Hàng hiệu, có tiền thôi chưa đủ!

Có tiền là mua được hàng hiệu, nhưng mua thế nào, dùng thế nào, trưng ra sao cho xứng?

Có tiền là mua được hàng hiệu, nhưng mua thế nào, dùng thế nào, trưng ra sao, những thứ đó cũng quyết định không nhỏ tới giá trị của món đồ bạn mua về. Vậy nên, có tiền thôi thì chưa bao giờ là đủ.

Không ai bắt bạn phải là một kẻ “sành” hàng hiệu từ đường kim tới mũi chỉ; cũng không nhất thiết bạn phải thuộc tên nằm lòng, đọc thông vanh vách từng thương hiệu và lịch sử của hãng mới gọi là sành. Nhưng nhất thiết, bạn phải có một thái độ xứng với món hàng bạn cầm trên tay, cho dù nó có là một món đồ bình dân mua từ chợ, hay là một trong những thứ vẫn còn đang nóng hổi trên kệ của trung tâm thương mại danh giá bậc nhất thành phố.

Đôi khi, chính thái độ của người mua, kẻ bán mới quyết định giá trị của một món hàng, chứ chưa hẳn là giá tiền. Bán thế nào, mua ra sao? Liệu có phải cứ bỏ tiền ra để sở hữu cho bằng được thứ mình muốn và bằng mọi giá bán cho được thứ mình có đã là cách đối xử công bằng với hàng hiệu?

Ít hôm trước, người dân Thủ đô được một phen náo loạn khi lô hàng từng xác định là trốn thuế của thương hiệu đình đám nọ được bán thanh lý trên một con phố nhỏ. Trước giờ G đến cả mấy chục tiếng, người người, nhà nhà truyền tin cho nhau, rồi tới xếp hàng, nhận số từ sáng sớm không khác nào thời bao cấp.

Chưa bao giờ việc buôn bán một thứ hàng hóa nào lại diễn ra tấp nập như thế ở Việt Nam. Người ta chen chúc nhau, rỉ tai nhau bao nhiêu “thủ đoạn” để qua được cánh cửa dày đặc bóng các chú áo xanh.

Nhìn cảnh ấy, tôi thầm ước giá đó chỉ là cuộc mua bán chớp nhoáng của những hàng tôm hàng cá, là cuộc bon chen của những gánh rau nơi từ góc chợ tràn ra lòng đường. Nhưng đó lại là hàng hiệu. Mà lại là của một thương hiệu tầm cỡ thế giới. Có cười nổi không?

Thấy bảo có người nhịn cả ăn sáng để đi xếp hàng, có người nghỉ cả một ngày buôn bán để đưa cả gia đình tới xếp hàng… Chẳng biết có bao nhiêu trong số họ mua được hàng hiệu trong con phố ấy, chỉ thấy không ít người chưa kịp hân hoan vì “rinh” được hàng xịn giá rẻ, đã phải nếm trái đắng khi phát hiện chất lượng các mặt hàng không như mong đợi.  

Dù không có họ hàng gì với cha đẻ của thương hiệu kia, tôi cũng lấy làm xót xa thay!

Hàng hiệu, có tiền thôi chưa đủ! - 1

Chen chúc mua hàng hiệu thanh lý không khác nào thời bao cấp!

Thiết nghĩ, khi hàng hóa đã mang trên mình một thương hiệu, bản thân chúng đã đủ khác biệt và xứng đáng được đối xử theo những cách trang trọng. Đừng tưởng đặt một món đồ trong một nơi xa hoa đầy ánh sáng, mà người bán không lúc nào thôi lườm nguýt, canh chừng khách như sợ bị mất trộm, còn kẻ mua thì hách dịch, sẵn sàng ném qua ném lại món đồ chỉ vì “ta là người có tiền” là xong nhiệm vụ với hàng hiệu.

Hàng hiệu không dành cho những người như thế!

Tôi từng ghé thăm một tiệm thời trang không hẳn là hàng hiệu. Nhưng nếu tới đó vào giữa một buổi trưa nắng, bạn sẽ được nhân viên bán hàng mời dùng những cốc trà mát lạnh thơm mùi hoa nhài. Rồi họ sẽ bật những bản nhạc nhẹ nhàng cho bạn nghe, quay lại với công việc của mình trong khi để bạn tự do xem đồ và ướm thử tất cả những gì bạn muốn.

Giá những món đồ của thương hiệu đã thanh lý kia cũng được đặt ở một nơi như vậy, gặp được những người nhẹ nhàng như thế, hẳn chúng còn giá trị hơn gấp nhiều lần cái giá ngất ngưởng ghi ở trên mác. Tiếc là không phải vậy…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huân Y Thảo ([Tên nguồn])
Phiếm chuyện thời trang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN