Hoang mang trước ma trận hàng hiệu "nhái"

Những cạm bẫy lừa đảo hàng hiệu giá rẻ luôn chực chờ những người mua "nhẹ dạ cả tin".

Vấn đề hàng thật và hàng nhái vẫn luôn là chủ đề nóng. Ai cũng muốn mua được một món hàng chính hãng với giá hợp lý.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, họ có thể dễ dàng bị rơi vào ma trận hàng giả hàng nhái đang giăng khắp thị trường trong nước. Nhất là khi thị trường này còn đang bị quản lý chặt chẽ.

Những thương vụ hàng hiệu rởm giá thật gây xôn xao

Hàng hiệu được đem về theo dạng xách tay là một trong những cách để người bán khéo léo đánh được vào tâm lý sính hàng hiệu nhưng thích giá rẻ của nhiều người Việt. Cách này tuy có nhiều tiện ích, song lại tiềm ẩn cực kỳ nhiều yếu tố rủi ro cho người mua. 

Ngoài ra, xu hướng người tiêu dùng chuộng hàng hiệu qua mạng, hàng tại các nơi ký gửi đồ hiệu…. cũng là những kẽ hở để nhiều “siêu lừa” lợi dụng tiêu thụ hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.

Nổi đình nổi đám nhất trong những vụ lừa đảo bán hàng rởm với giá “xịn” phải kể tới trường hợp “siêu lừa” Ngọc Ella. Người bán này đã lập vô số kênh bán hàng, gồm hàng chục tài khoản facebook và trên nhiều trang web rao vặt để tiêu thụ những chiếc túi Dior, Chanel và cả Hermes “nhái”.

Theo nhiều người từng mua hàng, chiêu lừa của Ngọc Ella khá tinh vi. Đối với những khách có “tiềm năng”, Ngọc Ella sẽ bán cho họ món đầu tiên là hàng thật để lấy lòng tin, sau đó mới bán hàng giả.  Nếu như khách kiểm tra được hàng giả, Ngọc Ella vẫn đồng ý trả tiền nhưng trừ đi khoảng vài triệu  đồng “tiền phí”. Bởi vậy nên dù có tiêu thụ được hàng giả hay không thì Ngọc Ella vẫn có lời.

Ngọc Ella được cho chính là chủ nhân của nick Linh_vu trên website mua bán lớn từng bị vạch trần việc bán túi xách Prada Saffiano giả với giá 17-19 triệu đồng vào đầu năm 2013. Theo người có kinh nghiệm đánh hàng Quảng Châu thì chiếc túi siêu fake này nếu mua số lượng lớn thì chỉ có giá khoảng 1 triệu đồng.

Tới giữa năm 2013, Ngọc Ella hay tên thật là Nguyễn Phương Bảo Ngọc bị công an phường Hàng Trống (HN) tạm giữ và điều tra sau khi bị tố cáo bán túi Hermes “giả” với giá 130 triệu đồng.

Vụ việc này chưa có thông tin gì mới thì tới ngày 3/1/2014, trang Straitstimes đã đưa tin Nguyễn Phương Bảo Ngọc (Ngọc Ella) bị phía Singapore buộc tội lừa đảo khi bán túi Hermes giả giá gần 200 triệu đồng cho cô Arlene Darusman ngay tại sân bay quốc tế Changi ở Singapore vào tháng 11/2013. Với vụ việc này, Nguyễn Phương Bảo Ngọc có thể đối mặt với mức án 10 năm tù và khoảng 30.000 đô la Singapore (khoảng 500 triệu đồng) tiền mặt.

Hoang mang trước ma trận hàng hiệu "nhái" - 1

Công nghệ làm hàng fake(giả) đang rất phát triển. Chúng cho ra đời những món đồ giống hàng thật tới hơn 90%

Các siêu lừa hàng hiệu trên mạng luôn có đặc điểm chung là thường đánh bóng hình ảnh của mình với đồ xịn và lối ăn nói ngọt ngào. Vào năm 2010, những thành viên của một diễn đàn phụ nữ đã chung tay lật tẩy một siêu lừa mỹ phẩm hàng hiệu núp danh dưới nhiều nickname khác nhau như jinnyc., hutieu.,…

Năm 2011, trên diễn đàn mua bán muar. cũng từng xử lý một thành viên chuyên bán mỹ phẩn, hàng hiệu rởm có tên jupe. Vô số khách hàng đã bị “sốc” nặng bởi họ từng bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài phủ đầy hàng cao cấp, đi nước ngoài như đi chợ và lối ăn nói ngọt nhạt thân tình của hai người bán này.

Cách đây vài năm, một diễn đàn phụ nữ cũng từng rúng động bởi vụ siêu lừa trị giá vài trăm triệu có tính chất “xuyên lục địa”. Người bán và người mua quen thân nhau sau nhiều lần trao đổi về thú chơi hàng hiệu trên diễn đàn này. Sau đó người mua (một phụ nữ sống tại nước ngoài) đã sớm tin tưởng và đồng ý mua gần 20 chiếc túi Louis Vuitton cũ của người bán (một phụ nữ sống ở Việt Nam) với giá khá hời. Tuy nhiên sau khi chi trả tiền sòng phẳng và nhận được lô túi thì khách mới tá hỏa nhận ra là toàn túi nhái. Lô túi chị nhận được chỉ có giá trị bằng 1/30 so với giá chị bỏ ra. Tuy nhiên tới khi liên lạc lại thì người bán đã khóa nick diễn đàn và cao chạy xa bay.

Gần đây nhất, mạng xã hội facebook tiếp tục được dịp xôn xao trước màn tố mượn danh từ thiện để bán hàng fake giữa hai nick facebook QT và MD. Vụ việc này khá ồn ào bởi nick QT từ trước tới nay vốn nổi tiếng  trên mạng xã hội và nhiều diễn đàn với việc bán đồ xách tay và thanh lý đồ hiệu đã qua sử dụng.

Vụ việc bắt đầu từ đầu năm 2013 khi nick MD mua một chiếc túi Chanel được quảng cáo là hàng authentic (hàng thật) với giá hơn 17 triệu trong một đợt thanh lý để làm từ thiện của nick QT. Tuy nhiên sau đó, nick MD đã phát hiện rằng chiếc túi này là hàng fake. Vụ việc vẫn còn đang trong hồi tranh cãi, tuy nhiên nó cũng cho thấy những vụ lùm xùm bán hàng hiệu rởm giá xịn trên mạng đang ngày càng có dấu hiệu gia tăng và trở nên phức tạp.

Hoang mang trước ma trận hàng hiệu "nhái" - 2

Hương Giang từng tố cáo ca sĩ Pha Lê bán túi Michael Kors rởm cho mình

Vì đâu nên nỗi?

Ham rẻ, không thích chờ đợi, chủ quan, cả tin... là những yếu tố dễ khiến các thượng đế rơi vào ma trận hàng hiệu rởm.

Núp dưới bóng thanh lý, bán hàng ký gửi, hàng xách tay, hàng tồn kho, hàng xuất khẩu, hàng lướt, hàng “hải quan”… mà các siêu lừa tiêu thụ nhanh chóng những món hàng fake.

Nhiều khách hàng không hề nghi ngờ khi chi tiền ra mua đồ Chanel thuộc bộ sưu tập mới với mức giá rẻ hơn giá hãng niêm yết tới 30%,  túi Hermes Birkin đủ các màu và đủ loại da hay túi Celine lấy ngay sau vài tuần đặt. Thậm chí những chiếc túi Dolce&Gabana phiên bản giới hạn (limited) cũng có thể lấy số lượng nhiều không giới hạn…

Những điều này là rất vô lý bởi Chanel hiếm khi nào giảm giá quá sâu như vậy, kể cả với khách quen hoặc nhân viên của hàng. Hoặc như đối với Hermes Birkin hay Kelly, quy chế bán hàng khắt khe khiến khách kể cả có tiền không thể nhanh chóng có được nó… Vì vậy, rõ ràng, việc mua bán quá dễ dàng cũng tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ.

Hoang mang trước ma trận hàng hiệu "nhái" - 3

Để mua được những chiếc túi Hermes Kelly, Birkin là cả một nghệ thuật. Bạn sẽ phải ghi danh vài danh dách chờ (waiting list). Màu, kiểu càng hiếm thì càng phải chờ lâu. Có khi phải chờ tới vài năm để sở hữu một chiếc túi như thế

Nhiều khách hàng thậm chí còn mắc hớ khi mua chiếc túi, khăn Hermes được quảng cáo là hàng Việt Nam xuất khẩu được móc (trộm) từ trong kho. Trong khi đó, Hermes không hề có xưởng sản xuất tại Việt Nam. Do vậy, thiếu kiến thức và nguồn gốc sản phẩm dễ khiến các dân chơi hàng hiệu sập bẫy.

Để mua hàng trên mạng, nhiều người được khuyên nên đọc phản hồi của khách hàng về người bán trước khi mua. Tuy nhiên cách chứng minh độ tin cậy này hiện nay cũng không hề đáng tin.

Trang H. – Chủ của một shop hàng xách tay cho biết: “Hầu hết các shop đều có những người làm forum seeding (làm nhiệm vụ quảng cáo ngầm trên các diễn đàn, mạng xã hội). Chỉ cần bỏ ra vài triệu, bạn sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn phản hồi tốt từ các khác hàng ảo. Bởi vậy các ý kiến phản hồi của các shop thực tế là không đáng tin”. 

Hoang mang trước ma trận hàng hiệu "nhái" - 4

Những chiếc túi được quảng cáo là túi "Hermes Kelly Việt Nam xuất khẩu"

Bởi vậy, khi mua một món hàng hiệu, bạn cần có thông tin cụ thể về người bán và nguồn hàng. Bởi thực tế, đôi khi người bán cũng không chắc nguồn hàng của mình có phải là hàng “xịn” hay không. Chẳng hạn như tờ Guardian từng đưa tin ở Pháp với Ý có vô số những nguồn hàng được quảng cáo là hàng hiệu “vét kho” (outlet) với giá rất rẻ, tuy nhiên nó lại là hàng nhái do Trung Quốc sản xuất tuồn sang thị trường nước ngoài. 

Để chắc ăn nhất, trước khi mua món đồ hiệu, bạn nên tới các cửa hàng của hãng để kiểm tra. Đối với nhiều thương hiệu không có cửa hàng ở Việt Nam thì những diễn đàn như Purseforum, CarolDiva cũng có thể giúp phân định được độ thật giả của sản phẩm bằng kinh nghiệm sử dụng hàng hiệu dày dặn của các thành viên. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Hàng hiệu khủng của sao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN