Lụa Vạn Phúc: Không chết, chỉ đói thôi!

Làng lụa Vạn Phúc đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Làng lụa đìu hiu chờ khách

The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn”. Làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội vốn là vùng quê lụa nổi tiếng. Người Pháp từng ca ngợi lụa Vạn Phúc là “đệ nhất tinh xảo của Đông Dương”.

Theo thời gian, lụa Vạn Phúc càng phổ biến hơn, ai cũng mua được nhưng giá trị xưa cũ của làng nghề dệt tơ lâu đời nhất Việt Nam đã bị mai một đi rất nhiều. Vạn Phúc nay làng đã ra phố nhưng tiếng khung cửi dệt lụa lại càng thêm lặng dần.

Theo anh Hải, một thợ dệt tại làng, trước kia vào thời điểm cực thịnh nơi đây có cả nghìn máy dệt hoạt động. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 200-300 máy chạy thường xuyên. Nhất là vào mùa nóng như hiện tại, việc dệt lại càng đình đốn bởi nhiệt độ cao, sợi tơ giòn, dễ đứt.

Có một thực trạng tại Vạn Phúc đó là nhiều thợ dệt, thợ nhuộm lâu năm đã bỏ làm lụa truyền thống để theo nghề khác vì “không thể sống được với nghề”. Nguyên nhân thì có nhiều song lý do khách quan nhất vẫn là sức tiêu thụ vải lụa tơ tằm thấp khiến thu nhập của người thợ rất bấp bênh.

Không tấp nập người bán kẻ mua như trước, hiện nay những cửa hiệu bán vải lụa tơ tằm tại làng Vạn Phúc luôn trong tình trạng đìu hiu nằm dài chờ khách. 

Chị Nga - chủ của một cửa hiệu bán lụa lâu năm than thở: “Lụa ở đây được chuộng từ mười mấy năm trước. Tới cách đây khoảng ba, bốn năm thì chậm lại hẳn. Trước kia tôi cả ngày không được ngồi một phút nào, chỉ đứng cắt vải cho khách. Giờ thì họa hoằn lắm mới có vài người tới mua, ế ẩm lắm!

Lụa Vạn Phúc: Không chết, chỉ đói thôi! - 1

Những cửa hàng vắng người mua

1001 lý do ế lụa

Mẫu mã không đổi mới, hàng địa phương trộn hàng Trung Quốc... là một số những lý do chính khiến người tiêu dùng thờ ơ với lụa Vạn Phúc.

Nhiều khách hàng thú thực là họ không biết phải mua gì khi tới Vạn Phúc bởi sau vài năm cũng chỉ có từng ấy mẫu lụa.

Sản phẩm lụa ở đây chỉ trung thành với kiểu nhuộm màu đậm đà, gần như không hề đoái hoài tới nhiều xu hướng màu sắc mới như pastel (màu nhạt), màu nhuộm ombre (màu loang)… Họa tiết in thì lại càng đơn điệu, quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy mẫu trúc mai, hoa cúc, rồng… chỉ phù hợp với những người có tuổi.

Chị Thúy Khanh, nhân viên văn phòng cho biết: “Đã lâu rồi tôi không xuống Vạn Phúc để mua vải nữa. Ở đó mang tiếng làng nghề mà toàn trộn lụa hàng chợ vào. Lụa Hà Đông chính hiệu thì hiếm. Nếu may tìm được hàng chuẩn thì màu sắc và họa tiết cũ kỹ, không tân thời”.

Giải thích lý do chậm cập nhật mẫu mã, những người làm nghề dệt cho biết họ vốn được đào tạo theo kiểu “cha truyền con nối” và tự học. Do đó, các kiến thức về pha màu, dệt họa tiết đều theo lối thủ công, cổ điển. Để tạo ra một khuôn dệt họa tiết dệt mới rất tốn kém, cần nhiều công sức, tiền bạc, trí lực mà tính rủi ro lại cao nên ít ai chịu làm.

Khi được hỏi tại sao không thử sản xuất lụa màu nhạt giống với xu hướng pastel đang nóng trên thị trường thì chị Hòa, chủ một hộ kinh doanh tại làng nghề ngay lập tức phản đối: “Lụa mà màu nhàn nhạt thì kỳ cục lắm. Từ đời ông cha đến nay đã ai làm thế đâu.

Bởi có cả trăm ngàn lý do như vậy nên lụa ở đây chẳng mấy khi được khoác áo mới.

Lụa Vạn Phúc: Không chết, chỉ đói thôi! - 2

Những mẫu lụa do dân làng sản xuất thường ít đổi mới, dù chất lượng tốt song không bắt kịp xu hướng thời trang

Bên cạnh đó, thực trạng hàng ngoại lai kém chất lượng nhiều áp đảo mặt hàng lụa truyền thống cũng khiến người tiêu dùng dần mất niềm tin khi mua sắm tại Vạn Phúc. Theo ông Phạm Khắc Hà (Phó chủ tịch hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc) thì cách đây khoảng 10 năm, có quy định cấm các hộ kinh doanh không được bán sản phẩm lụa có xuất xứ từ nơi khác. Tuy nhiên do không khả thi nên quy định này từ lâu đã chẳng còn khả dụng. Bởi vậy nên chất lượng hàng hóa tại làng lụa đang ngày càng mất kiểm soát.

Thực tế là nhiều người bán vì ham lợi không những trộn hàng mà còn mập mờ về xuất xứ của những sản phẩm này.

Chị Thanh Lam, một người từng mua hàng tại Vạn Phúc bức xúc kể: “Tôi từng bị mắc lừa khi tới tại cửa hàng to nhất Vạn Phúc. Cả hai mảnh lụa được quảng cáo là cao cấp, giá tới hơn 200 ngàn/mét mà họ bán cho tôi đều không phải lụa nguyên chất. Một thì là voan rẻ tiền, có đầy ở chợ Đồng Xuân. Một là lụa pha nilon, đốt chảy ra và vón lại như nhựa đường, chắc có giá thật chỉ chưa tới 100 ngàn đồng”.

Lụa Vạn Phúc: Không chết, chỉ đói thôi! - 3

Hiệp hội làng nghề có sáng kiến in chữ "Lụa Hà Đông" vào biên lụa để phân biệt được với lụa nhập từ nơi khác. Tuy nhiên theo ông Hà, vì nhiều lý do nên nhiều xưởng dệt tại đây không thể áp dụng được điều này (Ảnh: Người Lao động)

Thậm chí còn có một vài cửa hàng tại đây sẵn sàng mời chào khách mua những chiếc khăn lụa Hermes, Gucci... được “gia công tại Vạn Phúc” mà thực tế đó là khăn Trung Quốc, bán la liệt trên phố Đinh Liệt với giá rẻ chỉ bằng nửa giá so với ở đây. Điều đáng buồn là danh tiếng của làng nghề dệt lụa lâu đời giờ được một số đân buôn coi như một công cụ để đẩy giá những sản phẩm ngoại lai có chất lượng thấp.  

Kết cục là không ít khách hàng đã phản ứng gay gắt khi mất công lặn lội xuống tận làng nghề xa xôi nhưng lại mua phải hàng không phải 100% "made in Vạn Phúc".

Từng có trường hợp một khách hàng đã tới tận trụ sở của hiệp hội làng nghề để khiếu nại sau khi mua phải lụa Vạn Phúc “rởm”. Chỉ sau khi chủ cửa hàng phải đứng ra xin lỗi và hoàn lại tiền hàng thì vị khách đó mới tạm yên lòng.

Hầu hết các cửa hàng đều có một lượng lụa Vạn Phúc "xịn" nhất định. Tuy nhiên người mua phải rất tinh tế và được trang bị sẵn vài "bí kíp".

Những người dân tại làng nghề mách rằng lụa tơ tằm “xịn” của Vạn Phúc chỉ có hai khổ 90cm và 1m15. Họa tiết trên lụa chủ yếu là được dệt bằng tay, màu sắc không đều. Bởi vậy, tất cả các loại lụa khổ rộng, họa tiết in, màu đều, không lỗi sợi thì đều không phải sản phẩm do làng sản xuất. Ngoài ra, khi bị đốt, lụa tơ tằm Vạn Phúc sẽ cháy như đốt sợi tóc, thành vụn đen lả tả, không vón.

Lụa Vạn Phúc: Không chết, chỉ đói thôi! - 4

Quần áo may gia công, khăn lụa Trung Quốc tràn lan tại vùng quê lụa

Lao đao trụ lại với nghề truyền thống

"Ngậm ngùi lụa ế, tơ cao/Rủ nhau đi gánh bùn ao đổ đồng”. Cách đây một thế kỷ, nghề dệt lụa cũng đã từng lâm cảnh khốn khó. Giờ điều này lại một lần nữa tái diễn lại ở làng lụa Vạn Phúc. 

Anh Hải - một thợ dệt chia sẻ: “Mấy năm nay các thương lái Trung Quốc đột nhiên mua rất nhiều tơ, sợi đứt chỉ dài vài phân họ cũng lấy. Do đó giá tơ bị đấy lên ngày càng cao. Để dệt được 1 mét lụa tiêu tốn hơn 1 lạng tơ và còn nhiều chi phí khác. Vì thế, bây giờ, chúng tôi toàn vừa làm vừa thấp thỏm lo lỗ vốn”.

Đôi khi khách thắc mắc giá lụa tơ tằm sao lại cao thế. Lụa “rởm” tràn lan khiến khách nghi ngờ cả chất lượng lụa Vạn Phúc thật.” – Anh Hải than thở.

Lụa Vạn Phúc: Không chết, chỉ đói thôi! - 5

Chiếc áo dài mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long của nhà thiết kế Lan Hương được làm nên từ lụa Vạn Phúc

Gia đình chị Hòa vừa làm vừa bán lụa. Mặc dù lấy hàng tận gốc như vậy song chị cũng cho biết trừ tất tật mọi chi phí từ tiền tơ, tiền thuốc nhuộm, tiền thuê cửa hàng 3 triệu/tháng… thì cũng chỉ mong bán đủ bù lỗ. Chị cho biết tháng khá khẩm thì xuất được vài cây vải (1 cây khoảng 50 mét) cho khách trên hàng Đào (HN). Tuy nhiên có tháng ế ẩm thì nhà chị còn bị lỗ. Thông thường chỉ lãi được 3 – 5 triệu đồng/tháng.

Chị thổ lộ mình muốn theo chân nhiều người khác bỏ nghề dệt lụa để theo nghề khác. Hiện tại, nhà chị cũng như nhiều hộ kinh doanh khác, để duy trì cửa hàng họ phải bán thêm quần áo gia công, khăn và vải nhập rẻ tiền.

Khi đặt câu hỏi liệu ai cũng có suy nghĩ như vậy thì liệu làng nghề Vạn Phúc có “chết” thì chị Hòa tỏ ra đăm chiêu một lúc rồi quả quyết: “Tôi nói là nói vậy chứ bỏ nghề cha ông truyền lại đâu có dễ. Trăn trở và buồn lòng lắm chứ. Mà không ai để làng nghề này chết được. Nhưng, chúng tôi không chết mà chỉ đói thôi!

Để hạn chế tình trạng lụa Vạn Phúc bị “thất sủng”, hiệp hội làng nghề nơi đây cũng đang thực hiện nhiều biện pháp khắc phục. Chia sẻ với phóng viên, đại diện hiệp hội cho biết hội có tổ chức các lớp học marketing, lớp hướng dẫn các phuơng pháp làm lụa kiểu mới do các chuyên gia trong và ngoài nước giảng dạy.

Đồng thời, hiệp hội cũng hướng dẫn các hộ kinh doanh và sản xuất lụa cách sắp xếp hàng hóa khoa học, dệt tên làng nghề vào biên vải để phân biệt với các loại lụa ngoại lai kém chất lượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
NÓNG cùng thời trang mỗi ngày! Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN