Nếu nói đến ông tổ của ngành thời trang thế giới, mọi người hẳn sẽ ngạc nhiên bởi đó là một người đàn ông. Trong thời đại của những trang phục dành cho nữ giới cầu kỳ, xa hoa và lãng mạn, người đàn ông mang tên Charles Frederick Worth đã nổi lên như một hiện tượng. Ông là nhà thiết kế thời trang đầu tiên tạo dựng được thương hiệu mang tên mình chỉ từ danh nghĩa của một người thợ may. Ông đã chứng minh rằng thời trang là một sự kết hợp hài hòa của thẩm mỹ và vẻ đẹp tự nhiên trên quần áo và phụ kiện. Trước khi mở thương hiệu của mình mang tên Maison de couture tại Paris, phần lớn trang phục chỉ được may bởi những thợ may vô danh và không được biết đến. Giá trị thành công của ông chính là người sáng tạo trang phục không chỉ chạy theo đòi hỏi và yêu cầu của khách hàng, mà còn khiến khách hàng phải mua và săn đón những sản phẩm mà một nhà thiết kế tạo ra.

Vai trò thiết kế & chặng đường lịch sử - 2

Bộ trang phục được thiết kế bởi người đàn ông danh tiếng Charles Frederick Worth

Những thăng trầm

Suốt thế kỷ XX, kinh đô của thời trang được xem là Paris, khi mà tất cả các show diễn lớn nhất đều được diễn ra tại đây, những tạp chí thời trang hàng đầu thế giới đều gửi những biên tập viên giỏi nhất của mình để dự những show diễn này. Các nhãn hiệu thời trang đến Paris để sao chép mẫu mã và thiết kế lại. Paris được xem là cái nôi của thiết kế thời trang, nơi những gì thời thượng nhất và xa hoa nhất quy tụ về.

Vào thời điểm đầu của thiết kế thời trang, thời trang cao cấp và may sẵn không được phân biệt rõ nét như hiện tại, tất cả những sản phẩm may mặc đều được nhà thiết kế sáng tạo riêng biệt và sản xuất thủ công. Đầu thế kỷ XX chứng kiến những chất liệu xa hoa như lụa, len và hình dáng của thời trang vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi kiểu dáng đồng hồ cát hay những tầng váy nhiều lớp nặng nề của văn hóa cũ.

Sự phát triển của những trường phái thiết kế, đặc biệt là Art Deco cũng mang thời trang tiến đến một giá trị giản đơn hơn, cô đọng hơn. Bỏ qua những tầng lớp váy áo bóp nghẹt phụ nữ, Art Deco đem đến những bộ trang phục gọn gàng, nhẹ nhàng và hiện đại. Người thay đổi hẳn một cái nhìn về thời trang nữ giới, hiện đại hơn, quyến rũ hơn, tự do hơn và… ngắn hơn chính là huyền thoại Coco Chanel, một biểu tượng quyền lực thời trang khi mà bà đã gây một tầm ảnh hưởng cho thời trang cho đến tận ngày nay.

Vai trò thiết kế & chặng đường lịch sử - 3

Thời trang theo phong cách Art Deco được thiết kế bởi Paul Poiret

Vai trò thiết kế & chặng đường lịch sử - 4

Audrey Herpun trong Little black dress của Coco Chanel, người tạo nên cuộc cách mạng thời trang nữ giới sau Đại thế chiến thứ I

Đại thế chiến thứ I đã khiến kinh tế thế giới lâm vào cuộc Đại khủng hoảng, rõ ràng đây không phải là thời điểm để sáng tạo thời trang có thể thăng hoa. Sự giảm thiểu ngân sách dành cho thời trang. Phong trào nam nữ bình quyền vào thời điểm này cũng đem lại một cái nhìn khởi sắc cho trang phục nữ giới. Chiến tranh thế giới thứ hai thì ngược lại, nó khiến kinh đô ánh sáng Paris mất đi vị trí bà hoàng thời trang. Cái được gọi là thời thượng dần biến mất ở thủ đô nước Pháp danh tiếng và nhường ngôi cho một hơi thở mới hơn, trẻ trung và bốc đồng hơn mang tên nước Mỹ. Quần áo may sẵn và tiện dụng trở nên thứ ám ảnh khiếu thẩm mỹ của giới trẻ trên toàn thế giới. Cục diện thiết kế thời trang đã bước sang một giai thoại khác, đó là của sự hòa trộn thời trang may sẵn và thời trang cao cấp, hiện đại và cổ điển, phóng khoáng và cổ hủ. Dòng thời trang phức tạp và cuốn hút này đã hấp dẫn mọi tín đồ thời trang cho đến tận ngày nay.

Vai trò thiết kế & chặng đường lịch sử - 5

Thời trang thập niên 50s sau chiến tranh thế giới thứ hai

Thời trang là nghệ thuật

Trải qua hơn một trăm năm, những gì còn đọng lại của thiết kế thời trang chính là định nghĩa đã trở thành biểu tượng của công nghệ làm đẹp bằng vải vóc cho con người. Thời trang chính là nghệ thuật, là giá trị thẩm mỹ kết hợp với vẻ đẹp tự nhiên trên trang phục. Chính điều này giữ cho thiết kế thời trang và những nhà thiết kế tách biệt khỏi những người thợ hay trang phục thông thường. Thiết kế thời trang là thời thượng, là đẳng cấp và là cái đẹp khiến tín đồ phải chạy theo đam mê và ngưỡng mộ. Từ những nhà thiết kế đầu tiên tạo ra được những hiệu ứng tuyệt vời này như Coco Chanel, Jean Patou, Jeanne Lanvin cho đến những nhà thiết kế thiên tài đương đại như Marc Jacob, Alexander McQueen hay John Galliano đều đã dẫn dắt và bảo vệ thời trang luôn giữ được những giá trị của nó.

Vai trò thiết kế & chặng đường lịch sử - 6

Vai trò thiết kế & chặng đường lịch sử - 7 Vai trò thiết kế & chặng đường lịch sử - 8

Thiết kế thời trang đương đại trên sàn diễn quốc tế của Longchamp

Thiết kế thời trang luôn đặc biệt, vì nó gần gũi với nhu cầu của con người hơn bất kỳ thứ gì. Trang phục không chỉ là quần áo, mà còn là thứ nghệ thuật sáng tạo thể hiện được cái nhìn thời đại, dấu ấn cá nhân của người mặc và những giá trị thẩm mỹ cơ bản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Quyên (Doanh Nhân cuối tuần)
Chân dung NTK Thời trang/ Thương hiệu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN