Thời trang Việt mãi non trẻ

Thiếu vốn đầu tư những buổi trình diễn lớn, chuyên nghiệp, giới thiệu sản phẩm rộng rãi và nhiều cái khó khác khiến làng thời trang Việt không phát triển

Để công chúng biết đến sản phẩm mới, gầy dựng thương hiệu của một nhà thiết kế hay của một nhãn hiệu thời trang, điều kiện tiên quyết là phải có sự đầu tư được thể hiện thông qua những buổi trình diễn lớn, tạo chú ý đến giới chuyên môn, công chúng. Tuy nhiên, với thời trang Việt, sự đầu tư này là điều xa xỉ.

Canh bạc thương hiệu

Trong làng thời trang thế giới, dấu ấn của một nhà thiết kế được thể hiện qua sản phẩm quy tụ thành bộ sưu tập trình diễn tại các tuần lễ thời trang.

“Để kiếm tiền, chúng tôi phải bán sản phẩm cho các cửa hàng, sau đó các cửa hàng này bán lại cho khách hàng. Mở đầu từ khâu trình diễn, ra mắt sản phẩm, giới thiệu sản phẩm trên truyền thông, khách hàng đến với chúng tôi và sau cùng, chúng tôi hy vọng họ mua sản phẩm của mình. Đó là cả một quá trình không thể bỏ sót bất cứ khâu nào” - nhà thiết kế Dao Yi Chow, đồng sáng lập thương hiệu thời trang Public School cùng cộng sự Maxwell Osborne, chia sẻ trên Huffington Post.

Thời trang Việt mãi non trẻ - 1

Rất ít nhà thiết kế Việt Nam có được những sô diễn riêng. Công Trí là một trong những nhà thiết kế chịu khó đầu tư cho sô diễn của mình

Điều này phần nào lý giải vì sao các buổi trình diễn ra mắt sản phẩm vô cùng cần thiết và cấp bách hơn đối với các nhà thiết kế. Ray, nhà thiết kế của hiệu Brooks Brothers, nói: “Tại các sàn diễn, họ (công chúng) sẽ thấy được cả thế giới của chúng tôi, tầm nhìn và văn hóa nghề nghiệp của chúng tôi được thể hiện trọn vẹn ở đó”.

Để buổi diễn ấn tượng, độc đáo, tạo chú ý cao nhất trong cuộc chạy đua đến “túi tiền” người tiêu dùng, một số nhà thiết kế phải bấm bụng chi tiêu. Marc Jacob đã phải chi 1 triệu USD cho sô diễn mùa thu 2011 của mình. Tất nhiên, đây là sô diễn với mức đầu tư kỷ lục và gần như có một không hai cho đến nay.

Nhưng thực tế cho thấy trình diễn chỉ là một bước khởi đầu giới thiệu sản phẩm mới trước công chúng, giới chuyên môn chứ không bảo đảm thu được lợi nhuận. Với nhiều nhà thiết kế, các sô diễn thời trang giống như một canh bạc lớn. Bởi lẽ, họ có thể thành công rực rỡ nhưng ngược lại cũng có thể trắng tay. Dẫu biết mạo hiểm, các nhà thiết kế vẫn chấp nhận “đặt cược” còn hơn là không tổ chức biểu diễn, không dũng cảm đối đầu khen chê từ giới chuyên môn, công chúng để mãi mãi chẳng được biết đến.

“Những sô trình diễn tại các tuần lễ thời trang là hoạt động không thể thiếu của các thương hiệu nhưng chỉ khi họ là những thương hiệu đẳng cấp thế giới. Chắc chắn mức đầu tư của họ tỉ lệ thuận với doanh thu. Cuộc đua xác lập thương hiệu ở thị trường đẳng cấp thế giới hay non trẻ như Việt Nam đều có. Nhưng ở mỗi thị trường, quy mô của phương thức xây dựng thương hiệu cũng hoàn toàn khác nhau” - nhà thiết kế Công Trí bộc bạch.

Cái khó bó cái khôn

Tính đến nay, số nhà thiết kế Việt có sô diễn riêng chỉ đếm trên đầu ngón tay. So với các sô diễn thời trang diễn ra định kỳ theo mùa hằng năm, các sô diễn ở Việt Nam chỉ thuộc dạng nhỏ bé cả về ý tưởng dàn dựng, mẫu thiết kế lẫn tầm ảnh hưởng, mức độ lan tỏa đến công chúng.

Với làng thời trang thế giới, mỗi tuần lễ thời trang được tổ chức đều thu hút sự chú ý của giới truyền thông và công chúng. Các nhà thiết kế hoặc thương hiệu thời trang phải đầu tư kinh phí không nhỏ cho người mẫu, khách mời đến xem sô như một “chiêu” thu hút. Nhiều đồn đoán rằng Rihanna là thượng khách có giá đắt nhất với 100.000 USD khi cô tham dự chương trình của Karl Lagerfeld. Những người ít tiếng tăm hơn, mức thù lao dao động từ 15.000 USD. Tất nhiên cũng có những ngoại lệ không thù lao, thay vào đó là tặng phẩm quần áo và một chuyến du lịch.

Nếu trước đây, thù lao của người mẫu Việt được trả bằng các mẫu thiết kế thì nay, khi Hiệp hội Người mẫu ra đời, thù lao đã được trả bằng tiền. Những thương hiệu nhỏ thường trả 3 triệu đồng/người mẫu, trong khi các thương hiệu lớn sẽ phải trả từ 4-20 triệu/người mẫu. Một buổi diễn khoảng 10-20 người mẫu tính ra chi phí không hề nhỏ.

Sẽ khập khiễng nếu so sánh một sô diễn ở Việt Nam với thế giới bởi tại Việt Nam, chi phí một sô diễn không cao như nhà thiết kế Thuận Việt tiết lộ: “200 triệu đồng là có thể có một chương trình biểu diễn thời trang ổn”. Nhưng việc đầu tư những buổi diễn thế này cũng rất hiếm.

“Nếu không có sự hỗ trợ từ một nhãn hàng, hiếm nhà thiết kế nào dám đánh cược. Ngay cả tôi là một nhà thiết kế có tên, có cửa hàng riêng nhưng làm sô diễn riêng cũng là một ước mơ. Để khẳng định thương hiệu của mình, sô diễn là điều cần thiết nhưng đó là việc của tương lai” - nhà thiết kế Chung Thanh Phong chia sẻ.

Thực tế, với điều kiện kinh tế khó khăn như hiện tại, việc thực hiện một sô diễn thời trang là bất khả thi, đặc biệt với các nhà thiết kế trẻ. Đó là chưa kể ngân quỹ tài trợ cho thời trang ở Việt Nam còn rất hiếm. Thiếu tiền, thiếu đầu tư, “cái khó bó cái khôn” khiến cho mọi thứ trở nên khó khăn và đó cũng là nguyên nhân thời trang Việt vẫn mãi non trẻ.

Liệu cơm gắp mắm

Thiếu các buổi diễn giới thiệu sản phẩm, công chúng đâu thể biết đến các nhà thiết kế để tìm mua trang phục. Dẫu vậy, quy luật phải tự giới thiệu mình rồi mới được biết đến, khẳng định tên tuổi, thương hiệu nên dẫu khó vẫn phải làm. Và một số nhà thiết kế tâm huyết vẫn loay hoay tìm đường đi cho mình, “liệu cơm gắp mắm” bằng cách thực hiện sô diễn phục vụ cho vài chục đến 100 khán giả ngay tại cửa hàng của mình. Sau đó là những chương trình truyền hình, các tuần lễ thời trang và cuối cùng là sô diễn riêng.

“Thiếu điều kiện chứ không thể bị động. Nếu không tự tìm đường, nhà thiết kế sẽ không thể đến được với công chúng. Và điều đó đồng nghĩa thời trang Việt chẳng thể khá hơn” - nhà thiết kế Nguyễn Công Trí nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Trang ([Tên nguồn])
NÓNG cùng thời trang mỗi ngày! Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN