HN: Shop thời trang lưa thưa khách mua ngày cận tết
Tình hình người dân sắm sửa áo quần năm nay dường như kém sôi động hơn hẳn so với những năm trước.
Dạo một vòng qua các địa chỉ bán mặt hàng thời trang trong những ngày giáp tết, dễ nhận thấy một điều là tình hình mua sắm của người dân có vẻ trầm lắng hơn mọi năm.
Tại các khu chợ, tình hình mua sắm khá ảm đạm
23, 24 tết, vỉa hè trên mọi nẻo phố chật ních quần áo cũ bán xả hàng của các cửa hàng thời trang. Các sạp tại những khu chợ bình dân cũng bày biện la liệt hàng để mau chóng tiêu thụ nốt số quần áo còn tồn đọng trong năm nhằm thu hồi vốn. Hàng hóa nhiều, khách hàng cũng không ít nhưng theo thực tế ghi nhận, người xem áp đảo người mua.
Chợ hàng thùng Đông Tác một trong những khu chợ rẻ nhất của người Hà Nội. Với giá cả trung bình khoảng 40 - 50 ngàn/ 1 chiếc áo len, váy liền 40 - 60 ngàn, áo khoác 120 - 200 ngàn, nơi đây là sự lựa chọn số 1 của sinh viên và những người thu nhập thấp.
Dù là chợ “sida” nhưng hàng hóa ở đây đa phần đều được tuyển lựa nên nhiều món còn khá mới. Giá rẻ và dễ nhặt nhạnh được đồ trông như mới vì thế mọi năm mỗi dịp xuân về, bắt đầu từ sớm tháng 12 âm, chợ Đông Tác đã chật ních sinh viên và người ngoại tỉnh tới sắm đồ về quê diện tết. Tuy nhiên năm nay tới áp tết mà khung cảnh mua bán vẫn còn khá đìu hiu.
Chủ của sạp hàng này chia sẻ: "Năm nay bán kém lắm"
Người mua thưa thớt khiến cho các người bán vô cùng ngám ngẩm. Theo một chủ cửa hàng tại Đông Tác, do tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên năm nay vắng khách hơn hẳn so với cùng thời điểm những năm trước.
“Mọi năm vào thời điểm cận tết, ở chợ này khách hàng chen chúc đông nghịt. Mỗi ngày phải bán được tới 2 – 3 triệu đồng. Thế nhưng năm nay thì buồn lắm, ngày bán chừng vài trăm là may. Tôi muốn đổi nghề khác, không kinh doanh quần áo nữa nhưng nghỉ thì cũng chẳng biết làm gì nên cứ cố bán túc tắc thế thôi” – Một người bán chán nản chia sẻ.
Nhiều chủ sạp hàng tại Đông Tác cũng than thở bán hàng chậm tới mức ngồi cả ngày cũng không có khách mở hàng dù vào ngày thứ 7, chủ nhật thời điểm sát tết.
Tiểu thương tại Đông Tác cũng nói rõ thêm, không phải hiện tại tình trạng kinh doanh mới “rệu rã” mà trong 5 năm đổ lại đây, chuyện bán hàng thời điểm giáp tết đã ế ẩm dần đều, mỗi năm một kém.
Khu Hàng Ngang, Hàng Đào mọi năm vào khoảng giữa tháng 12 âm đã tấp nập việc mua mua bán bán nhưng tới thời điểm cách tết chỉ một tuần, lượng khách hàng cũng không được dồi dào như mọi năm.
Cảnh mua bán ngày cận tết tại Hàng Ngang - Hàng Đào
Con phố Gia Ngư chuyên bán tất, đồ lót hay Đinh Liệt chuyên khăn mũ vào ngày cận tết những năm trước chật kín người khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn thì vào thời điểm này vẫn khá “thông thoáng”, chưa có dấu hiệu gì của việc ách tắc.
Chia sẻ với phóng viên, một người bán hàng lâu năm tại đầu phố Gia Ngư tỏ ra khá bi quan với tình hình mua bán.
Phố Đinh Liệt thưa người mua dù vào chiều chủ nhật cận tết
“Năm nay bán khó lắm, ngày sát tết mà bán trên phố lớn như thế này cũng chỉ được 1 -2 triệu cả vốn lẫn lãi. Chưa năm nay bán chán như năm nay” – Tiểu thương không giấu nổi sự chán chường.
Tại một cửa hàng đông người trên phố Hàng Đào, chị bán hàng khá trẻ tuổi tỏ ra xởi lởi chia sẻ thật thà rằng tuy nhìn qua thì thấy khách hàng quây kín, chen chúc nhưng chủ yếu là hiếu kỳ, xem qua và hỏi giá cho biết. Thực tế rất khan người mua.
Những người bán này chia sẻ phần lớn khách chỉ tới xem và hỏi giá chứ ít mua
“Mọi năm từ 20 đổ ra là các cửa hàng tại Hàng Đào đã đổ hết quần áo ra vỉa hè để bán hạ giá, xả kho. Người mua đông đúc, lấn ra hết lòng đường. Thế nhưng năm nay thì ít hơn hẳn. Thậm chí trước đây, dịp gần tết chúng tôi còn phải lấy thêm hàng thì năm nay chỉ mong xả được gần hết hàng cũ là mừng.
Ngay cả các dân buôn tỉnh, những ngày áp tết mấy năm trước, họ lấy từng thùng lớn hàng nhưng năm nay cũng chỉ nhặt nhạnh lẻ tẻ, không dám lấy buôn vì sợ ế. Đấy là dân buôn lớn còn dân buôn nhỏ hầu như ngừng hẳn việc đánh hàng” – Chị bán hàng chia sẻ.
Ở một góc khác, một người bán hàng trung tuổi đổ hàng la liệt tại một địa điểm khá "hot", ngay đối diện tòa nhà Hàm Cá Mập đường Đinh Tiên Hoàng. Những người đi đường tỏ ra hờ hững, thậm chí còn chẳng có lấy một khách hỏi mua.
"Đau hết cả ruột cả gan" - Người phụ nữ trung tuổi than thở khi xả hàng rẻ mà bán vẫn chậm
Khi được hỏi về tình hình kinh doanh ngày cận tết, người bán hàng này thốt lên đầy cảm thán: “Thôi đừng nói gì nữa, tôi đang đau hết cả ruột gan đây này”. Được biết, cô khá buồn phiền về việc hàng giảm tới 70% mà bán vẫn quá chậm.
Trên những khu phố chuyên kinh doanh thời trang như Bà Triệu hay Chùa Bộc, các cửa hàng từ sau ngày 21, 22 đã đồng loạt đổ hàng ra vỉa hè để bán cả ngày đến tối muộn 10 – 11 giờ. Tuy nhiên tình hình cũng không mấy khá khẩm. Đi tới đâu cũng nghe thấy những lời than thở “hàng bán chậm lắm” hay “ế lắm”, “chán lắm”.
Từ ngày 20 đa số các shop trên phố thời trang đều đổ hàng ra bán
Nhiều shop thời trang “hoành tráng” tọa lạc tại các vị trí đắc địa cũng chỉ lác đác người xem dù đã treo biển giảm giá khá hấp dẫn.
Tuy nhiên không phải nơi nào cũng vắng khách. Tại một cửa hàng quần áo có mặt tiền lớn được trang trí bắt mắt trên đường Bà Triệu, người mua đông tới mức xe xếp trên vỉa hè không đủ mà còn tràn hết gần nửa lòng đường.
Dù nhiều shop khác khá ế ẩm thì tại shop này khách đông nghịt, xe để tràn ra đường
“Đột nhập” vào cửa hàng thì thấy rằng không khó lý giải tại sao nơi đây lại đông khách hơn hẳn những địa chỉ khác. Đồ trong cửa hàng vừa nhiều về số lượng lại ăn theo các xu hướng mới nhất của giới trẻ. Hàng hóa phong phú về màu sắc và có mẫu mã bắt mắt. Quần áo, phụ kiện như vòng nhẫn, mũ, khăn, kính, giày…. đều đủ cả. Mức giá giảm 50% rất hấp dẫn…
Vì thế nên giữa một loạt shop vắng khách khách thì shop này vẫn chật kín người mua và cả những người hiếu kỳ vào xem chỉ vì thấy nơi này… đông quá.
Một khách rời khỏi cửa hàng chia sẻ: "Vào trong cửa hàng như đi đánh trận, chẳng mua được gì"
Một trong những lý do quan trọng nhất khiến shop quần áo kể trên hút khách đó là bởi mặt hàng của họ rất đa dạng.
Trên phố thời trang Bà Triệu, tuy có nhiều shop nằm xen kẽ nhau nhưng các mặt hàng lại giống nhau. Theo chia sẻ của bạn Thanh Vân - một người mua sắm khá sành thì chỉ cần đi 1 shop lớn nhất, nổi tiếng nhất là bạn đã như tạt qua hết các shop còn lại trên phố thời trang rồi. Vì thế chuyện khách hàng tập trung ở một địa chỉ cũng là điều dễ hiểu.
Một shop bán đồ thiết kế cao cấp gần nhà hát lớn cũng nhanh chóng tiêu thụ gần hết số hàng tồn dù giá cả khá cao, 700 – 3 triệu đồng/sản phẩm sau khi đã giảm giả.
Những địa chỉ giảm giá nhiều và giá sản phẩm rẻ vẫn thu hút khách
Theo chia sẻ của một nhân viên bán hàng thì sát tết lượng người mua tăng đột biến, có thể là do trước khi hạ giá 1 tháng họ tung ra một bộ sưu tập mới nhằm kích thích khách hàng háo hức mua khi giá giảm sớm. Thêm vào đó, hàng giảm giá nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao như hàng bình thường và bản thân thương hiệu cũng không có những kỳ giảm giá mạnh trong năm.
Điểm qua một chút thì những cửa hàng hay địa chỉ mua hàng bình dân treo biển giảm giá quá thấp ( 10 – 20%) đặc biệt vắng khách. Những shop có mức giá giảm cao 50 -70 % dù hàng đổ đống, nhăn nhúm nhưng vẫn có đông người xem hơn hẳn.
Các cửa hàng trên phố thời trang vắng vẻ vào chiều chủ nhật những ngày áp tết
Thực tế, xu hướng tấp nập sắm sửa nhân dịp tết nhất cũng đã bão hòa. Chị Thanh Hà (30 tuổi, thu nhập 8 triệu/tháng) cho biết sở dĩ mấy năm gần đây chị không quá quan trọng việc mua quần áo mới để diện tết là bởi “ra tết vài hôm là đã bán đầy hàng nên không cần chộn rộn như xưa”, “quần áo mới mua trong năm còn chất đống trong tủ thì mua mới làm gì”, “mua hàng online vừa tiện, nhanh, thích hơn chen lấn xô đẩy ngoài cửa hàng nhiều”.
Đây cũng là tâm lý mua bán chung của nhiều người dân thời hiện đại.
Ảnh: Hoài Thu