Khi người đẹp trở thành biểu tượng xấu
Bí mật đời sống cá nhân của Diễm Hương bị mở toang trước dư luận. Thông tin này ngay lập tức mở đầu cho scandal nhan sắc của làng mỹ nhân Việt Nam năm 2014.
Đẹp người có đi cùng đẹp nết?
Thật ra, thông tin Diễm Hương lập gia đình đã râm ran trong dư luận từ năm ngoái. Trước khi ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ chính thức kiểm tra tin đồn này thì nhiều người hâm mộ đã nghe phong thanh việc cô bí mật kết hôn vào tháng 4/2013. Một số báo mạng dẫn nguồn tin đáng tin cậy rằng, chồng của Diễm Hương là một doanh nhân thành đạt sinh năm 1974. Sau khi kết hôn, họ cùng chuyển vè sống chung tại một biệt thự ở TP. HCM.
Tuy nhiên, đáp lại, Diễm Hương tuyên bố cô chưa hề kết hôn. Cô từng khẳng định chắc nịch vào tháng 9/2013 rằng, hôn nhân là chuyện đại sự, nên nếu điều đó xảy ra, cô sẽ thông báo rộng rãi đến dư luận. Trước khi mọi sự đổ bể, thậm chí người đẹp còn khiến dư luận hồ nghi đồn đoán cô chỉ đang trong giai đoạn hẹn hò khi đăng hình ảnh tươi cười tình tứ cùng một chàng trai lạ (người này sau đó được xác định là chuyên gia trang điểm của cô).
Bây giờ thì Diễm Hương không còn cười tươi như vậy được nữa. Mà đây cũng không phải lần đầu cô nói dối. Trước đó, Diễm Hương cũng từng bị bóc mẽ rằng chỉ đang theo học cao đẳng nhưng lại “nổ” rằng mình học hệ đại học.
Có điều, trong danh sách dài các hoa hậu Việt Nam, Diễm Hương hoàn toàn không phải là người đầu tiên nói dối. Scandal chẳng phải đã trở thành gia vị không thể thiếu trong các cuộc thi sắc đẹp trong nước đó sao? Cứ sau mỗi đêm đăng quang, có lúc người ta lại phát hiện vương miện được trao… nhầm cho một mỹ nhân đẹp người nhưng chưa đẹp nết.
Đơn cử như Hoa hậu Thùy Dung. Chỉ ít lâu sau ngày trở thành Hoa hậu Việt Nam 2008, cô đã bị tố giác chưa tốt nghiệp lớp 12 – một trong những điều kiện cần để tham gia cuộc thi. Dù có bao biện bằng lý do gì đi nữa, rõ ràng ngay từ đầu cô đã không thành thật.
Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân lại bị lộ tẩy khi cùng lúc đưa ra hai lý do khác nhau cho sự vắng mặt của mình tại đêm bế mạc 1.000 năm Thăng Long. Khi thì cô bảo điện thoại gửi bạn cầm giúp nên không thể liên lạc với ban tổ chức, khi lại đổ lỗi cho việc mất sóng điện thoại.
Thậm chí, người đẹp chưa kịp trở thành hoa hậu cũng bị phát hiện nói dối như Vương Thu Phương (thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2012) khi bị lật tẩy rằng đã có chồng nhưng vẫn tham dự một cuộc thi nhan sắc.
Dần dà, hoa hậu trở thành một “nghề” lắm tai tiếng, thị phi
Khi hoa hậu trở thành nghề
Dù cho hiện nay, các cuộc thi hoa hậu được mang rất nhiều cái tên khác nhau, nào là Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn Vũ, Hoa hậu Qúy bà, Hoa hậu Trang sức, Hoa hậu các dân tộc… nhưng tựu chung mục đích cuối vẫn tìm ra một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn.
Về nhân trắc học, các cô gái muốn thắng giải ít nhất phải có khuôn mặt hài hòa, cân đối. Về hình thể, họ cần phải đạt được những tiêu chí tối thiểu về chiều cao, cân nặng, số đo 3 vòng… Và cuối cùng, để ban giám khảo không bị lúng túng khi có quá nhiều cô gái đẹp, sẽ có thêm phần thi ứng xử nhằm dùng trí tuệ để phân định thắng thua.
Khổ nỗi, không biết quá trình sàng lọc trước mỗi cuộc thi hoa hậu “trục trặc” thế nào mà càng ngày người ta càng được chứng kiến nhiều hoa hậu trở thành biểu tượng xấu. Vậy là, thay vì được tung hô, các cô lại trở thành “miếng mồi” cho dư luận gièm pha.
Nào là Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh không biết ý nghĩa của lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và bị nghi vấn chưa tốt nghiệp lớp 12, rồi Diễm Hương với bảng điểm có tới bảy môn bị điểm 0, hoặc Mai Phương Thúy khoe thân quá đà trong trang phục áo dài truyền thống của dân tộc… Dần dà, hoa hậu trở thành một “nghề” lắm tai tiếng, thị phi nhưng lạ là chẳng ai sợ dấn thân.
Bằng chứng là các cuộc thi hoa hậu dù mọc lên như nấm sau mưa vẫn thu hút hàng ngàn mỹ nữ đủ các cấp độ nhan sắc và trí tuệ chen nhau nộp hồ sơ. Các cô có giải ở tỉnh lẻ hối hả tìm đến các cuộc thi cấp quốc gia, còn các cô đã ẵm giải cáp quốc gia thì háo hức chờ được cử đi thi các cuộc thi tầm quốc tế.
Lý do của sự tranh thủ ấy không phải vì các cô thích được công nhận rằng mình đẹp trên diện rộng, mà bởi, gạt qua những tai tiếng thị phi, cái lợi của vương miện mang lại quá lướn.
Từ thuở có các cuộc thi nhan sắc tới nay, hiếm có thông tin nào cho thấy hoa hậu lấy chồng nghèo. Chỉ thấy hoa hậu lấy đại gia, xuất ngoại, ở biệt thự, đi xe hơi, khoe hàng hiệu trị giá trăm triệu đồng. Chưa kể hoa hậu còn được săn đón ở mọi lĩnh vực “hái” ra tiền, khi thì tham gia bộ phim này, khi lại góp mặt vào dự án âm nhạc nọ, một bước lên sàn diễn thời trang là trở thành vedette…
Cái danh hoa hậu có giá tới nhường ấy, mấy ai không chịu “cố đấm ăn xôi”, nói dối vài câu, gây thị phi điều tiếng. Dư luận dù “ném đá” cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng, danh hiệu dù bị dọa tước nhưng cuối cùng mình vẫn nghiễm nhiên là nhan sắc từng đoạt vương miện. Thứ hào quang ấy, dễ gì có được?
Nếu các người đẹp Việt từng tự hào rằng ngày càng có nhiều nhan sắc tìm được chỗ đứng trên bản đồ sắc đẹp quốc tế thì chính các cô cũng phải tự hỏi rằng, những vinh quang ấy có còn xứng đáng, khi ngay tại sân nhà, các cô đã “thua” trong lòng khán giả?