Du học sinh "dạy" bố chồng Hà Tăng bán đồ hiệu bị phản bác

Bài viết “sửa lưng” ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn về chất lượng hàng hiệu tại Tràng Tiền Plaza của du học sinh/doanh nhân trẻ Nguyễn Ích Vinh được chia sẻ trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt và có nhiều ý kiến bình luận trái chiều.

Tối 8/8, trên mạng xã hội Facebook nhiều người chia sẻ thông tin bài viết của doanh nhân Nguyễn Ích Vinh chỉ ra nhiều điểm yếu của Tràng Tiền Plaza. Nguyễn Ích Vinh là du học sinh Nhật Bản đang sinh sống và kinh doanh tại Việt Nam.

Bằng những kiến thức có được sau thời gian dài quan sát cách mua và bán hàng hiệu ở nước ngoài, anh đã chỉ ra những điểm yếu của Tràng Tiền Plaza. Xung quanh bài viết của anh cũng có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

“Giá cả đắt đỏ, hàng không đảm bảo”

Đó là một trong những lí do đầu tiên Nguyễn Ích Vinh đưa ra để trả lời câu hỏi đầu bài viết: “Vì sao tôi không mua hàng ở Tràng Tiền Plaza”. Theo hiểu biết cá nhân, anh Vinh cho rằng sản phẩm ở trung tâm thương mại này hường đắt hơn món đồ cùng loại ở Nhật Bản, Hong Kong, Singapore từ 20 đến 30%.

Bên cạnh đó, người Việt Nam không phải là không có tiền song họ lại không có thói quen mua hàng trong nước bởi hàng hiệu trong nước không chắc chắn thật 100%. Để bảo vệ quan điểm này, anh Vinh cũng đưa ra những ví dụ người thân đã từng mua phải hàng fake ở nhiều trung tâm thương mại trong nước.

Ngoài ra, "con đẻ" của bố chồng nữ diễn viên Tăng Thanh Hà ế khách vì không nắm bắt được thói quen chi tiêu của người miền Nam và người miền Bắc. Doanh nhân trẻ này cho rằng, người miền Bắc không chi mạnh tay cho hàng hiệu nên việc đặt Tràng Tiền Plaza giữa lòng Hà Nội cũng là một sai lầm.

“Tràng Tiền Plaza không biết chăm sóc khách hàng”

Ngoài lí do giá cả và nguồn gốc, khả năng chăm sóc khách hàng của nhân viên bán hàng tại Tràng Tiền Plaza cũng bị doanh nhân Nguyễn Ích Vinh than phiền. Anh viết: “Bảo vệ hầm gửi xe mặc kệ cho tôi muốn đậu xe đâu thì đậu, chưa lấy xe đã bắt trả tiền trước, lúc lấy xe ra thì thậm chí ko thèm cầm lại vé…

Nhân viên bán hàng ngồi, buôn chuyện, và nhìn thấy tôi thì vồ lấy như bắt được con cá to, nói nhiều đến mức tôi khó chịu.” Thái độ này, anh Vinh cho rằng hoàn toàn trái ngược với cách phục vụ khách hàng ở các trung tâm thương mại nước ngoài mà đã tới; từ cách cười, chào, giới thiệu sản phẩm đến việc dùng găng tay khi đưa hàng cho khách xem.

Không chỉ đưa ra những yếu kém, vị doanh nhân này còn so sánh trung tâm thương mại đắt đỏ với một vài thương hiệu bình dân có lượng khách hàng ổn định và nhắc tới một số nguồn khách hàng tiềm năng mà doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn có thể tìm kiếm.

Du học sinh "dạy" bố chồng Hà Tăng bán đồ hiệu bị phản bác - 1

Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza là một trong những khu mua sắm cao cấp nhất Việt Nam nằm tại Hà Nội

Du học sinh "dạy" bố chồng Hà Tăng bán đồ hiệu bị phản bác - 2

Một góc Tràng Tiền Plaza

Người viết không hiểu phân khúc hàng bình dân và cao cấp

Một trong những phản bác sắc sảo nhất là lời nhận xét của một nhà báo có chục năm kinh nghiệm làm việc với những thương hiệu cao cấp trước quan điểm mà doanh nhân Nguyễn Ích Vinh đưa ra. Chị V.T là thư kí tòa soạn của một tạp chí chuyên về phong cách sống, tờ báo đã tiên phong làm cầu nối đưa thương hiệu Louis Vuitton đến với độc giả. 

Sau khoảng thời gian trên chục năm làm việc với nhiều nhãn hàng danh tiếng, chị V.T nhấn mạnh: “Bài viết này động chạm tới rất nhiều vấn đề, nên tôi phải chia sẻ đôi điều. Bài viết về cơ bản là chủ quan và nông cạn.”

Nhà báo cho rằng, doanh nhân trên đã không phân biệt được các phân khúc khác nhau trong cùng một trung tâm thương mại nhưng nhãn hàng mass (đại trà) và luxury (cao cấp) sẽ có các tiêu chuẩn dịch vụ khác nhau.

Theo kinh nghiệm của mình, chị cho rằng đối tượng mua hàng hiệu ở Việt Nam thường từ 35 tuổi trở lên, thường có gia đình (không liên quan đến độ hạnh phúc) và thành đạt.

Về việc khác nhau giữa các vùng miền như anh Ích Vinh nói cũng không tồn tại vì “Tốc độ và mức độ chi tiêu là ngang nhau, trong nhiều trường hợp nghiêng về Hà Nội. Nhiều thương hiệu vì lý do này đã chọn Hà Nội để mở cửa hàng đầu tiên.”

Quan điểm người có tiền ra nước ngoài mua sắm anh Vinh đưa ra cũng bị phản bác và cho rằng đó là thói quen đã lỗi thời. Nhà báo cho rằng, người giàu có ở Việt Nam không thua kém bất cứ ai về mức độ “vét hàng hiệu”. Thậm chí những phiên bản giới hạn hiếm hoi của một số thương hiệu cao cấp bậc nhất cũng có ở nước ta.

Việc đưa ra ví dụ mua phải hàng nhái, hàng fake của doanh nhân cũng không có tên, tuổi, hình ảnh cụ thể được coi là bằng chứng không thuyết phục bởi nhiều sản phẩm đang được bày bán ở Việt Nam có chế độ bảo hành toàn cầu.

Tràng Tiền Plaza được đánh giá là  trung tâm thương mại cao cấp bậc nhất trên cả nước, chuyên cung cấp sản phẩm của các thương hiệu danh tiếng trên toàn thế giới.

Khu mua sắm này còn nổi tiếng bởi ông chủ là doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn, người được mệnh danh “ông vua hàng hiệu” (bố chồng của nữ diễn viên nổi tiếng Tăng Thanh Hà).

Mở cửa vào 4/2013 sau quá trình nâng cấp với chi phí khoảng 400 tỉ đồng, khu mua sắm này hứa hẹn sẽ thu hút đối tượng khách hàng giàu có chi mạnh tay cho hàng hiệu. Cũng không ít khách hàng tiềm năng chờ đợi sự ra đời này tạo điều kiện cho họ mua sắm những mặt hàng cao cấp ngay tại Việt Nam.

Đã có nhiều bài báo cũng như ý kiến trên các diễn đàn chỉ ra những điểm kém hút khách ở đây.Trung tâm thương mại này cũng đi vào sửa chữa và tái cấu trúc đợt hai từ ngày 4/8.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đinh Trang ([Tên nguồn])
NÓNG cùng thời trang mỗi ngày! Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN